Tuesday 29 November 2011

Mặt tuồng Việt Nam - Nghệ sĩ Hữu Thông

Không biết anh có còn được gọi là nghệ sĩ không nữa. Bởi bây giờ với anh sân khấu chỉ còn là ký ức, những ký ức vỡ vụn được chắp vá bằng những hoài niệm gián đoạn, trong mạch suy tưởng đã đứt gãy, đang cố tìm cách hồi phục lại của anh. Một tai nạn oan trái đã tác động đến trí nhớ khi anh đang dành hết tâm sức cho bộ sưu tập mặt nạ tuồng của đời mình.


Nghệ sĩ Hữu Thông-Bình Định 07/11
Tôi phải kể câu chuyện kỷ niệm giữa anh với tôi để tin rằng vẫn còn những nghệ sĩ đích thực của Tuồng trong cái thời buổi nhiễu nhương thật giả này.

Anh rất ngạc nhiên vì đã lâu không ai tìm tới anh và người tìm tới lại là người ngoại đạo. Anh ngạc nhiên vì  không bị những áp lực thường hay xuất hiện khi một ai đó quan tâm tới công trình của mình. Anh kể cho tôi nghe câu chuyện phải bán hai cái mặt nạ theo chỉ thị của sếp công an. Anh kể cho tôi rằng đã từng nói không rất nhiều lần với thói tham của những kẻ thích chiếm hữu (mà tôi cũng là một trong số đó). 

Anh miên man với những kỷ niệm về đời nghề, về vai diễn, về những chuyến viễn du "đem chuông đi đánh xứ người" trong một quá khứ mơ hồ như sương khói. Rồi anh giật ngược lại với quán cháo lươn ngồn ngộn hiện tại và trần trụi thiếu thốn mà vợ anh đang khéo vun vén để nuôi chồng. Anh muốn sôi lên khi phân tích cho tôi hiểu cái đẹp trong các bộ của của tuồng võ, cái hay chải chuốt và thâm thúy trong lời xướng của tuồng văn. Rồi lại tiu nghỉu như mèo khi thất vọng về khoản lương hưu lãnh một lần bèo bọt. Anh bí mật với tôi về những chuyện hậu trường dở nhiều hơn hay của sân khấu. Rồi như anh oán trách về thân phận ngoài lề bất đắc dĩ của mình.
Trong một phút buồn
Anh phân thân giữa bản thân và nhân vật, giữa nhân vật này và nhân vật khác, giữa một con người anh với đa dạng tính cách và đa chiều quan hệ trong câu chuyện của Tuồng. Một  phức hợp giữa Thực-Giả, Tôi-Không Tôi, Ước Muốn-Giới Hạn đã hình thành trong suốt thời gian anh tập trung cho công trình vẽ mặt tuồng của mình. Anh xuất hồn trong đời thực và trạng thái "tẩu hỏa nhập ma" ắt phải đến! Anh kể rằng đến lúc suy nghĩ không điều khiển được ngòi bút, ước muốn trở thành bất khả thi khi những khuôn mặt anh vẽ ra từa tựa nhau chứ không còn khác biệt nữa. Lúc nguồn sáng tạo cạn kiệt, thể chất cũng suy vi tương đương, chính là lúc tai họa đổ xuống: anh đang hôn mê trong bệnh viện khi người cha qua đời. Có phảng phất chút gì như Kép Tư Bền trong câu chuyện của anh? Tôi tự hỏi rằng hay đã là nghệ sĩ thì trước sau gì cũng phải vận vào mình trái ngang như vậy?

Ở rạp diễn "Như Thị Quan" Đào Tấn có treo câu đối như thế này:

"Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ.
Sư đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân"

Nghĩa là:
"Trời chẳng cho ta được rảnh rỗi, cho nên phải đến với cái bận rộn này (làm Tuồng) để tìm sự thong thả.
Cuộc đời như tấn Tuồng, lẽ đâu ta đang ở trong cái giả của cuộc đời lại chê Tuồng là không thật"

Tạm dịch:
Trời chẳng cho nhàn vào chốn rộn ràng tìm chút rảnh.
Việc đời như kịch, há trong chốn giả bảo không chân.
Tôi liên tưởng tới anh lúc này. Chắc rằng anh đang sống thật. Còn tôi, không chừng lại đang đóng tuồng đời mình cũng nên!

Một góc của bộ sưu tập hơn 100 mặt tuồng của anh
 Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ với anh khi anh quyết định "cho, không bán" cho tôi 10 cái mặt nạ. Anh gọi tôi lại nhà, chỉ vào bộ sưu tập và bảo tôi chọn 10 cái mặt. Tôi vì sĩ diện và ngoại giao hình thức chỉ xin được lấy 3 (mặc dù trong bụng thì muốn lấy cả - cũng đang đóng tuồng mà). Anh bắt tôi phải lấy đủ cả 10 cái mới vui vẻ cho tôi về. Quả là cách cho của mấy ông nghệ sĩ này quái thật! Tôi biết anh yêu quý những đứa con rứt ruột đẻ đau của mình lắm. Dưới đây là hình ảnh 10 cái mặt anh cho tôi.











Tự nhận là đệ tử của thầy Vĩnh Huế, nhưng không như phong cách chân phương của sư phụ, mặt tuồng của anh nhiều chi tiết và màu sắc hơn. Tuồng như những khuôn mặt của anh có vẻ "quái" và ít nhiều rối rắm. Tôi sợ nếu lạm dụng quá mặt Tuồng của anh sẽ giống cách vẽ của Kinh Kịch, như nhận xét của các chuyên gia, rằng càng đi vào nam, tuồng càng giống hò Quảng (Quảng Đông - Trung Quốc).

Thursday 20 October 2011

Tóm lược nội dung cuốn Mặt Tuồng

Để hiểu và hệ thống hóa lại cho dễ nhớ, tôi tóm lược nội dung của cuốn Mặt tuồng thành 10 slide trình chiếu (power point). Hy vọng những ai có quan tâm nhưng không có nhiều thời gian để đọc kỹ cuốn sách, có thể tìm ở đây những thông tin hết sức cơ bản và những nét khái quát về phương pháp kẻ mặt trong tuồng, qua đó có thể hiểu được ngôn ngữ của khuôn mặt tuồng: những trực ngôn của nghệ thuật biểu hiện.

Các hình ảnh minh họa được chụp từ bộ sưu tập của tôi, nội dung được giản lược từ các ý chính trong cuốn Mặt tuồng của nghệ sĩ Vĩnh Huế.

Slide 1- Giới thiệu khái quát về Tuồng: không giống như kịch, cải lương hay một vài loại hình sân khấu khác, tính cách của các nhân vật được phát triển dần qua các chương, hồi và có thể phải đến cuối vở diễn người xem mới biết được nhân vật là chính diện hay phản diện. Trong sân khấu tuồng, nhân vật được cố định tính cách, khán giả có thể xác định vai diễn  thuôc chính diện hay phản diện ngay khi  nhân vật xuất hiện trên sân khấu bằng cách quan sát cách kẻ mặt của nhân vật. Người nghệ sĩ thể hiện tài năng của mình qua việc làm sinh động, riêng biệt và cá tính hóa tính cách này. Đây là đặc điểm chính yếu để tuồng được liệt vào dòng sân khấu biểu hiện: cách thể hiện mang tính thậm xưng và phi thực tế. Cũng nhờ đặc điểm này mà tuồng rất gần với các xu hướng sân khấu hiện đại của phương tây. Gần đây có một thử nghiệm kết hợp tuồng và sân khấu Pháp trong vở Antigone đã tạo nên những hiệu ứng sân khấu rất mới lạ và đặc sắc.http://www.sankhau.vn/tin-tuc-su-kien/San-khau/Antigone-Mot-Huong-Mo-cho-Nghe-Thuat-Tuong-33/


Slide 2 - Những đặc điểm của khuôn mặt tuồng: Không chỉ thể hiện tính cách, khuôn mặt tuồng còn cho biết tuổi tác, nguồn gốc xuất thân, huyết thống, số phận của nhân vật và thậm chí thể hiện luôn cả tiền kiếp của nhân vật. Vai Tiết Cương là một ví dụ đặc biệt cho câu chuyện tiền kiếp này.
Tiết Cương có da màu xám xanh, không giống với cha là Tiết Đinh San và ông nội Tiết Nhân Quí có da màu trắng. Do bởi Tiết Cương là hiện thân của Đơn Hùng Tín sau lần đầu thai thứ ba, nên vẫn phải mang khuôn mặt màu xám của chính tiền kiếp. Điều thú vị trong câu chuyện này là mối thâm thù giữa Đơn Hùng Tín và La Thành (tiền kiếp của Tiết Nhân Qúi), phải tới lần đầu thai sau cùng, khi hậu thân của Đơn Hùng Tín là Dương Phàm đầu thai thành con của chính kẻ thù để trở thành Tiết cương thì lời nguyền mới được hoá giải (Dương Phàm chết dưới tay Phàn Lê Hoa là mẹ của Tiết Cương - kẻ thù đương kiếp, Phàn Lê Hoa lại là vợ của Tiết Đinh San - kẻ thù tiền kiếp của Dương Phàm). Thế mới thấy sự dai dẳng của hận thù! Cũng chính vì cốt truyện lắt léo và nhiều tầng nấc như vậy làm cho tuồng trở nên hấp dẫn và có sức thu hút kỳ lạ với những ai lỡ đam mê nó.


Slide 3 - Những yếu tố cơ bản để vẽ một khuôn mặt tuồng: Không giống với cách hóa trang gần cuộc sống thực của các loại hình nghệ thuật khác, cách hóa trang của tuồng (gọi là kẻ mặt hay dặm mặt) được cách điệu lên rất nhiều. Các nhân vật mặt trắng (mặt trơn) như đào, kép trắng, lão và con nít có cách hóa trang gần giống đời thường, tuy nhiên điểm khác biệt là nhìn nhân vật như đang đeo mặt nạ do lớp phấn hóa trang dày cùng với màu sắc đạt tới độ bão hòa của nó: màu trắng thật trắng, màu đỏ thật đỏ, màu đen thật đen... Các nhân vật kẻ mặt rằn như kép xéo, tướng, lão, yêu... thì khuôn mặt không còn mang tính tả thực mà đã siêu thực rất nhiều, mỗi khuôn mặt là một ẩn dụ và một phiếm chỉ riêng biệt.


Slide 4 - Thể hiện tuổi tác trên khuôn mặt tuồng: Có lẽ việc thể hiện tuổi tác trên mặt tuồng là duy lý hơn cả, nguyên tắc chung là càng già thì cơ mặt càng xệ và càng có nhiều nếp nhăn đậm hơn. Tuy nhiên cần phải phân biệt các vết nhăn do tuổi tác với vết nhăn chỉ tính cách của tướng lác, đó là những vết nhăn chằng chịt và nhợt nhạt trên mặt kết hợp với những đường đen li ty trên mũi và mắt. Tạ Lôi Nhược là nhân vật điển hình cho loại tường lác này.


Slide 5 - Tuổi tác và cách gọi tên các vai diễn: Vẽ mắt là yếu tố quan trọng nhất của một khuôn mặt tuồng. Khi nhân vật mang mặt rằn, cách vẽ tròng mắt là yếu tố để phân biệt tuổi tác: các nhân vật nam tuổi dưới 50 được gọi là kép và mang tròng xéo, trong khi đó tròng lõa được kẻ cho những nhân vật lão có tuổi trên 50. Cần đặc biệt chú ý khái niệm "Tướng" trong tuồng, ở đây tướng là để chỉ tính cách chứ không phải là chức vụ. Đa phần tướng mang mặt rằn, kẻ tròng xéo hay lõa tùy theo tuổi tác.


Slide 6 -Thể hiện nguồn gốc xuất thân và huyết thống trên khuôn mặt tuồng: Ngoại trừ câu chuyện đặc biệt về tiền kiếp nêu trên, khuôn mặt tuồng cũng tuân theo qui luật huyết thống: người cùng huyết thống thì có cùng màu da. Ngoài ra, màu da nhân vật còn chỉ nơi xuất thân của họ: màu trắng chỉ dân thành thị, màu đỏ chỉ dân miền biển, màu đen chỉ dân miền núi. Tuy nhiên, nếu tuân theo qui luật đơn giản như vậy thì mặt tuồng mất gần hết sức hấp dẫn của nó, bởi tính cách con người không bất biến mày đổi thay theo môi trường sống nữa. 
Nhân vật Châu Thương khi còn ở núi thì bôi màu đen, khi về thành thị với Quan Công thì mặt nhạt đi hóa xám, đến lúc hiển thánh thì trên mặt có thêm một số chấm đỏ. Nhân vật Trụ Vương trước khi bị mê hoặc bởi Hồ Ly Tinh thì bôi mặt đỏ tươi vì đang còn là ông vua tốt, sau đó mặt đỏ bầm đi vì thay đổi thành bạo chúa, hoang dâm vô độ. Đào Tam Xuân cũng là một kiểu mặt đặc biệt: Nữ tướng này xuất thân từ miền thượng đúng ra mặt phải bôi đen, nhưng mặt Đào Tam Xuân lại nữa trắng, nữa xám (hoặc xanh): nữa trắng để nói lên nét đẹp của nhân vật còn nữa xám nói lên nguồn gốc xuất thân.Quả là sinh động và biện chứng! Chính những ẩn ngữ buộc khán giả phải khám phá làm cho tuồng có sức quyến rũ tự nhiên cùng với những nội hàm văn hóa được chắt lọc và phát triển qua thời gian, đã nâng tầm của dòng nghệ thuật vốn xuất phát từ dân gian thành loại hình sân khấu có tính bác học. Đó là sự qui cũ về nói, hát, múa, phục trang, kẻ mặt được xây dựng thành một thể thống nhất cho mỗi loại nhân vật.


Slide 7 - Màu mặt và tính cách của nhân vật trong tuồng: Khác với Kinh kịch, dùng rất nhiều màu sắc để vẽ mặt, tuồng chỉ dùng ba hệ màu chính: Đỏ - Đen / xám / xanh - Trắng. Toàn bộ nhân vật chính diện đều mang mặt đỏ tươi, đó là những kiểu nhân vật trí tướng, kiên nghị, trung can nghĩa khí. Cùng sắc đỏ nhưng màu đỏ bầm lại để chỉ loại nhân vật có sức mạnh hơn người nhưng hoang dâm vô độ. Màu đen / xám để chỉ nhân vật thuộc về võ, tính tình nóng nảy, bộc trực nhưng trung can, nghĩa khí. Màu trắng chủ yếu dùng cho các nhân vật nữ, các nhân vật nam thư sinh, kép trắng gồm kép con, kép văn và kép võ. Cùng tông màu trắng còn có mặt mốc, mặt này dùng miêu tả những nịnh thần hay những kiểu nhân vật phản diện.


Slide 8 - Màu sắc khuôn mặt và cách gọi tên các vai diễn: Kết hợp giữa giới tính, tuổi tác, cách kẻ và màu sắc khuôn mặt ta có thể phân biệt các vai diễn rất rõ ràng.  Khi gọi một nhân vật là kép đỏ có nghĩa nhân vật đó là nam mặt bôi trơn, màu đỏ. Khi gọi kép tròng xéo đỏ có nghĩa nhân vật đó là nam, trung niên, mặt kẻ rằn màu đỏ. Khi gọi lão tròng lõa đen có nghĩa nhân vật đó là nam, già, kẻ mặt rằn màu đen.


Slide 9 - Những chi tiết để nhận dạng tính cách và số phận nhân vật trong tuồng: Đọc một khuôn mặt tuồng là đọc những qui ước. Bên cạnh việc thể hiện những qui ước phổ quát trong việc xem tướng mạo, khuôn mặt của tuồng có những qui ước riêng biệt và hết sức quan trọng. Qua việc đọc những chi tiết này người xem biết được nhân vật thuộc tính cách nào và thậm chí số phận ra làm sao. Ví dụ, tuồng có một hệ thống kẻ lông mày để thể hiện tính cách: góc kẻ ngang, dịu để thể hiện các vai kép văn, hơi đứng hơn một chút để thể hiện kép võ, và xếch ngược lên để chỉ nhân vật phản diện. Nét kẻ lông mày chân phương khác với lông mày kẻ xước hay kẻ chổi sễ để chỉ nịnh thần. Kiểu lông mày cá rô, chim én hay có hai vệt đỏ để chỉ tướng phản, kiểu vẽ mắt tròng xéo mỏ két ám chỉ nhật vật sẽ chết trên sa trường.
Mỗi nét vẽ trên khuôn mặt tuồng đều là một ám chỉ, đừng tùy tiện "chấm, phẩy"  thêm, đặc biệt là ở vùng trán. Bởi nếu không khéo và không hiểu, mặt ta sẽ thành mặt Tàu ngay! (Xin để việc so sánh giữa mặt tuồng và kinh kịch trong một dịp khác).

Slide 10 - Hệ thống các vai diễn: Dưới đây là hệ thống các vai diễn, cách gọi tên và nét tiêu biểu của khuôn mặt. Ví dụ, trong hệ thống vai đào ta có đào cảnh, đào chiến, đào ác hay đào mặt yêu. Trong hệ thống kép, nếu kép mặt trơn ta sẽ có kép trắng và kép đỏ. Kép trắng lại được chia ra làm kép văn, kép võ và kép con. Nếu kép mặt rằn ta sẽ có kép đỏ tròng xéo hay xám tròng xéo hay đen tròng xéo. Để phân biệt tuổi tác, trong tròng xéo ta sẽ có tròng xéo non, xéo, xéo già và xéo lỡ. Nguyên tắc tương tự như vậy được áp dụng cho các vai lão, tướng. Ngoài ra có một vài loại mặt không phổ biến khác như mặt ninh, mặt yêu tinh, mặt lưỡi cày, sâu róm...


Ở nước ta hiện nay, tuồng đang được chia ra nhiều trường phái. Theo phái văn thì có tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà nẵng, Ỡ Huế có tuồng cung đình và dân gian. Theo phái võ có tuồng Đào Tấn ở Bình định. Trong nam có tuồng Nam bộ, ngoài bắc có tuồng Trung ương. Cho dù khác nhau tùy vùng miền nhưng cách kẻ mặt thì gần như tuân theo những nguyên tắc chính như đã nêu trên. Theo tôi được biết, việc "bảo tồn và phát huy" đang "loạn cả lên". Tuồng cũng như mặt tuồng đang biến dạng theo đà suy thoái của văn hóa dân tộc!

Monday 17 October 2011

Mặt tuồng Việt Nam - Nghệ sĩ Vĩnh Huế


Thú sưu tầm mặt nạ đã đẩy đưa tôi đến với Tuồng (còn gọi là hát bội hay hát bộ). 

Trước khi gặp nghệ sĩ Nguyễn Vĩnh Huế, tôi đã lân la dò hỏi thông tin ở Huế và Nhà hát Tuồng Việt Nam ở Hà Nội. Có lẽ cơ duyên không có nên tôi chẳng thu thập được gì từ hai trung tâm văn hóa lớn của cả nước này. Cái rủi trên hóa ra lại là điều may! Nhờ không tiếp cận được với tuồng qua 'lăng kính (trung tâm) văn hóa", tôi được tiếp cận tuồng hay đúng hơn là cách thể hiện mặt tuồng qua người thật, việc thật và làm thật của hai nghệ sĩ Vĩnh Huế và Hữu Thông - những con người của Tuồng trong từng tế bào của nó.

Nghệ sĩ Vĩnh Huế năm nay đã 83 tuổi, ông gốc Huế hoàng tộc, theo cha là nghệ sĩ Nguyễn Lai tập kết ra bắc, trở về Đà Nẵng năm 1977 và tiếp tục sự nghiệp của cha trong lĩnh vực tuồng, đặc biệt chuyên sâu về nghệ thuật kẻ mặt.

 Nghệ sĩ Vĩnh Huế (Đà Nẵng 10/2011)
 
Tác phẩm gần đây nhất của ông là cuốn Mặt tuồng do nhà xuất bản Sân khấu ấn hành năm 2008. Có thể coi đây là một công trình tổng kết sự nghiệp nghiên cứu cách kẻ mặt tuồng của ông từ sự kế thừa kết quả ban đầu của cha mình. Trong cuốn sách này, chúng ta có thể tìm được những nguyên lý căn bản để thể hiện khuôn mặt của các loại vai diễn trong tuồng, cũng như những giải thích tường tận về mối liên quan giữa cách kẻ mặt các vai diễn trong nhiều hồi của một vở tuồng hoặc là sự liên quan giữa các khuôn mặt từ vở này tới vở khác. Xin giới thiệu cuốn sách quí này với những ai có quan tâm.

Bìa cuốn sách



Một trang trong cuốn sách

Ông đã nghỉ hưu từ lâu, tuổi già sức yếu không cho phép ông đi lại giữa các trung tâm tuồng để truyền thụ nghề nghiệp cho lớp trẻ. Nghề đã thành nghiệp, ông vẫn không thôi canh cánh với nỗi lo tuồng đang bị dân gian hóa trở lại cái gốc nguyên thủy của nó. Khi đó tuồng sẽ đánh mất đi tính bác học mà thời gian và lớp lớp nghệ nhân đã dày công tạo dựng nên hình hài của thể loại sân khấu truyền thống độc đáo này.

Dưới đây là một vài mẫu mặt điển hình được vẽ bởi nghệ sĩ Vĩnh Huế trong bộ sưu tập khoảng ba mươi mặt của tôi..

Đào Tam Xuân (vở Tống Thái Tổ trảm Trịnh Ân)


Khương Linh Tá (vở Sơn Hậu)

Đơn Hùng Tín (vở Sơn Hậu)
Trình Giảo Kim
Hoàng Phi Hổ (vở Gián Thập Điều)
Tạ Lôi Phong (vở Sơn Hậu)
Lôi Hồng (vở Lưu Kim Đính)

Sunday 4 September 2011

Tại sao tôi sưu tầm mặt nạ?

Một cái mặt na quí của tôi, sưu tầm tại Sapa năm 2003
(Sau này mới biết đây là mặt nạ thần Bàn Cổ, xem thêm: Mặt nạ Sán Cô)

Nhớ thời xưa ngoài Huế có tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ, lúc đó mình còn nhỏ nghe “hiếu cổ” mà chẳng hiểu là gì. Sau này lớn lên, lui tới chùa chiền, được mấy Thầy dạy cho hiểu lẽ hiếu sinh, mới vỡ ra rằng “hiếu” trong ngữ cảnh này cũng tựa như yêu vậy. Tôi vốn yêu nhiều thứ, nói nôm na là có nhiều “hiếu”, trong đó có cái lớn nhất là hiếu kỳ. Mà hiếu kỳ nói nôm na là ưa mấy cái đồ là lạ. Trong mấy cái đồ là lạ thì mặt nạ cố nhiên là thứ lạ nhứt rồi.

Thấy rồi đâm yêu, yêu thì cố giữ, giữ nhiều rồi ra sưu tập. Cuộc đời vòng vo trong cái sự tham lam, mê muội tới vậy là cùng!

Sau này lớn thêm chút nữa, bôn tẩu ngoài đời, đời nó đập cho "toe tua xác pháo". Có chút thời gian ngồi lại, soi gương, soi đời, mới nhận chân ra rằng ai cũng có mặt nạ của chính mình, ai cũng phải sống với mặt nạ của mình và hình như ai cũng mơ hồ sợ một lúc nào đó mình bị "rớt mặt nạ". Cái sự yêu bây giờ cũng nhuốm phong sương, chìm xuống một chút, trầm tích một chút, siêu hình một chút và còn cả một chút triết lý cùn cùn.

Tôi khởi đi với mặt nạ bằng những yêu chiều cảm tính như vậy nhưng nghiên cứu mặt nạ thật sự là những trải nghiệm lý tính, song hành với thế giới tâm linh và ẩn tàng những ẩn dụ văn hóa bên trong chúng. Mỗi cái mặt nạ là một câu chuyện. Khi cầm nó trên tay, tôi bắt đầu hành trình đánh thức óc hiếu kỳ, thúc đẩy năng lực khám phá và kết thúc hoặc dường như không bao giờ kết thúc "câu chuyện" đầy lý thú của chúng.

Người ta đeo mặt nạ bởi hai lẽ, hoặc là cố tình che giấu mình đi, hoặc là để thể hiện một người khác ngoài mình. Cho dù ở trong tâm thế chủ động hay bị động, người đeo mặt nạ đều phải đánh mất bản thân mình, chính sự vong thân này tạo nên bí ẩn lớn lao của mặt nạ.

Có một học giả bên Trung Quốc nói đại ý rằng: khi không đeo mặt nạ thì ta là người, nhưng đeo mặt nạ vô thì ta trở thành thánh thần hay ma quỷ. Câu hỏi đặt ra ở đây là về mối liên hệ giữa mặt nạ và người đeo nó, liệu bản thể con người có áp đặt khách thể mặt nạ hay ngược lại?

Có lúc bản thể tuyệt đối không tồn tại khi người đeo mặt nạ thể hiện hình ảnh của tổ tiên, thánh thần hay ma quỷ trong những lễ nghi, cúng tế. Lúc đó người đeo mặt nạ chỉ là cái vỏ vật chất làm cầu nối cho một linh hồn bên ngoài nào đó mà thôi. Nhưng hãy quay sang nhìn kịch Noh Nhật Bản (xem: Mặt nạ kich Noh), múa Hanhoe Hàn Quốc, kịch Dixi Trung Quốc hay Commedia delf Arte (hài kịch ứng khẩu) bên Ý, khuôn mặt nhân vật trong những loại hình kịch này được trình diễn hoàn toàn qua mặt nạ, vậy mà bóng dáng của người nghệ sĩ nào có không in dấu trên vai diễn của mình. Mỗi động tác quay mặt, mỗi cái góc ngước nhìn cũng đủ cho họ thể hiện những xúc cảm vi tế truyền cho cái mặt nạ tưởng như vô hồn đó.

Dường như có mức độ tương quan giữa sự phong phú của mặt nạ với bản chất và bề dày văn hóa của một dân tộc. Châu Phi bản năng và hoang dại với những đường nét thô ráp tự nhiên đầy bí ẩn (xem: Mặt nạ Trung Phi), Châu Âu huy hoàng và tráng lệ cùng những mặt nạ lộng lẫy và cầu kỳ, Á Châu thẳm sâu và minh triết với những đường nét ẩn dụ đầy biểu tượng. Mỗi một nền văn hóa tự chọn cho mình cách thể hiện mặt nạ phù hợp với nội hàm văn hóa của chính nó.

Không thể phủ nhận khía cạnh tâm linh quá mạnh mẽ của mặt nạ. Người ta không thể nhìn mặt nạ như nhìn một pho tượng thông thường. Ẩn chứa đằng sau một mặt nạ là một câu chuyện của linh hồn, đó có thể là người thật như sự hiện diện của tổ tiên trong mặt nạ của người La Mã hay châu Phi cổ, đó có thể là thần thánh hay người bảo hộ cho một cộng đồng, bộ lạc, đó có thể là ma quỷ hay động vật, đó có thể đại diện cho một cồng đồng người gồm anh hùng, học giả, gian phun, dâm phụ, nịnh thần trong kịch nghệ Á châu. Con người đối xử với mặt nạ thường trong một vẻ tôn kính, e dè như nỗi sùng bái và sợ hãi siêu nhiên luôn tồn tại trong tâm thức của nhân loại (xem: Mặt nạ giấy của người Dao).

Bạn có bao giờ thấy mặt nạ của người chết (death mask, xem: Mặt nạ người chết)? Người phương tây lý tính luôn cố giữ lại những bằng chứng, họ đổ khuôn để lưu giữ lại khoảnh khắc cuối cùng của những vĩ nhân hay tội đồ, những con người có tác động lớn tới lịch sử nhân loại.

Bạn có thấy nụ cười buồn, khinh mạn nhưng cam chịu luôn thường trực trên mặt nạ Guy Fakes (xem:Mặt nạ Guy Fakes)? Cái mặt nạ của những kẻ chiếu dưới trong những cuộc biểu tình trên khắp thế giới. Thường khi xuất hiện là dấu hiệu của một cuộc cách mạng đang đến gần.

Bạn sẽ thấy mặt nạ Mahakala xuất hiện trên nóc nhà thế giới Hymalya do những thầy tu múa trong hội mừng năm mới của người Tibet (xem: Mặt nạ Cham), xuôi xuống châu thổ sông Hằng, ra tới Ấn Độ dương bạn sẽ bắt gặp mặt nạ Naga trên đảo quốc Srilanca cô độc (Mặt nạ Srilanka). Bạn sẽ thấy bóng dáng phụ nữ trong một Venice yêu kiều ẩn dấu dưới mặt nạ Volto kiêu sa hay Morreta bí ẩn (xem: Mặt nạ Venice). Ngang qua châu Phi đen bạn sẽ gặp nền văn hóa mẫu hệ với phụ nữ là nhà cai trị, mẹ bề trên hay là một tổ tiên đầy quyền năng trong mặt nạ của người Punu. Vắt qua phía nam Hoa Lục là những mặt nạ Nuo của vùng Quý Châu ( xem: Mặt nạ Nuo) đặc sắc không kém gì người Hán ở phương bắc. Một mảnh văn hóa khác trôi dạt ra xứ Phù Tang tạo nên những giấc mơ hư ảo của mặt nạ kịch Noh, cùng với một phản đề của nó là mặt nạ Okame đậm chất phồn thực trong hình hài vui nhộn (xem:Mặt nạ Okame).

Ôi những cuộc hành trình! Liệu tôi có "lạc mất lối về" không khi cố công tìm hoài mà không thấy đâu một mặt nạ bản sắc Việt. Nước Việt nhạt nhòa!

Nhân loại sẽ "nghèo" đi rất nhiều nếu không có mặt nạ. Hẳn nhiên. Nhưng liệu nhân loại có "giàu" lên không với mặt nạ của chính mình?

Hỏi để trà lời. Giàu có hay không là tại người dùng và mục đích sử dụng. Riêng tôi, tôi đang thực sự nghèo đi vì phí tổn cho việc sưu tầm càng ngày càng lớn và đang không có dấu hiệu dừng lại. Nhưng tôi cũng đang rất "giàu có" bởi những phần thưởng văn hóa và tinh thần cũng như những quan hệ bạn hữu trên khắp thế giới mà tôi có được nhờ thú chơi khá đặc biệt này.

Hãy rong ruổi cùng tôi trên hành trình có tên là mặt nạ. Tôi chắc rằng sẽ không bao giờ có điểm dừng trên chuyến viễn du vô cùng tận này.

“Hãy sống như những con tàu phải lòng muôn hải lý
Mỗi ngày ra đi
Bỏ lại sau lưng nghìn hải cảng mưa buồn"
                                        (Thơ Trần Dần)

"Của tin gọi một chút này làm ghi" (Kiều - Nguyễn Du), những trang blog này ra đời để vì đam mê dành cho mặt nạ và cũng là nơi chia sẻ những ưu tư đời cùng ước vọng được sống với "bản lại diện mục" mà không phải che đậy một lớp mặt nạ nào.



Saigon - Tháng 9&10/2011
1st Review March 2015