Wednesday, 30 April 2014

Mặt nạ Guy Fawkes - Biểu tình vòng quanh thế giới


Tháng tư thường gợi những cảm xúc buồn. Dường như "midlife crisis" ngày càng có ép phê mạnh. Cảm giác bức bối và ngột ngạt cứ đè nặng. Cần một chút freedoom. Nhớ về "V for Vendetta" với mặt nạ Guy Fawkes cùng những triết lý tự do có sức lay động mãnh liệt.

Từ những trích dẫn

Đi làm. Cưới vợ. Đẻ con. Đóng thuế. Trả nợ. Coi TV. Chạy theo thời trang.
Làm việc bình thường. Tuân thủ pháp luật. Và lặp lại  theo tôi: Tôi tự do.
Tôi tự hỏi có phải cuộc đời mình được túm gọn như nội dung pano trên? Mà phải thật, chính xác 100%. Không có gi sai chạy. Cuộc đời mình sao mà buồn thế! Tự do được lặp lại dưới hình thức tư duy của vẹt!

Thay đổi sẽ không có nếu chúng ta đợi chờ nó từ người khác hay từ dịp khác.
Chúng ta là cái mà chúng ta đợi chờ. Chúng ta tự  đổi thay, đó là điều chúng ta tìm kiếm
Tôi muốn cuộc đời mình ít nhiều như nội dung bên trên. Tôi muốn làm chủ cuộc đời, điều khiển vận mệnh. Tôi đang mơ?

Không ai cho anh tự do. Không ai cho anh công bằng và công lý. Nếu anh là con người, hãy nắm lấy nó.
Không phải mơ mà là không tưởng ở nơi tôi đang tồn tại. Những giá trị phổ quát hiển nhiên không tồn tại nơi này.

Qua một huyền thoại cách mạng

Khởi nguồn từ câu chuyện từng gây chấn động lịch sử trong thế kỷ 17. Guy Fawkes (13/4/1570 - 31/1/1606), còn được gọi là Guido Fawkes, là một thành viên của một nhóm tín đồ công giáo Anh  cùng với 12 người bạn âm mưu làm nổ tung tòa nhà Quốc hội Anh vào ngày 5/11/1605. Họ muốn tiến hành việc đó nhằm ám sát vua James Đệ nhất và hoàng tử xứ Wales, cũng như các thành viên quốc hội khác theo đạo tin lành. Guy và những người bạn chuẩn bị 36 thùng thuốc nổ, đem đến đặt ở tầng hầm của tòa nhà Thượng nghị viện. Mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi nhưng một số người trong nhóm suy nghĩ lại và lo sợ hậu quả nên đã gửi thư nặc danh cho một người bạn của Guy là nghị sĩ Monteagle, để khuyên ông này tránh xa tòa nhà sẽ xảy ra vụ nổ. Không may lá thư lọt vào tay nhà vua. Âm mưu liền bị chặn đứng.

Chân dung ông Guy Fawkes
Năm 1606, Fawkes bị kết tội phản quốc, chịu hình phạt ở mức cao nhất là treo cổ, móc lấy nội tạng và cho xe kéo lê khắp phố phường. Thi thể của ông được đưa đến bốn vùng của nước Anh để mọi người tận mắt chứng kiến. Nhà vua hy vọng trước khi chết Fawkes có thể nói ra những lời khuất phục, nhưng đáp lại, ông vẫn giữ gương mặt có nét biểu cảm cười mà như không cười đẩy vẻ bí ẩn.

Fawkes đã để lại một dấu ấn lâu dài trong lịch sử và văn hóa đại chúng. Ông đã được nhắc đến trong phim ảnh, văn học và âm nhạc qua các tác phẩm của Charles Dickens hay John Lennon. Tên ông cũng được đặt tên cho một vài địa danh như Isla Guy Fawkes trên Quần đảo Galápagos hay Sông Guy Fawkes tại Australia (theo: mat-na-guy-fawkes-bieu-tuong-cua-tu-tuong-vo-chinh-phu).

Ở phía có quan điểm khác, những người ủng hộ hoàng gia biết đức vua của họ thoát chết đã vui mừng đốt lửa tạ ơn. Những năm sau đó, người ta nhóm lên những đống lửa lớn và ném các hình nộm của Guy Fawkes cho "bà hỏa". Cũng từ đó về sau, tại nước Anh, ngày Guy Fawkes 5/11 được gọi theo tên mới là Bonfire Night (Đêm đốt lửa). Rồi càng ngày, người ta tổ chức lễ hội này càng phức tạp hơn. Mọi người bắn pháo bông để lễ hội thêm sinh động, với ý nghĩa mừng cho đức vua yêu quý của họ không bị 36 thùng thuốc nổ của Guy Fawkes làm bay lên trời (Dac sac le hoi Bonfire).

Đến một thiết kế

Năm 1982, hình ảnh về Fawkes bật sống dậy nhờ họa sĩ truyện tranh David Lloyd & Alan Moore trên tác phẩm “V for vendetta” được đăng trên một tạp chí truyện tranh Anh. Loyd nhớ lại: "đó là một "tai nạn", hợp tuyển truyện tranh đen trắng đang triển khai có tên là "Warrior" bị đình bản trước khi "V for vendetta" (là một câu chuyện trong đó) kết thúc vào năm 1985". Bộ truyện này sau đó được DC comic tái bản màu vào năm 1998 và đây là cơ hội cho David Lloyd & Alan Moore hoàn thành câu chuyện (theo: David Lloyd-guy fawkes-mask).

Hình mặt nạ Guy Fawkes do họa sĩ David Lloyd vẽ riêng cho International Business Time
"Tôi nhớ về bộ ria mép, bộ ria gợi tới một nụ cười và thật sự đã có một nụ cười. Vì thế tôi thể hiện nụ cười trên mặt nạ" David Lloyd nhớ lại. "nụ cười hóa ra là một tai nạn rất lớn bởi vì nó cộng hưởng nhiều sắc thái cảm xúc -"mỉm cười khi đối mặt với nghịch cảnh, cười ngay cả khi trái tim của bạn tan vỡ, mỉm cười cả khi đối mặt với hổ"- tất cả tạo nên một tổng thể tuyệt vời (theo: David Lloyd-guy fawkes-mask).

Một Guy Fawkes khác được vẽ bởi David Lloyd (nguồn: vforvendetta.org)
Trên trang www.facebook.com/GuyFawkesInnYork, một sinh viên tên Steve chia sẻ: “Nếu bạn nhìn kỹ chiếc mặt nạ sẽ có cảm giác khuôn mặt này thực ra không cười, mà chỉ chất chứa toàn nỗi buồn”. Đây là một nhận xét tinh tế bởi vì trên khuôn mặt phản ánh tâm trạng của những kẻ "chiếu dưới" trong cuộc đấu tranh tìm sự công bằng.

Chi tiết một mặt nạ điển hình
Có thể đọc được nhiều sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt ở các góc độ khác nhau như hình bên trên. Trong một phút xuất thần, David Lloyd đã để lại cho thế giới không chỉ một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một biểu tượng vượt lên ý nghĩa mỹ thuật thông thường.

David Lloyd & Alan Moore
Một cuốn phim

“Dưới mặt nạ này còn hơn cả da thịt. Dưới mặt nạ này là một lý tưởng…Và lý tưởng không thể bị súng đạn xuyên thủng”. Đây là tuyên ngôn của nhân vật V; luôn đeo mặt nạ Guy Fawkes; trước trận chiến cuối cùng. Mặt nạ đã không đơn thuần để giấu một hành tung mà là để bảo vệ một lý tưởng.

Người dân không nên sợ chính phủ. Chính phủ nên sợ người dân của mình
Cái poster ngang ngạnh này gợi rất nhiều tò mò thúc giục khán giả xem phim và họ đã có một “V for Vendetta” để lại những dư vị không thể nào quên trong lòng người yêu điện ảnh.

“Chúng ta được bảo rằng hãy ghi nhớ một lý tưởng thay vì một con người. Bởi vì con người có thể gục ngã, ông ta có thể bị bắt, bị giết và bị lãng quên. Nhưng 400 năm sau..., một lý tưởng vẫn có thể thay đổi thế giới” (Lời dẫn chuyện của nhân vật Evey).

Cảnh người dân London đeo mặt nạ Guy Fawkes đổ tới tòa nhà quốc hội
Không phải là một cá nhân mà là hàng vạn người dân London đổ xuống đường với trang phục giống V, khoác áo choàng đen, đeo mặt nạ Guy Fawkes để cùng đại diện cho một lý tưởng. “Anh ta là ai?”, “Anh ấy là Edmond Dantes…Và anh ấy là cha tôi…và mẹ tôi… Là anh trai tôi…Là bạn tôi… Anh ấy là ông … và là tôi. Anh ấy là tất cả chúng ta” (lời thoại của Evey). V với mặt nạ Guy Fawkes đã trở thành biểu tượng cho sự phẫn nộ của quần chúng, những người bị đè nén, áp bức, quyết định đứng dậy chiến đấu cho tự do của họ (theo: Thang 11 khong the nao quen trong V for vendetta).

Trở thành biểu tượng

Lịch sử có những trò đùa của nó. Điều trớ trêu là mặt nạ Guy Fawkes được những người vô chính phủ sử dụng để phản đối chính bộ phim có công đưa nó thành biểu tượng. Họ dùng slogan "A for Anarchy" (A vô chính phủ) để đối lại “V for Vendetta” (V báo thù).

Những người vô chính phủ biểu tình trước trụ sở DC Comic. Slogan của phim được cố tình sửa lại:
Người dân không nên sợ chính phủ. Chính phủ nên bị hủy hoại bởi người dân của mình (Ảnh: Alex Beck)
"Bộ phim và truyện tranh chứa những yếu tố bạo lực liên quan tới chủ trương vô chính phủ nhưng không có ý nghĩa tích cực. Chúng tôi muốn dùng bộ phim này như là bàn đạp để thu hút mọi người hiểu đúng về ý nghĩa thực sự của chủ nghĩa vô chính phủ" Nova, 51 tuổi, người chủ trương vô chính phủ đã từng tham gia biểu tình chống toàn cầu hóa và chiến tranh Việt nam nói như vậy. "Vô chính phủ thật sự phải tin vào một thể chế chống nhà nước, trong đó bạo lực và nghèo đói không còn tồn tại sau khi các luật lệ độc tài và các chính phủ đã được bãi bỏ. Họ tìm kiếm một xã hội hòa bình, trong đó các cộng đồng nhỏ làm việc hợp tác, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thay vì dựa vào một nền kinh tế thị trường hoặc chính phủ cảnh sát hậu thuẫn" (theo: anarchist fight).

Cuộc biểu tình này ngay lập tức vấp phải một cuộc phản biểu tình khác do phe theo chủ nghĩa tư bản tự do tổ chức ở cùng địa điểm. "Nếu họ thực sự hiểu kinh tế, tôi nghĩ rằng họ sẽ nhìn thấy chủ nghĩa tư bản, Hollywood và truyện tranh như các lực lượng giải phóng chứ không phải là kẻ thù" Todd Seavey một người biểu tình theo chủ nghĩa tự do phát biểu.

Những người phản biểu tình dùng biểu tượng chữ D màu đỏ cùng slogan "D for Diplomacy"
Một điều khá hài hước là cả hai phe đều phục trang như nhau và cùng đeo mặt nạ Guy Fawkes. Nhóm theo chủ nghĩa tự do tự phân biệt mình với nhóm vô chính phủ bằng biểu tượng chữ D màu đỏ với solgan "D for diplomacy" (D chính thống). Di sản đầy tranh cãi (xem thêm) của nhà cách mạng Guy Fawkes đã được sử dụng một cách đầy  mâu thuẫn!

Hai năm sau cuộc biểu tình tại New York, vào tháng 2 năm 2008, mặt nạ Guy Fawkes lại trở nên nổi đình nổi đám với phong trào Project Chanology do nhóm tin tặc Anonymous (nặc danh) khởi xướng nhằm chống lại giáo phái Scientology (tạm dịch là Khoa Luận Giáo).

Thành viên của Anonymous biểu tình tại trụ sở chính của nhà thờ Scientology vào ngày 10/02/2008
Scientology nổi tiếng là một tổ chức ưa kiện tụng. Họ phản đối việc Youtube đăng tải bài phỏng vấn Tom Cruise - một thành viên nổi tiếng của Scientology với lý do vi phạm bản quyền. Ngay sau đó, tổ chức Anonymous đã “tuyên bố chiến tranh” với Scientology, cho rằng tổ chức này đe dọa quyền tự do thông tin. Hơn 7.000 người đã hưởng ứng Anonymous biểu tình chống Scientology tại hơn 90 thành phố trên thế giới (Theo: Scientology). Những người biểu tình được khuyến khích đeo mặt nạ nhằm tránh việc ghi hình của giáo hội này, nhưng điều quan trọng hơn là họ muốn thu hút sự chú ý của dư luận bởi tính chất ẩn danh của họ. Mặt nạ Guy Fawkes đã được chọn để sử dụng và trở thành biểu tượng đại diện chung cho cả nhóm.

Chúng tôi là ẩn danh
Từ biểu tượng cho những phản kháng có tính dân sự, xã hội, mặt nạ Guy Fawkes được sử dụng nhiều hơn trong những phong trào có tính chính trị mang màu sắc chống đối chế độ trong thời gian gần đây. 

Biểu tình trước tòa nhà quốc hội Anh. 
Ngày 23/05/2009. Dân London biểu tình chống sự chi tiêu lãng phí của các ông nghị. Các nhà tổ chức của "Guy Fawkes flashmob" mang theo thùng thuốc súng giả và pháo hoa để đốt lên trong một cuộc biểu tình đầy màu sắc (theo: http://news.bbc.co.uk).

Biểu tình tại  công viên  Zuccotti, New York
Occupy Wall Street (Hãy chiếm lấy Phố Wall) là một cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra ngày 17/09/2011 trung tâm tài chính Wall Street (NY) sau đó lan ra nhiều thành phố lớn ở Mỹ. Người biểu tình Mỹ không đòi dân chủ, mà yêu cầu nhiều công bằng xã hội hơn. Đối tượng phản đối của họ là sự hung hãn và tham lam của giới tài chính, ảnh hưởng của giới tài chính lên nền chính trị Hoa Kỳ, lên án giới ngân hàng, thủ phạm của cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Mặt nạ ở đây không còn tác dụng che dấu mà mang ý nghĩa biểu tượng, người ta đeo mặt ra sau gáy nhiều hơn là trước mặt.

Phong trào này sau đó lan ra khắp châu Âu (xem thêm: Occupy the world). Tại London, Julian Assange cha đẻ trang web wikileak đeo mặt nạ Guy Fawkers tham gia biểu tình đã bị cảnh sát Anh buộc phải tháo mặt nạ.

Julian Assange buộc phải gỡ mặt nạ, ảnh của Mike Kemp, nguồn: http://thenextweb.com
Tức cảnh sinh tình, tại hiện trường ông trả lời báo chí rằng: "Tôi muốn các bạn đòi hỏi các trương mục ngân hàng ngoại quốc phải được mở ra và minh bạch, giống như cách mà tôi bị buộc phải thực hiện sự minh bạch trong ngày hôm nay". 

Cái mặt nạ này cứ theo đà mà lan ra tới các nước độc tài như sự hiện diện của nó trong "Arab Spring" (Mùa xuân A rập). Hình bên dưới chụp ở Ai Cập, người đàn ông đeo mặt nạ thật sự thể hiện gương mặt buồn.

Người biểu tình đứng trước hàng rào quân đội Ai Cập, gần bộ quốc phòng ở quận Abbassiya ,
Cairo 30 /04/2012. (Photo: REUTERS - Mohamed Abd El Ghany) nguồn: http://english.al-akhbar.com).
Còn đây là tại Bahrain, mặc dù giương cao khẩu hiệu " I love Bahrain" nhưng cái mặt nạ này đã bị chính phủ nước này cấm từ năm ngoái.

Cuộc biểu tình chống chính phủ được nhóm đối lập Al Wefag tổ chức ở Salmabad, nam Manama
vào ngày 5/02/2013. ảnh Reuters / Stringer. Nguồn: http://rt.com)
Sau Ả rập là tới Trung Đông, dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng biểu tình khắp cả nước để chống chính phủ. Ảnh dưới ghi lại khảnh khắc vui vẻ của một nhóm thanh niên đang chụp hình  lưu niệm với mặt nạ Guy Fawkes.

Hình chụp tại quảng trường Taksim ở Istanbul ngài 1/06/ 2013.
Ảnh:Murad Sezer/Reuters. (Nguồn: http://darkroom.baltimoresun.com)
Gần Việt nam nhất là Thái Lan vào năm ngoái, dân chúng đổ ra đường đòi thủ tướng đương nhiệm là Shinawatra từ chức do bê bối liên quan tới ông anh là cựu thủ tướng Thaksin và tham nhũng.

Cuộc biểu tình khởi đầu tại trung tâm mua sắm Bangkok vào ngày 2/06/2013 và lan ra toàn Thái Lan
(nguồn: http://www.voanews.com/content/thailand-protesters-latest-do-don-guy-fawkes-masks/1673965.html)
Một điều khá mỉa mai trong cuộc biểu tình ở Thái Lan là phe ủng hộ hoàng gia lại đeo mặt nạ chống lại phe ủng hộ chính phủ đem mặt nạ đi đốt.

Phe áo đỏ (ủng hộ chính phủ) đốt nặt nạ chống lại phe áo vàng (ủng hộ hoàng gia)
Tuy nhiên cần phải nhìn nhận rằng hoàng gia từng đã là một thế lực chính trị lớn ở Thái Lan đang mất dần quyền lực do xã hội dân sự ngày càng lớn mạnh ở quốc gia này. Số lượng người đeo mặt nạ ở Thái lan cũng rất đông đảo để có thể gọi là một phong trào, trái ngược lại với một hình ảnh hiếm hoi và cô độc đến từ Trung Quốc trong hình bên dưới.

Người biểu tình này đang đứng trước tòa báo Phương Nam Tuần San ở Quảng Châu, ngày 08/01/2013.
Dòng biểu ngữ của người này nói rằng: "1,3 tỉ người Trung Quốc có quyền nói tiếng nói của mình mà không cần người đại diện".  Ảnh: AP (nguồn: Free speech protest)
Khi được hỏi về cảm tưởng của ông về cách mà các nhóm khác nhau sử dụng mặt nạ, David Lloyd nói: "Tất cả đều có chương trình nghị sự khác nhau... Điều quan trọng là mặt nạ được sử dụng ở mức độ phổ biến rộng rãi bởi nhiều người, tất cả các mục đích của họ đều nhằm tới việc kháng cự lại chế độ độc tài, thậm chí là độc tài trong nhận thức. Đó là điều quan trọng nhất về ý nghĩa của mặt nạ" (theo: http://www.ibtimes.com). Nhận xét chí lý và đầy tính dự phóng của cha đẻ cái mặt nạ đã vô hình chung xác định vai trò chính trị của biểu tượng: mặt nạ Guy Fawkes đang sống và đang dự phần vào câu chuyện lịch sử đương đại. Rồi đây lịch sử nhân loại, đặc biệt là lịch sử mỹ thuật thế giới sẽ còn nhắc mãi đến chiếc mặt nạ độc đáo này.




No comments:

Post a Comment