Những cuộc di cư và những vết hằn trong ký ức
Dường như dân tộc Dao có cung Thiên Di xung chiếu với Mệnh, cho nên người Dao tứ tán bốn phương kể từ một cuộc chia ly trong khởi nguyên truyền thuyết (xem thêm:Người Dao).
Dường như dân tộc Dao có cung Thiên Di xung chiếu với Mệnh, cho nên người Dao tứ tán bốn phương kể từ một cuộc chia ly trong khởi nguyên truyền thuyết (xem thêm:Người Dao).
Di cư và ly tán có lẽ là nỗi ám ảnh thường trực của người Dao. Tâm thức này được phóng chiếu trong hầu hết cảc hoạt động văn hóa và tâm linh nhằm hướng về tổ tiên và nguồn cội, như là cách bảo tồn ký ức của họ. Bên cạnh các hình thức diễn xướng như cách truyền khẩu theo lối dân gian, Người Dao dùng tranh thờ như kiểu ghi lại ký ức của họ một càch chính thống. Những bức tranh thờ, vì vậy, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của họ.
Người Dao không có nơi thờ phượng cố định như nhà thờ, đình, chùa hay miếu mạo. Họ tổ chức những nghi lễ trong không gian tạm của một ngôi nhà, ban thờ được dựng lên và sau đó bị loại bỏ khi kết thúc nghi lễ. Chính yêu cầu cơ động này làm cho tranh thờ; một vật trung gian bắt buộc phải có giữa con người và thần linh; có vai trò đắc địa do tính chất dễ lưu trữ và vận chuyển của nó.
Do bởi yếu tố tâm linh, các thầy Tào* có những qui tắc bảo vệ sự linh thiêng của bộ tranh thờ rất chặt chẽ:
- Nếu không đủ các nghi lễ trọng thể thì không được mở tranh ra vì như thế các thần tướng âm binh sẽ tràn ra phá hoại. Vì vậy, cúng xong thì phải làm lễ thu hồi âm binh thần tướng trở lại trong tranh, rồi tranh được cuộn lại, cất đi.
- Thầy Tào khi già yếu không còn khả năng đi cúng thì phải làm lễ "kế nghiệp" trang trọng để trao lại tranh cúng và ấn tín cho người kế cận. Nếu không có người kế cận thì phải làm lễ đem tranh cất vào đáy hang sâu, coi như giam hãm thần tướng âm binh vào đó.
- Khi mời họa công đến vẽ thì phải lập ra một gian riêng, biệt lập với nữ giới. Họa công còn làm các lễ thu thần chủ của tranh cũ vào gương rồi chuyển các vị sang tranh thờ mới vẽ xong, rồi lại trang trọng làm lễ tạ rồi mới sử dụng bộ tranh. (theo: Tranh tho Dao Giao)
Ẩn dụ về tổ tiên có lẽ được thể hiện rõ nhất trong bức tranh Tổ tông (zuzong / thầy bạy / ancestores), bức tranh nằm chính giữa trong bộ Hành say (Hành sư). Bộ Hành Sư gồm ba bức tranh thờ cơ bản nhất, bắt buộc phải có của thầy Tào, gồm Thái Úy (Tai Wei), Tổ tông (Zuzong) và Tiểu Hội Phan (Xiao Hai Phan). Cần phải nhấn mạnh: " Người dao tin rằng những thần linh tối cao của Đạo giáo sáng tạo ra thế giới và tiếp tục cai quản thế giới này, họ quan niệm về những vị thần (đại diện) cho tổ tông từ quan điểm của tôn giáo hơn từ là quan điểm của bộ tộc hay là từ những mối dây liên hệ dòng tộc theo kiểu gia đình" (theo How to make universe right, trang 72)**. Cho nên tổ tông của người Dao là tập hợp tất cả các vị thần theo vai trò và thứ bậc phù hợp với nhân sinh quan và vũ trụ quan của họ. Thế giới tổ tông / thần linh của người Dao được chia làm ba bậc: Trời - Đất - Âm phủ. Mỗi bậc lại chia nhỏ ra ba mức, ba bậc làm thành chín mức được gọi là cửu trùng đài, trong cứu trùng đài - chính phủ này các thần linh vận hành thế giới nhằm giữ cho nó hài hòa và cân bằng.
Bộ ba bức tranh thờ cơ bản của người Dao tên gọi là Hành Sư, Bên trái là bức Thái Úy (Taiwei) đại diện cho cõi sinh (sinh cung), bên phải là bức Tiểu Hội Phan (Xiao Hai Fan) đại diện cho cõi tử (tử cung) ở giữa là bức Tổ Tông (Zuzong) đại diện cho cõi người. Các bức tranh này được trưng bày tại Bates College Museum of Art trong triễn lãm có tên How to Make the Universe Right: The Art of the Shaman in Vietnam and Southern China từ 24.01.2014 đến 21.03.2014. Xin xem chi tiết tại: art-of-the-shaman-from-vietnam-and-china |
Vết hằn có tên là Tổ tiên trong tâm thức Dao chính là những ký ức tôn giáo, "những tín ngưỡng cổ xưa của người Dao chưa bao giờ mất đi, nó là phần hồn của một sắc tộc, nâng đỡ con người từ lúc chào đời đến khi về trời, không thể thiếu" (xem Phan Cam Thuong)
Tranh thờ, mũ và mặt nạ: từ tổng thể đến sự cá thể hóa thần thánh trong những lễ nghi.
Tranh thờ, mặt nạ và mũ là ba vật dụng tế lễ bắt buộc phải có của thầy Tào; đây là thế giới thị giác - thế giới trong hình dung được vẽ ra của người Dao; chúng là một thể thống nhất trong tương quan giữa tổng thể và chi tiết.
Nếu coi bộ Hành sư như là trung tâm, một vũ trụ thu nhỏ của người Dao trong tổng thể, thì vũ trụ này đươc chia nhỏ ra thành ba thế giới, gồm Thái Úy (đại diện cho Sinh cung), Tiểu Hội Phan (Tử cung) và Tổ Tông (Cõi hiện tồn). Hiện tồn chia ba thành tầng, đại diện cho Trời, Đất và Địa phủ. Cõi Trời lại chia ra ba cõi do ba vị giáo chủ (Tam Thanh/ Three Pure Ones) cai quản gồm Thái Thanh (To Ta), Ngọc Thanh (Yen Si) và Thượng Thanh (Leng Pu) (xem thêm:Tam Thanh). Tương tự, các cá thể Thái Úy (Tai Wei) và Tiền Phong (Xian Feng/ Hsien Fong) cũng đồng thời xuất hiện trong các tổng thể là Tử cung và Sinh cung tương ứng với chức năng chính - phụ, bổ trợ, qua lại của mình.
Vũ trụ của người Dao trong tương quan tổng thể - chi tiết với các mặt nạ đầu thần |
Từ trái qua là các mặt nạ: Thái Thanh, Ngọc Thanh, ThượngThanh (xếp theo thứ tự như trong bức Tổ Tông) và Thái Úy, Tiền Phong |
Mũ chỉ được thầy Tào đã thụ phong đeo trên đầu, tục lệ nghiêm cấm những người không phải thầy Tào sử dụng tại ý nghĩa linh thiêng đặc biệt của nó, do bởi họ đang đại diện cho các thượng đẳng thần ngự trong cõi trời chứng giám lễ nghi. Có hai loại mũ: mũ vuông (mũ phèng) và mũ nhọn (mũ lạy). Mũ nhọn được thiết kế hình rẽ quạt gồm 5 tới 7 cánh, hình chân dung của các vị thần được vẽ riêng lẻ trên từng cánh ở mặt trước, mặt sau được vẽ hổ phù. Bao giờ Tam Thanh cũng ngự ở giữa, Ngọc Hoàng (The Jade Emperor) và Tinh Chủ (Master of the Saint) ngự hai bên, tiếp đó Trương Thiên sư (Master Chang) và Lý Thiên Sư (Master Li) chiếm hai vị trí bìa ngoài.
Từ trái qua: Lý Thiên sư, Ngọc Hoàng, Thái Thanh, Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Tinh chủ và Trương Thiên Sư. Trên mũ nhọn 5 cánh không thể hiện Lý Thiên Sư và Trương Thiên sư |
Mũ vuông (mặt trước và mặt hông)-
Hình chụp lại từ sách How to make the universe right (2014) của tác giả Trian Nguyen, trang 160
|
Mặt nạ và những câu chuyện xung quanh chúng
Một bộ tranh hoàn chỉnh gồm: 1- Giỏ đựng tranh, 2- Mặt nạ, 3- Tranh cầu (long painting scroll), 4- Tranh nhỏ, 5- Tranh lớn (Hình chụp từ một bộ sưu tập tư nhân tại Hà Nội, tháng 4/2015) |
Mặt nạ không nguồn gốc
Đầu Thần, ai người vẽ?
Người vẽ, ai vẽ khéo?
Tại sao có Đầu Thần?
Sư phụ mời thợ vẽ
Về lưu tại tư gia
Dụng công vẽ đầu khéo
Vẽ cho đầu có mắt
Vẽ cho đẩu có tai
Vẽ cho có mũi miệng
Dẫu chẵng có thân hình
Cái đầu thuộc về Thần
Thân thể của chúng sinh
Người thế gian đeo nó
Để phụng sự thần linh
Nếu đã xong việc rồi
Thần an nơi các Điện
Nếu có việc cần mời
Trán thầy Tào Thần hiện
Mặt nạ còn được dùng
Trong Tết Nhảy tạ ơn
Và dùng trong tang lễ
Kết thúc cùng đời người
Khi nghi lễ xong rồi
Phải cất đầu thần đi
Sự trang nghiêm trân trọng
Nhớ luôn luôn giữ gìn.
Trên đây là bản tạm dịch từ tiếng Anh của bài dân ca được lưu truyền trong dân tộc Dao nói về những điều liên quan tới mặt nạ, trích từ sách Yao Ceremonial Panting, chương 20, trang 154 của tác giả Jacque Lemoine, do White Lotus Co., Thailand. xuất bản năm 1982.
Cũng theo tác giả Jacque Lemoine, có thể có tất cả 5 cái mặt nạ (đi chung với bộ tranh thờ) miêu tả năm vị thần là Thái Thanh (To Ta), Ngọc Thanh (Yen Si),Thượng Thanh (Leng Pu), Thái Úy (Tai Wei) và Tiền Phong (Xian Feng/ Hsien Fong). Trong thực tế rất khó sưu tập đầy đủ năm bức tranh thuộc cùng một bộ, do mặt nạ bị rách nát phải được thay thế hay do một trong số chúng được đắp trên mặt và chôn cùng thầy Tào khi thầy chết.
Bốn tranh còn lại trong bộ sưu tập tại Hà Nội gồm Thái Thanh, Thượng Thanh, Thái Úy và Tiền Phong(?) |
Thái Úy bạch diện thần
Mời Ngài xuất hiện trước
Tiền Phong hồng diện thần
Mời Ngài vào theo sau
Bạch diện, hồng diện thần
Hai Thần đăng đàn trước
An tọa rồi cung nghinh
Bề trên cùng về chứng.
Mặt nạ Thái Úy và Tiền Phong trong bộ sưu tập của tôi |
Hai thầy Tào đeo mặt nạ chuẩn bị đàn lễ (nguồn: http://www.dulichvietnam.com.vn) |
Nhảy múa trong lễ cấp sắc (Theo sách đã dẫn) |
Đồng thiếp trong lễ cấp sắc của người Dao Lô Giang ở Lạng Sơn (theo sách đã dẫn) |
Cũng trong ý nghĩa "tái sinh", một số ngành Dao thực hiện nghi lễ này ở Ngũ Đài (Ma đài). Ngũ Đài tượng trưng cho lưng con rồng, người thụ lễ ngồi trên Đàn nghĩa là ngồi trên lưng rồng để giáng sinh xuống trần gian.
Nghi lễ ở Ma Đài, Hình bìa trái:Vừa trèo lên Ma Đài các thầy mo vừa khuyên dặn đứa bé cách trèo núi, đi rừng. Hình giữa: Thầy mo truyền cho đứa bé lòng can đảm trước khi vượt qua thử thách. Hình bìa phải: Rơi Ma Đài – thử thách quan trọng và cuối cùng để đứa trẻ được thần linh, tổ tiên và bản làng công nhận là đàn ông (theo: http://www.sgu.edu.vn) |
Những thầy Tào theo Đạo Giáo chính thống chỉ dùng khoảng 4-5 cái mặt nạ đi kèm theo bộ tranh thờ trong các nghi lễ***. Công năng của mặt nạ trong những nghi lễ này thiên về ý nghĩa biểu tượng hơn là ý nghĩa đại diện. Tác giả Jacque Lemoine cho rằng "sự biện minh cho việc dùng mặt nạ trong các nghi lễ là (rằng): "người ta phải đeo mặt nạ của thần để gặp các vị thần của mình và để phụng sự các đấng tối cao". Nói cách khác, con người chỉ có thể gần gũi với thánh thần khi họ mang khuôn mặt đặc thù và quen thuộc (với thần thánh), vì thế sử dụng mặt nạ như một chỉ dấu về một mối liên hệ thân tình nhất định nào đó với thần thánh" (trang 154). Lập luận này giải thích rất hợp lý cho phần lớn các trường hợp người Dao dùng mặt nạ hiện nay, họ chỉ sử dụng mặt nạ Thái Úy và Tiền Phong trong sự phân biệt giữa thần mặt đỏ và thần mặt trắng một cách đơn giản, mặt nạ là phương tiện có tính biểu tượng nhằm giúp họ đến được với thánh thần.
Phía sau mặt nạ và những câu chuyện còn lại
Thầy Tào là thành phần có học thức trong cộng đồng, được học tiếng Hoa và chữ nôm Dao để hiểu và thực hành nghi lễ. Đây có lẽ là lý do tại sao tranh thờ thường có phần ghi lại nguồn gốc, xuất xứ, người sở hữu, tên họa công... một cách rõ ràng. Mặt nạ cũng vậy, thường phía trước ghi thụy hiệu của vị thần và mặt sau ghi tên người sở hữu. Cũng nhờ đặc điểm này mà người sưu tập có thể biết được các tranh có cùng bộ với nhau không.
Mặt trước và sau của một mặt nạ trong bộ sưu tập của tôi: mặt trước ghi tên thần, mặt sau ghi tên thần và người sở hữu. |
Nội dung phía sau của hai mặt nạ này trong bộ sưu tập của tôi cho biết chúng được cùng một người |
Một bộ tranh thờ được treo trong nhà hàng Vân Nam tại Trung tâm Thượng Hải (tháng 04/2015) |
Chú thích:
(*): Thầy cúng của các dân tộc miền núi phía Bắc. Trong đó thầy tào là khái niệm của người Dao, thầy then là của dân tộc Tày, Nùng. Thầy mo là của người Mường (then và mo đều có nghĩa là trời). Ba loại thầy này không phân cao thấp, vì hoàn toàn của ba dân tộc khác nhau. Tín ngưỡng của người Dao, người Tày, Nùng, người Cao Lan, Sán Chỉ... chịu ảnh hưởng của Đạo giáo từ Trung Quốc, sau có pha trộn đạo Phật chút ít và tất nhiên mang màu sắc dân tộc và địa phương. Trong quá trình tín ngưỡng, các sắc tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chỉ... có ảnh hưởng lẫn nhau và đôi khi, gọi là thầy cúng, thầy then, thầy tào, ông thầy, bà thầy, thậm chí gọi là thầy mo người ta cũng chấp nhận. (theo:Phan Cam Thuong)
(**) Xem thêm Kết cấu gia đình tâm linh của người Dao đỏ Phú thọ để hiểu quan niệm về con cái và huyết thống của người Dao Tiền:"Các thành viên trong gia đình được kết cấu bền chặt với nhau không vì huyết thống mà vì tâm linh. Hỏi một anh chồng về đứa con do vợ anh ta nằm với người đàn ông khác đẻ ra thì anh ta nói: vợ ta là ma nhà ta thì nó phải đẻ ra con ta chứ. Người Dao Tiền vốn quý con người. Mọi đứa con của mình dù là con do vợ ngoại tình, con nuôi, con mày họ đều quý như con đẻ. Miễn là chúng đã được cúng ma, nhập hộ khẩu làm ma nhà mình. Trẻ con đàn ông từ chín tuổi đổ lên đều phải qua lễ cấp sắc, hay lập tịnh, ta quen gọi là lễ lập tĩnh để đứa bé trở thành người trưởng thành, có địa vị tư cách với họ mạc, cộng đồng. Sau lễ cấp sắc chúng mới chính thức được công nhận là con cháu của Bàn Vương (tổ tiên của người Dao theo quan niệm tô tem giáo). Đứa con nuôi gia đình người Dao chỉ gắn bó thân thiết với gia đình cha mẹ nuôi vì chúng là ma một nhà với họ. Lớn lên dù biết cha mẹ đẻ nhưng khác ma nên chúng không bao giờ gần gũi nhau thân mật với nhau. Thậm chí vì sợ ma nhà mình quở phạt nên chúng cố ý tránh mặt, không muốn gặp gỡ họ.
(***) Theo tác giả Jess. G. Pourret trong The Yao - The Mien and Mun Yao in China, Viet nam, Laos and Thailand (River book 2002). Những thầy Tào (Dao Gong / Master of the Tao) chỉ thực hiện nghi lễ Đạo giáo trong khi những thầy Mo (Shi Gong) thực nhiều nghi lễ liên quan tới cuộc sống ngày thường mang tính chất địa phương, cùng với số lượng thần linh đa dạng hơn nhiều. Thầy mo thực hiện nghi lễ của họ bằng cảm tính do hiểu rõ cộng đồng hơn là qua sư học tập từ việc thấu hiểu tiếng Trung Quốc như thầy Tào. Trong cộng đồng Mien Yao chỉ có thầy Tào (Dao Gong) trong khi cả Dao Gong và Shi Gong đều tồn tại trong cộng đồng Mun Yao. Đây là lý do tại sao tranh thờ của người Mun Yao đa dạng hơn và đặc biệt số lượng mặt nạ của họ nhiều hơn hẳn, khoảng chừng 25 cái đại diện cho rất nhiều loại thần linh.
(**) Xem thêm Kết cấu gia đình tâm linh của người Dao đỏ Phú thọ để hiểu quan niệm về con cái và huyết thống của người Dao Tiền:"Các thành viên trong gia đình được kết cấu bền chặt với nhau không vì huyết thống mà vì tâm linh. Hỏi một anh chồng về đứa con do vợ anh ta nằm với người đàn ông khác đẻ ra thì anh ta nói: vợ ta là ma nhà ta thì nó phải đẻ ra con ta chứ. Người Dao Tiền vốn quý con người. Mọi đứa con của mình dù là con do vợ ngoại tình, con nuôi, con mày họ đều quý như con đẻ. Miễn là chúng đã được cúng ma, nhập hộ khẩu làm ma nhà mình. Trẻ con đàn ông từ chín tuổi đổ lên đều phải qua lễ cấp sắc, hay lập tịnh, ta quen gọi là lễ lập tĩnh để đứa bé trở thành người trưởng thành, có địa vị tư cách với họ mạc, cộng đồng. Sau lễ cấp sắc chúng mới chính thức được công nhận là con cháu của Bàn Vương (tổ tiên của người Dao theo quan niệm tô tem giáo). Đứa con nuôi gia đình người Dao chỉ gắn bó thân thiết với gia đình cha mẹ nuôi vì chúng là ma một nhà với họ. Lớn lên dù biết cha mẹ đẻ nhưng khác ma nên chúng không bao giờ gần gũi nhau thân mật với nhau. Thậm chí vì sợ ma nhà mình quở phạt nên chúng cố ý tránh mặt, không muốn gặp gỡ họ.
(***) Theo tác giả Jess. G. Pourret trong The Yao - The Mien and Mun Yao in China, Viet nam, Laos and Thailand (River book 2002). Những thầy Tào (Dao Gong / Master of the Tao) chỉ thực hiện nghi lễ Đạo giáo trong khi những thầy Mo (Shi Gong) thực nhiều nghi lễ liên quan tới cuộc sống ngày thường mang tính chất địa phương, cùng với số lượng thần linh đa dạng hơn nhiều. Thầy mo thực hiện nghi lễ của họ bằng cảm tính do hiểu rõ cộng đồng hơn là qua sư học tập từ việc thấu hiểu tiếng Trung Quốc như thầy Tào. Trong cộng đồng Mien Yao chỉ có thầy Tào (Dao Gong) trong khi cả Dao Gong và Shi Gong đều tồn tại trong cộng đồng Mun Yao. Đây là lý do tại sao tranh thờ của người Mun Yao đa dạng hơn và đặc biệt số lượng mặt nạ của họ nhiều hơn hẳn, khoảng chừng 25 cái đại diện cho rất nhiều loại thần linh.
No comments:
Post a Comment