Saturday 10 May 2014

Mặt nạ kịch Noh - Những giấc mơ vĩnh hằng



Yugen và Noh

Như linh hồn và thể xác: không có yugen, Noh không có linh hồn và chỉ với Noh, yugen mới thể hiện vẹn toàn ý nghĩa tinh túy nhất.

Yugen (幽玄) là một khái niệm mỹ học được các nhà thơ waka và tác gia kịch No đề xướng từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15. Yugen mang một ý nghĩa rộng chỉ bầu không khí mang tính thần bí, u ám, thâm sâu, ưu mỹ, tính nước đôi, tĩnh lặng, biến chuyển và buồn thương. Theo bản nguyên, khái niệm này ở Trung Quốc để miêu tả những điều thâm sâu mà con người không thể thấy và lý giải được. Từ này cũng được sử dụng nhiều trong Phật Giáo, biểu thị chân lý tối hậu không thể nắm bắt bằng tri tính (theo: Những khái niệm then chốt của mãy học Nhật Bản)


Yugen có nghĩa là u huyền: sự huyền bí có tính chất u tịch. "U huyền vốn là một từ Hán Nhật dùng để chỉ những cảnh giới sâu xa, vi diệu và thần bí mà con người không dễ dàng nắm bắt được, tuy nhiên trong thời kỳ trung đại, đây lại là từ để chỉ một trạng thái lý tưởng mà ở đó vẻ đẹp tao nhã đóng vai trò chủ đạo khiến nảy sinh những cảm xúc hay tâm trạng sâu xa nằm ngoài ngôn ngữ" (Mitsuyoshi Numano: Văn học Nhật Bản - một số đặc trưng nổi bật). Chính tinh thần Yugen đã làm cho Noh "vi diệu và thần bí" để đạt tới độ "vẻ đẹp tao nhã đóng vai trò chủ đạo" này.

Uto, Tranh vẽ kịch  Noh , Tsuskioka Kogyo (1869-1927). nguồn: like walk- hrough yugen
"Mục đích của Noh không phải là việc kể một câu chuyện hay giảng dạy đạo đức, (Noh) đơn giản chỉ là sự biểu hiện của vẻ đẹp"(1). Không có loại kịch nghệ nào duy mỹ và vị cái đẹp đến vô cùng tận như Noh.

Do tương đồng với quan niệm của thiền nên kịch Noh không quá lộng lẫy, phô trương, cũng không quá dân dã mà giản dị, sâu lắng và mang đậm tính u huyền, bao gồm 3 nguyên tắc là Myoka (vẻ đẹp mỹ miều như một bông hoa), Hie (vẻ đẹp cô quạnh, lạnh lẽo) và Mumon (vẻ đẹp nội tâm mà không cần cất thành lời). (theo:Xuan Phong)

Mỗi vở kịch Noh là một câu chuyện kể về những nhân vật ban đầu còn vướng mắc, hệ lụy, linh hồn không siêu thoát… sau thức tỉnh. Noh không dựa vào thần thoại dù vẫn có bóng dáng thần linh, ma quỷ. Noh thích kể về cuộc đời của những con người tài sắc, những anh hùng… để qua đó thể hiện cái đẹp – cái đẹp linh thiêng của đời sống, chứ Noh không diễn tả những cảm thức có kịch tính cao độ . Noh hướng đến sự cô đọng, tập trung để đạt đến cái đẹp của thơ ca, tập trung vào cái đẹp tinh tế, vào chiều sâu của Thiền. Do vậy một vở kịch Noh bao giờ cũng mang đậm tính Thiền vị, mang tính khai ngộ, mở ra tri kiến. Noh luôn mở ra cho khán giả của mình những cái Kiến (thấy) từ những cái Ảo (không gian ảo, thời gian ảo). (Theo:nguyenhuutinh)

Yugen và mặt nạ kịch Noh

Tính u huyền thể hiện trên mặt nạ kịch Noh một cách đậm đặc và thuần khiết, những xúc cảm thông thường như "hỷ, nộ, ái, ố" không bao giờ và không được phép hiện diện trên mặt nạ. Mặt nạ kịch Noh mang vẻ huyền bí, liêu trai và dường như thuộc về một cảnh giới khác cảnh giới của phàm trần.

Nghệ sĩ kịch Noh đeo mặt nạ Okina. Nguồn: Theatre of yugen
Trước khi được sử dụng phổ biến vào thời Muromachi (1392-1573), mặt nạ kịch Noh có tính chất thần bí và mang ý nghĩa tôn giáo. Sau này ý nghĩa tôn giáo của mặt nạ bắt đầu suy yếu và nó mang nhiều đặc tính người hơn. Để Noh đạt được khía cạnh u huyền mạnh mẽ, người nghệ sỹ kịch Noh cho rằng khuôn mặt với những đặc trưng riêng cùng xúc cảm cá nhân của mình phải được giấu đi để không làm phân tâm khán giả, đây chính là nguyên nhân làm cho mặt nạ kịch Noh luôn hướng tới sự huyền bí tối thượng như cách chúng ta đang thấy trong quá khứ và hiện tại.

Một vài mặt nạ kịch Noh trong bộ sưu tập 47 cái của gia đình Konparu Soke. Những mặt nạ này được chế tác từ thời Muromachi còn lại tới bây giờ. Nguồn: www.emuseum.jp
Khi nói tới tính u huyền của mặt nạ kịch Noh, hãy liên tưởng tới vẻ u tịch của một ngọn núi. Cũng cùng một ngọn núi nhưng vẻ đẹp sẽ được cảm nhận khác nhau tùy lúc, tùy thời và đặc biệt là sự ngắn ngủi, phù du nhưng đắt giá của cái đẹp trong từng thời khắc thoáng qua đó. Người xem Noh phải đọc được sự tinh tế của chuyển động và hiệu ứng ánh sáng lướt qua trên từng cái mặt nạ được thể hiện bởi những nghệ sĩ bậc thầy.

Những biểu hiện cảm xúc theo góc chuyển động của mặt nạ Ko-omote. Về nguyên tắc, mặt ngước lên thể hiện tâm trạng vui và mặt cúi xuống thể hiện tâm trạng buồn. Nguồn:ko-omote  (xem thêm: www.plosone.org và www.ncbi.nlm.nih.gov)
Một trong những điều làm cho mặt nạ kich Noh mê hoặc là bởi vẻ đẹp trung tính (chukan hyoyo) của nó: một sự biểu hiện mơ hồ xúc cảm không hẳn vui cũng chẳng hẳn buồn. Tính chất ngờ ngợ và đa diện này là yếu tố cốt lõi của một mặt nạ, người nghệ sĩ giỏi phải dùng những cử động vi tế để làm cho mặt nạ thể hiện cám xúc vui hay buồn.

Mỗi cái mặt nạ Noh là một bản sao hoàn hảo của mặt nạ chuẩn, người ta không chấp nhận bất kỳ một khác biệt hay "sáng tạo" nào khi làm mặt nạ kịch Noh. Giống hệt là tiêu chí hàng đầu, bản thân yếu tố phi thời gian này lại phủ lên mặt nạ Noh một trầm tích lịch sử, chất chứa sức nặng của những huyền tích âm u.

Những mặt nạ làm cho vở kịch Noh diễn ra như một giấc mơ với những biểu tượng đầy ảo giác. Người xem được sống với các câu chuyện về tình yêu, về lòng căm hờn, nỗi buồn, niềm hối tiếc, trong sự cường điệu dưới bầu không khí u mặc. Cảm xúc bị dồn nén nhưng cách thể hiện lại rất châm rãi và tỉ mẩn, cứ như thể ta đang nhìn thế giới của câu chuyện qua một bức vách không-thời gian huyễn hoặc.

Mặt nạ kịch Noh - phân loại

Mặt nạ kịch Noh được gọi là omote (dịch nghĩa, "khuôn mặt") là đạo cụ rất quan trọng để Noh được liệt vào dạng kịch mặt nạ. Các tài liệu còn sót lại từ thời kỳ Momoyama chỉ ra khoảng 60 kiểu mặt nạ cho khoảng hơn 200 nhân vật trong chừng 250 vở kịch được liệt kê, chúng là mẫu mực cho tất cả các kiểu mặt nạ được sử dụng ngày nay. Nhiều phân loại liệt kê mặt nạ theo các tuyến nhận vật trong một vở kịch, phổ biến nhất là phân thành 5 loại: thần, nam, nữ, cuồng (kỳ lạ) và quỷ. Theo www.the-noh.com sự phân loại như sau:

Loại mặt nạ này chỉ được sử dụng cho các hồi kịch gọi là "Okina", diễn để chào năm mới hoặc cho những dịp đặc biệt. Đây là kịch nghi lễ bắt nguồn từ sarugaku, hình thức cổ điển của Noh, được ra đời trong thời kỳ cuối triều đại Heian ( thế kỷ 12). Nó có trước bất kỳ loại mặt nạ kịch Noh nào.

Mặt nạ dành cho người cao tuổi được gọi là Jo-men (mặt nạ Jo). Chúng có nhiều loại khác nhau, bao gồm Ko-jo, Asakura-jo, Sanko-jo, và Warai-jo, được phân biệt bởi mái tóc và thường được các diễn viên gạo cội dùng trong phần đầu của vở kịch, gọi là waki-no (thần) hoặc shura-no (chiến binh), họ xuất hiện trong vai những linh hồn.

Tùy thuộc vào vị trí xã hội hoặc các tình huống trong vở kịch, diễn viên chọn mặt nạ từ các loại Otoko-men (mặt nạ Otoko) khác nhau, bao gồm cả các nhân vật là lính, như Heida, Chūjō, Jūroku, Hatachi-Amari, Doji,Kasshiki.


Onna-men (mặt nạ Onna) là loại phổ biến nhất trong tất cả mặt nạ Noh. Có một số biến thể bao gồm Ko-omote, rất nổi tiếng, miêu tả một phụ nữ trẻ. Tùy thuộc vào độ tuổi hoặc tính chất các vai diễn, mặt nạ được chia thành loại khác nhau, chẳng hạn như Waka-onna, Shakumi, Uba, và Rojo.

Mặt nạ này được cho là đã xuất hiện trong giai đoạn đầu của lịch sử kịch Noh, nó đại diện cho các vai siêu nhiên. Cái mặt nạ này khác biệt rõ ràng bởi hình ảnh mạnh mẽ và hoang dã của nó, về cơ bản mặt nạ kiểu này được phân thành hai loại: Vai Tobide là quỷ man rợ, và Beshimi là yêu tinh như Tengu.

Đây là loại mặt nạ miêu tả hóa thân của người chết. Chúng bao gồm những con ma nam như Ayakashi, Yase-otokoKawazu, và những ma  nữ như YamanbaDeigan. Tất cả họ hoặc là hối hận, hoặc là hận thù thế giới. Hannya, một trong những loại mặt nạ nổi tiếng, cũng được phân vào nhóm này.

Trong kịch Noh, một mặt nạ có thể sử dụng cho nhiều vở kịch. Tùy theo nội dung của từng vở kịch mà các nghệ sĩ chọn mặt nạ cho phù hợp với yêu cầu. Bất cứ nhân vật nào không phải là đàn ông trung niên sống trong thời hiện tại, đều đeo mặt nạ. Do đó, tất cả các nhân vật như phụ nữ, đàn ông, ông già cũng như bóng ma, các vị thần, quỷ sứ và các sinh vật siêu phàm, đều đeo mặt nạ để diễn.

Mặt nạ đàn bà và những hồn ma trong vở kịch Aoi no ue

Mỗi vở kịch Noh là một câu chuyện về sự chuyển hóa. Aoi no ue ( Phu nhân Aoi) là câu chuyện về sự ghen tuông chuyển thành lòng thù hận và niềm hối tiếc sau một quá trình khám phá bản thân của nhân vật nữ chính Rokujō . Chuyện kể rằng, Aoi no ue, con gái của gia đình Sadaijin (quan thượng thư), vợ chính của Hikaru Genji bị ma ám và mắc bệnh nặng. Mặc dù gia đình đã cố gắng chữa trị nhưng bà không thể hồi phục. Gia đình đã quyết định mời nữ tu Teruhi, bậc thầy của nghệ thuật azusa, tới trị con ma này. Bị nữ tu giăng bẫy, bóng ma hiện nguyên hình là một linh hồn đầy thù hận của nữ quý tộc có tên là Rokujō, vợ của một thái tử đã chết và là một người tình của Genji. Nhìn bà Aoi hạnh phúc, linh hồn của Rokujō khóc than cho sự đau đớn đang ngày càng tăng của mình, cô bị giằng xé bởi lòng ghen tuông và quyết ám hại Aoi để trục xuất linh hồn của cô ấy, giống như một người vợ ghen ghét và cố đánh bại người tình trẻ của chồng.

Rokujio đeo mặt nạ Deigan và linh hồn giận dữ của mình đeo mặt nạ Hannya
Gia đình Sadaijin rất kinh ngạc bởi sự giận dữ của cô Rokujō và vội vàng mời pháp sư Yokawa-no-kohijiri, là môn đệ giỏi của Shugen-do. Khi pháp sư niệm Bát nhã tâm kinh (Hannya Shingyō), sự ghen tị trong trái tim Rokujō hiện thân là một yêu nữ. Con yêu này không chỉ tấn công bà Aoi mà cả pháp sư. Sau trận chiến kịch liệt giữa các vị sư và oan hồn, Rokujō đã buông xả ác tâm và đạt Phật tánh. (Theo: www.the-noh.com)

Mặt nạ Deigan
Ở hồi đầu của vở kịch, Rokujio đeo mặt nạ có tên là Deigan, tên Deigan xuất phát từ việc mặt nạ được sơn nhũ vàng gọi là kindei xung quanh mắt. Nhũ vàng còn được sơn trên răng nhằm biểu thị một thực thể ở bên ngoài thế tục. Đây là khuôn mặt của một phụ nữ quyến rũ với cảm xúc oán giận bị kìm nén cùng một phức hợp cảm xúc ghen tuông điên cuồng. "Mặt nạ Deigan là một thách thức thực sự cho người chế tác, rất khó để tạo một mái tóc rối bời, một cái miệng khao khát được nói và một đôi mắt có vẻ nhìn khinh thị nhưng tội nghiệp. Đây là mặt nạ của vẻ đẹp quý phái với vầng hào quang ma mị chung quanh".(2)

Mặt nạ Hannya
Ở hồi cuối của vở kịch, Rokujio hóa thân thành một yêu nữ, xuất hiện trong mặt nạ có tên là Hannya (般若, âm Hán Việt là "Ban Nhược" hoặc "Bát Nhã"). Hannya đại diện cho khuôn mặt của phụ nữ bị tàn phá bởi sự điên cuồng và đố kị, đã biến thành hồn ma để báo thù. Người Nhật xưa cho rằng trong người phụ nữ luôn có giấu hai cái sừng, khi họ điên cuồng vì ghen tuông thì cái sừng sẵn có đó xuất hiện và biến họ thành Hannya kinh dị. Cái mặt nạ Hannya nhìn kinh dị thật: cặp mắt tròn long sòng sọc, hai gò má nhô lên nhọn hoắt, cái miệng đỏ lòm cùng răng nanh sắc nhọn rộng tới mang tai, như muốn ăn tươi nuốt sống người ta. Cái phần trán nhô ra đè sụp cả mí mắt cộng thêm hai cái sừng trên đầu, tạo cảm giác hung hãn và sẵn sàng tấn công người đối diện. Đáng sợ hơn là khuôn mặt quỷ cái này lại được nhân cách hóa thành người, khuôn mặt Hannya mang ấn tượng hỗn hợp giữa sự hiểm độc của quỷ lẫn niềm đau khổ của linh hồn người chưa siêu thoát.

Vai chính trong một vở kịch Noh được gọi là shite. Shite bao gồm nhiều thể loại nhân vật như: vị thần, ma chiến binh, ma nữ, đàn bà điên, đàn ông hay phụ nữ, hoặc là các nhân vật huyền thoại như tengu (yêu tinh mũi dài) hay con rồng. Trong nửa đầu của một Noh các shite được gọi là mae-shite, và trong nửa thứ hai được gọi là nochi-shite. Vở Aoi no ue  được phân vào nhóm Mugen Noh; là các vở kịch có câu chuyên siêu thực liên quan tới ma quỷ, mae-shite ở hồi đầu là linh hồn Rokujio đeo mặt nạ có tên là Deigan nochi-shite ở hồi sau cũng là linh hồn nhưng linh hồn quỷ đeo mặt nạ Hannya, mặc dù hai nhân vật đeo mặt nạ hoàn toàn khác nhau nhưng hầu như luôn luôn được cùng một nghệ sĩ biểu diễn.

Mặt nạ Ko-omote
Vai phụ trong một vở kịch Noh được gọi là waki. Giống như shite, waki cũng bao gồm nhiều thể loại nhân vật như: thầy tu đi hành khất, kẻ thù của shite... Trong Mugen Noh, waki phải luôn là một nhân vật trần thế, thường gây ảnh hưởng lên shite và giúp giải thoát shite. Nhóm Waki không bao giờ mang mặt nạ. Họ là người làm nền cho Shite, có vai trò chất vấn nhân vật chính, và đây là chi tiết quan trọng trong tiến trình phát triển câu chuyện. Cả shitewaki cũng thường xuất hiện cặp đôi cùng với bạn diễn gọi là Tsure, tương ứng với shite shite-tsurewakiwaki-tsure. Waki trong vở kịch này là pháp sư Yokawa-no-kohijiri còn waki-tsure là phụ tá của pháp sư này. Trong khi đó shite-tsure cho nhân vật chính Rokujio là nữ tu đeo mặt nạ Ko-omote.

Ko-omote là dạng mặt nạ nữ (onna-men) rất phổ biến. Mặt nạ này đại diện cho thiếu nữ ở độ tuổi xuân thì. Không đơn giản chỉ mang vẻ đẹp ngây thơ, trong trắng, nó còn biểu cảm những cảm xúc nội tâm của giới tính trong giai đoạn tâm sinh lý đang định hình, nó hàm chứa cả sự ngây thơ nhưng không thiếu hiềm thù và đố kỵ. "Những đường cong mượt mà và duyên dáng tạo tính chất tổng thể cho gương mặt kiểu này. Cái phần trải dài từ mí mắt qua sống mũi không gợn một nếp nhăn và mịn màng một cách đặc biệt, buộc người nghệ nhân tạo tác chiếc mặt nạ này phải gạt bỏ những cảm xúc thuộc về trần thế trong suy nghĩ. Cái miệng đầy đặn quyến rũ dường như muốn dấu một nụ cười, những đuôi mắt là điểm đặc biệt nhất của Ko-omote, chúng tiết lộ sự sắc sảo trong tính cách có lẽ nhằm để giữ vẻ dịu dàng trinh nữ".(2)


Ko-omote, Deigan hay Hannya là những trạng thái cảm xúc: trong trắng, phẫn uất, điên cuồng. Vở kịch đưa người xem vào phức cảm bi ai của sự hận thù và niềm hối tiếc:

"Nếu tôi đi trên chiếc xe tam bảo, chạy bởi lòng từ bi của Đức Phật, 
nếu tôi đi theo con đường của Đức Phật, tôi có thể thoát qua cửa thế gian khổ đau này?
Tôi, người đi trên một chiếc xe tồi tàn, vỡ nát, sẽ có thể đi về đâu?
Ah, sự oán hờn của tôi không có thể đi đến đâu cả


Cuộc đời chông chênh như một bánh xe, 
Cuộc đời khổ ải như một bánh xe, 
Bánh xe nghiệp chướng quay vòng vòng".               
                                                   (lời tự sự của Rokujio khi xuất hiện trên sân khấu) (theo: plays)

Phong vị Phật giáo thiền tông thấm đẫm lời ca trong nhịp điệu chậm và gợi nhiều liên tưởng. Cái đẹp của Noh vượt ra ngoài nội dung của câu chuyện mà nó chuyên chở: Noh không kể một câu chuyện, Noh nói về một triết lý.

Mặt nạ đàn ông, nam thần và yêu quái trong vở kịch Kokaji và Kuzu


Kokaji Kuzu là hai câu chuyện của những người đàn ông. Chúng có cốt truyện đơn giản nhưng lại rất nổi bật về mặt vũ đạo. Vũ đạo của hai vở kịch này được coi như là chuẩn mực trong trình diễn Noh. (xem video ở đây)

Kokaji (thợ rèn kiếm) kể câu chuyện xảy ra trong thời Heian. Chuyện kể rằng thợ rèn kiếm nổi danh Sanjō no Kokaji Munechika được hoàng đế Ichijo (980-1011) đặt làm một thanh kiếm báu, ông rất lưỡng lự vì không có phụ tá đáp ứng được yêu cầu. Khi phái viên triều đình giải thích rằng cách thức rèn kiếm sẽ được cung cấp bởi những hướng dẫn xuất hiện trong giấc mơ của hoàng đế, Munechika liền đi đến đền Inari để cầu nguyện sự giúp đỡ từ thánh thần. Đáp lại lời nguyện cầu, thần Inari (thần cáo) xuất hiện trong hình thức của một chàng trai  trẻ đã trấn an anh ta, với một lời hứa hỗ trợ. Sau đó họ cùng nhau làm một thanh kiếm tuyệt vời.


Mae-shite mang mặt nạ Doji/Jido, và nochi-shite mang mặt nạ Ko-tobide
Trong vở kịch này, mae-shite là cậu bé mang mặt nạ Doji/Jido, còn nochi-shite là thần Inari mang mặt nạ Ko-otobide. Vai phụ (waki) là nghệ nhân rèn kiếm Munechika, bạn diễn (waki-tshu) của Munechika là sứ giả nhà vua, cả hai đều không đeo mặt nạ.

Mặt nạ Doji
"Doji là trẻ con, khuôn mặt của nó thể hiện hình ảnh của người đàn ông chưa trưởng thành. Khuôn mặt dạng tròn và có nét phụ nữ như thường thấy ở người ái nam ái nữ. cái miệng hé mở, khóe môi cong lên như thể muốn nói. Mặt nạ Doji có độ cong ít hơn mặt nạ onna-men. Doji không hẳn là một cậu bé - sự kết hợp giữa vẻ đẹp quý phái và vẻ thanh cao không vướng bụi trần làm cái mặt nạ này thường được dùng cho các nhân vật thần tiên trong hình dạng con người.

Mặc dầu tiếng Nhật gọi "doji" là trẻ con nhưng trong Noh nó không đơn giản chỉ mang ý nghĩa này. Nó thiên về ý nghĩa của biểu tượng thần thánh nhằm vào sự trẻ trung vĩnh cửu.

Những sợi tóc kéo căng phủ qua lông mày của đứa trẻ được vẽ rất khéo léo. Mỗi sợi tóc đòi hỏi người vẽ sự dụng công rất lớn để làm cho nó tự nhiên như không. Cặp lông mày cong thanh nhã kết hợp với cái miệng như muốn mở tạo ra một cảm giác bí ẩn tinh quái. Đây không phải là cái mặt nạ mà người cứ có kinh ngiệm là làm được, nó cần một nghệ nhân có một mỹ cảm nhạy bén bẩm sinh". (2)

Một vài trường dạy kịch Noh lại dùng mặt nạ Kasshiki thay cho mặt nạ Doji trong vở kich này. Kasshiki là thầy tu giúp việc, người này có nhiệm vụ thông báo thực đơn hàng ngày cho đạo hữu khi họ tập trung lại để tụng kinh Phật. Mặt na Kasshiki là bản sao của mặt nạ trẻ con.

Mặt nạ Kasshiki
"Điểm chính yếu để phân biệt mặt nạ này là chùm tóc hình lá bạch quả ở trước trán. Khóe miệng vểnh lên nhẹ trong khi mí ngoài của lông mày và đuôi mắt cong ngược lên. Nghệ nhân phải tạo cho đươc khuôn mặt nghiêm nghị nhưng tươi cười với cái nhìn bén nhạy và sắc sảo khi làm cái mặt nạ này". (2)

Vũ đạo trong kịch Noh được gọi chung là mai, mai cùng với ca từ và nhạc cụ là những thành phần cơ bản của nghệ thuật này. Các vị thần luôn xuất hiện trong vũ đạo có tên là kami-mai, vũ đạo này rất nhanh, đẹp và nghiêm trang. Những động tác nhấc cao chân và dộng xuống sàn; nhằm tạo hiệu ứng âm thanh được khuếch đại bởi hệ thống nhiều cái lu rỗng bên dưới sân khấu; thường được các nhân vật kiểu này khai thác. Khi thần Inari xuất hiện, sân khấu bị khuấy động bởi âm thanh và vũ đạo mạnh mẽ. Khuôn mặt xương xẩu ẩn trong mái tóc dài rũ rượi tạo cho nhân vật vẻ cổ quái đặc biệt. Trong vở Kuzu, nam thần xuất hiện dưới mặt nạ Otobide, trong vũ đạo nhằm xiển dương công đức của Hoàng đế Temmu đã trở thành một chuẩn mực cho điệu kami-mai này.

Mặt nạ Otobide
Otobide là mặt nạ cho những vai thần bay lượn trên thiên đường. cái mặt nạ được phủ nhũ vàng, mắt to, lông mày cong vòng và miệng rộng tới mang tai, đại diện cho một thế lực siêu nhiên mạnh mẽ. Khi nhìn kỹ, ta sẽ thấy con mắt trái nhìn lên trên còn con mắt phải thì nhìn xuống dưới, bởi vì vị thần này quan sát thiên đình lẫn hạ giới trong cùng một lúc.(2)

Kuzu là vở kịch ca ngợi việc thiện. Đó là câu chuyện của hai vợ chồng ngư phủ già liều mình cứu hoàng đế chạy nạn. Khi làm việc thiện; bằng cách phóng sanh một con cá do ngư phủ mang cho; hành động này như một điềm báo về sự phục hưng của Hoàng đế. Để xiển dương công đức này vợ chồng ngư phủ hóa thành nam thần và nữ thần trong một điệu múa hân hoan mừng triều đại mới.

Ông ngư phủ đóng vai chính (shite) đeo mặt nạ Sanko-Jo, bạn diễn là bà ngư phủ (tsure) đeo mặt nạ Uba, trong khi Hoàng đế là một đứa trẻ và không đeo mặt nạ như quy ước trong Noh truyền thống.

Mặt nạ Sanko-Jo
"Sanko-Jo được gọi theo tên của người tạo tác nó là một thầy tu ở đền Heijenji thuộc tỉnh Echizen vào cuối thời Muromachi (1338-1578). Ông già này có nụ cười nhăn nheo trên gương mặt xương xẩu với gò má cao và cơ má xệ. Gương mặt cục mịch này là của những người lao động chân tay và thường được chọn cho các vai diễn quê mùa như thợ xẻ, thợ làm muối hay ngư dân"(2)

Trở lại thế kỷ 14, thời điểm mà Noh trở thành một môn nghệ thuật như ta thấy ngày nay. Thời đó rất ít người Nhật có tuổi thọ cao, người cao tuổi luôn nhận được sự tôn kính của xã hội và thậm chí họ còn được ban cho sức mạnh của thánh thần. Mặt nạ Jo, vì vậy, cũng thường được chọn cho các vai tôn quý như vai Thượng đế trong hình dáng con người. Những mặt nạ kiểu này được gọi chung là Okina gồm hai mặt nạ rất nổi tiếng là Kokushiki-joHakushiki-jo, chúng có trước kịch Noh và tách biệt hẳn nội dung vở kịch. Khi xuất hiện, chúng là hình ảnh của thần thánh trong nỗ lực ban phát ân sủng cho con người. Đây là một ví dụ cho thấy cội nguồn của nghệ thuât được tách ra từ nghi lễ thiêng liêng.

Mặt nạ Noh trong nghệ thuật trình diễn

Sân khấu Noh hoàn chỉnh phải gồm ba phần: phòng kiếng (kagami-no-ma, cầu dẫn (hashigakari) vả sân khấu chính (hon-butai)Khán giả thấy nghệ sĩ xuất hiện trên cầu dẫn nhưng với diễn viên, vở kịch đã bắt đầu từ phòng kiếng được thiết kế ẩn bên trong.

Mô hình sân khấu Noh và vị trí của dàn nhạc và diễn viên
Phòng kiếng (kagami-no-ma - mirror room) là địa điểm đặc biệt của các shite, với họ nơi đây vở diễn chính thức bắt đầu, nơi đây họ chuẩn bị trang phục và thực hiện một nghi lễ đặc biệt là đeo mặt nạ. Tuần tự, chậm rải và tôn kính, diễn viên Noh nâng mặt nạ trên hai tay, nhìn vào khoảng tối phía bên trong và hoá thân vào vai diễn trong những khoảng lặng liên tục như là nghi thức, trước và sau khi áp mặt nạ vào mặt mình. Người ta nói rằng người nghệ sĩ Noh giỏi là người không đeo mặt nạ mà để mặt nạ tự kéo khuôn mặt mình vào.

Phòng kiếng (kagami-no-ma)
Tiếng Nhật không gọi mặt nạ Nohmen (mask / mặt nạ) mà gọi là omote (facade / khuôn mặt có sắc diện). Điều này cho thấy một mối quan hệ đặc biệt giữa nghệ sĩ và mặt nạ của họ, với họ, mặt nạ không phải là một vật phẩm bằng gỗ mà là một người đồng hành có khả năng ban cho họ ma thuật và quyền lực siêu nhiên. Vì vậy, ngoài việc thể hiện tính thẩm mỹ cao, mặt nạ Noh còn là phương tiện truyền thông của những thế lực siêu nhiên, của các vị thần và có sức mạnh tinh thần nội tại. Khi mặt nạ được đeo lên, ánh sáng bị cản lại và bóng tối phủ lên khuôn mặt nghệ sĩ, bảy vị trí gồm mắt mũi, miệng và tai sẽ là những cánh cổng thụ cảm của họ, "như những ngôi sao trong chòm Bắc Đẩu, chúng dẫn hướng để (nghệ sĩ) đi qua hành trình làm người" (Nearman (1984).

Hành trình này được Zeami Motokiyo (1363–1443), ông tổ kịch Noh ngày nay (xem thêm: http://en.wikipedia.org/wiki/Zeami_Motokiyo), gọi là Hana (flower/hoa).  Đây là khái niệm nhằm chỉ ra cái đích để mỗi nghệ sĩ Noh hướng tới trong nghệ thuật trình diễn của mình. Hoa được hiểu như là một quá trình, là sự công phu luyện tập của người diễn viên. Hoa nhất thời để chỉ các diễn viên thiếu niên có vẻ đẹp trong sáng, giọng ca trong trẻo nhưng sẽ tàn đi theo thời gian. Hoa thật sự là hoa sẽ nảy nở trong suốt cả sự nghiệp khổ công luyện tập của người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Katsumi Endo đang đeo mặt na trong phòng kiếng (theo: http://townhall.com)
Nhiều mặt nạ Noh dùng cho nhân vật là người có kích thước nhỏ, không che hết khuôn mặt. nó chỉ che vừa khít phần mặt trước, trán, hai gò má, miệng và để lộ ra cái cằm của người nghệ sĩ, Chính chuyển động của cằm và cổ làm thay đổi góc nghiêng của mặt nạ nhằm tạo ra những sắc thái biểu cảm khác nhau. Những loại mặt nạ che toàn bộ khuôn mặt thường có mục đích giả trang để mô tả những nhân vật huyền thoại như là Hannya hay Otobide chẳng hạn.

Mặt nạ Noh có phần đục lỗ ở vị trí con mắt cực kỳ nhỏ. Mặt nạ cho vai nữ có lỗ con mắt chuyển dần hình dạng từ vuông qua bầu dục rồi tròn theo thứ tự tăng dần tuổi tác. Người ta cho rằng cái lỗ hình vuông làm thị trường bị nhòa và không gom lại khiến cho nghệ sĩ phải nhìn qua một môi trường ảo, chính điều này làm tăng khả năng thể hiện những biểu đạt tinh tế nhất. Đây cũng là lý do để sân khấu Noh luôn có thiết kế bốn cột ở góc, các cột này là mốc để người nghệ sĩ điều hướng và ngăn không cho họ rơi ra ngoài.


Mặt sau của một mặt nạ Noh, miếng vải  màu xanh có lẽ có tác dụng chêm cho vừa khít khuôn mặt người biểu diễn
Trong một vài trường hợp đặc biệt, như ở phần hai của vở Daie, người nghệ sĩ có lúc phải đeo hai cái mặt nạ và hai bộ trang phục để nhanh chóng chuyển từ vai Phật qua vai yêu tinh. Những lúc này nghệ sĩ hầu như bị mù, họ diễn bằng trực giác và hóa thân hoàn toàn vào nhân vật.

Zeami cho rằng vẻ đẹp tuyệt đích được miêu tả tốt nhất bằng hình thức diễn xuất cách điệu và những hình thức biểu hiện đơn giản nhất. Nhiều động tác cố định được sáng tạo, gọi là Kata: ví dụ, có ba cách cho thấy nỗi buồn, tùy theo chiều sâu nỗi buồn ấy: thứ nhất, chỉ đơn giản là cúi thấp mặt cho thấy nỗi buồn man mác; thứ hai, cúi thấp mặt và đưa tay ngang mắt hai lần, không thực sự chạm vào mắt (tượng trưng cho việc lau đi một giọt nước mắt) để cho thấy một nỗi buồn sâu thẳm; thứ ba cúi thấp mặt và đưa cả hai tay lên ngang mắt, lặp lại động tác hai lần, biểu thị nỗi tuyệt vọng. Tính biểu cảm giản đơn của Noh đã tạo ra một không khí riêng, được miêu tả bằng thuật ngữ wabi và sabi biểu thị trạng thái yên tĩnh.(theo: Fushi-Kaden, Ze-Ami & Zenchiku (1974)

Bên cạnh đa số vai diễn sử dụng mặt nạ, có một số vai diễn không sử dụng mặt nạ như vai thị đồng (dành cho diễn viên trẻ, ít kinh nghiệm) và Hitamen (diễn viên lão thành). Với loại vai Hitamen, diễn viên phải dồn nén cảm xúc để diễn bằng khuôn mặt thật, không hóa trang với nét mặt lạnh lùng, mắt nhìn vào cõi hư không trong suốt buổi diễn. Chỉ có những nghệ sĩ bậc thầy, dày dạn kinh nghiệm mới có thể biến chính khuôn mặt mình thành mặt nạ Ko omote. Khi khuôn mặt – mặt nạ trở thành tấm gương thu nhỏ và phóng đại cảm xúc cũng chính lúc người nghệ sĩ đã lột tả được hết vẻ đẹp của kịch Noh và đạt tới đỉnh cao nghệ thuật biểu diễn này. (theo:Xuan Phong

Mặt nạ Noh: nghệ thuật chế tác

Mặt nạ Noh phần lớn được chạm khắc từ loại gỗ Hinoki. Trong số các loại mặt nạ, loại dành cho Quỷ (đặc biệt là Hannya) lại được chạm khắc công phu và tinh xảo nhất trên loại gỗ cứng. Ngược lại, loại dành cho nữ (nhất là Ko-omote) chạm khắc ít nhất nhưng lại được tô vẽ tinh tế nhất trên loại gỗ mềm.

Xin xem đoạn video rat thu vi này: http://www.youtube.com/watch?v=Ze4pe1ZqmGo

Lời kết

Có lẽ không dân tộc nào trân trọng sự lụi tàn như người Nhật, những khái niệm mỹ học Nhật Bản như “aware” (bi cảm), “yugen” (u huyền), “wabi” (đà), “sabi” (tịch) đều nội hàm trong mình ý nghĩa diệt vong.

" Phù bào khoảnh khắc vòng sinh diệt
Sớm nở đêm tàn tựa kiếp hoa…" (http://www.oldcottage.net/thohaiku/thohaiku.html)


Không ngẫu nhiên mà Zeami chọn hana / hoa làm biểu tượng của cuộc đời người nghệ sĩ noh, bởi nghiệp hoa, nói cho cùng là một sự tận hiến đến định mệnh diệt vong cuối cùng.

Thọ nghiệp để hiểu nghiệp âu cũng là một cách để trường tồn vậy!


No comments:

Post a Comment