Saturday, 9 April 2016

Những mặt nạ của bảo tàng Thượng Hải



Tôi vốn có duyên với những bảo tàng. Một cách hơi cực đoan mà nói, rằng thành phố nào không có bảo tàng thì đừng nên tự xưng mình là thành thị, còn một lữ khách đến một thành phố mà không chịu đi thăm bảo tàng của nó thì đừng tự cho mình là thị dân. Về mặt cá nhân, tôi còn cực đoan hơn: một bảo tàng mà không có mặt nạ thì đừng nên gọi là bảo tàng và đi bảo tàng mà không coi được mặt nạ thì chuyến đi cũng vô nghĩa. Một góc nhỏ của tầng trên cùng trong bảo tàng Thượng Hải đã cứu vãn cho danh tiếng lẫy lừng của bảo tàng viện này.

Chẳng hiểu sao Thượng Hải lại chọn vị trí bảo tàng trực diện với cơ quan quyền lực cao nhất của nó? Phải chăng người ta muốn quan chức soi vào quá khứ vốn dĩ lẫy lừng của Trung Hoa để định vị cho tương lai vốn nhiều bất trắc của đất nước đông dân nhất thế giới này? 

Mặt bên của Bảo tàng Thượng Hải
Tôi thấy được tính khiêm cung của tinh thần Trung Hoa trong kiến trúc này, một tòa nhà kín đáo, đường bệ nhưng không phô trương như đa số những công trình kiến trúc chỉ muốn đè bẹp người ta bằng độ lớn tàn bạo của chúng trên hầu khắp đất nước này. Một bảo tàng xứng tầm với  bề dày của một dân tộc và đủ sức mạnh để che chở cho những báu vật vô giá ở bên trong nó.
Mặt trước của bảo tàng Thượng Hải
Trong số báu vật của bảo tàng này có hai bộ mặt nạ, có lẽ cũng thuộc hàng vô giá của Trung Hoa và thế giới: một bộ mặt nạ Cham của người Tây Tạng và một bộ mặt nạ Nuo của người Thổ Gia (Tujia), cả hai đều là dân tộc thiểu số Trung Quốc.

Giản dị có lẽ là từ ngữ chính xác nhất để mô tả cách trưng bày hai bộ mặt nạ này. Mặt nạ của những bổn tôn phẫn nộ dường như an nhiên hơn trong không khi yên tĩnh.

Góc trưng bày hai bộ mặt  nạ
Tôi cảm nhận được Dạ Ma Thần Chết (Yama)Hàng Phục Dạ Ma (Yamantanka) trong cơn phẫn nộ đầy uy lực khi đứng cạnh những mặt nạ này. Mỗi góc nhìn có thể cho thấy những sắc thái giận dữ khác biệt, người nghệ sỹ (thầy tu) chắc là đã nhập trọn linh hồn vào trong tác phẩm thần thánh của mình.
Mặt nạ Yama và Yamantanka trong bảo tàng Thượng Hải
Cái mặt nạ Yama được chạm trổ công phu trong từng chi tiết, mắt, mũi, miệng, mày và những họa tiết lẫn đồ vật trang trí được chạm khắc một cách mềm mại trong sự tương phản tột cùng với cái tổng thể thô ráp của khuôn mặt. Ta không cảm nhận được cái ác hay nỗi sợ hãi, chỉ thấy một sự dồn nén cảm xúc mãnh liệt trên cái mặt nạ này.
Các góc nhìn và những chi tiết trên mặt nạ Yama
Bảo tàng chỉ sưu tập được năm trong số tám bổn tôn phẫn nộ, ba mặt nạ còn lại là Mahakala (Hắc Đại Thiên)Paden Lhamo (Ban Đạp lạp mỗ) và có thể là Hayagriva (Mã Đầu Minh Vương)
Mặt nạ Mahakala, Paden Lhamo và Hatagriva
Ngoài mặt nạ của những bổn tôn phẫn nộ, bộ sưu tập mặt nạ Cham của bảo tàng này cón có đại diện của mặt nạ người, mặt nạ thú nhưng không mấy phong phú, chỉ có cái mặt nạ Citipati tuyệt đẹp là xứng đáng để đứng trong bộ sưu tập này.

Mặt nạ Citipati (trái), người (trên phải) và chim Garuda
Thiếu sót lớn nhất là các chú thích rất vắn tắt và không mấy rõ ràng. Người xem không thể biết được tầm quan trọng của việc thực hành tôn giáo thông qua một hình thức múa nghi lễ. Bấy nhiêu thông tin như trong bảng giới thiệu bên dưới đây không đủ để lôi cuốn những người bình thường vào một mối quan tâm tới mặt nạ, Giả dụ như chỉ cần nói rằng, trong đời người chỉ một lần được xem múa Cham và quán tưởng tới các bổn tôn phẫn nộ, thì cận tử nghiệp sẽ nhẹ nhàng bởi các bổn tôn thần thánh này sẽ dẫn dắt người chết được đầu thai ỡ cõi lành. Chỉ cần vậy thôi mắt nạ đã có sức thu hút hơn nhiều (xin xem chi tiết về mặt nạ Cham ở đây: mat na cham)
Lời giới thiệu về mặt nạ của bảo tàng Thượng Hải
Lời giới thiệu này quả là vắn tắt nếu không muốn nói là hời hợt. Đặc biệt, khi ghép kịch Nuo vào cùng múa Cham rất dễ dẫn tới ngộ nhận về sự cùng nguồn gốc của hai loại mặt nạ hoàn toàn khác biệt này. Quá tiếc cho một bộ sưu tập quý nhưng được giới thiệu cho công chúng trong một cách rất tệ.

Bộ mặt nạ Nuo cũng rất đầy đủ và thuộc loại quý hiếm. chỉ tiếc rằng người xem không thể hình dung những mặt nạ này được sử dụng như thế nào trong không gian diễn xướng. Mặt nạ không cất lên được tiếng nói của mình!
Góc trưng bày mặt nạ Nuo
Tôi sẽ trở lại với Nuo trong một nghiên cứu chi tiết khác. Dưới đây là toàn bộ mặt nạ Nuo rất đẹp ở bảo tàng Thượng Hải.

Bộ mặt nạ Nuo trưng bày tại bảo tàng Thượng Hải
Đời sống của người và Thần vùng Quý Châu hiện lên mồn một nơi đây, có một bà cô già tên là Qui được xếp cạnh ông thần tuổi thọ tên là Chang Seng Tu Di (cột thứ nhất bên trái), hay có một ông thẩm phán chuyên làm việc điều tra xét xử (hàng dưới của cột thứ hai), có thổ địa Di Pan và học giả Gan (hai hàng dưới, cột thứ ba), có ông thầy tu (hàng trên, cột thứ 4), có Sang Wang, vị thần của những linh hồn thất lạc (ở giữa, cột thứ 5), có Quan Công (Guang Yu), nhân vật huyền thoại với khuôn mặt đỏ bừng không thể lẫn vào đâu, có vua, nữ thần lẫn với mõ làng (hàng thứ 6), đặc biệt hơn có hai vị thần hai sừng và một sừng giống như trong huyền thoại sáng thế của ngươi Dao (xin xem chi tiết tại đây: mat na san co).
Hình bên trái: Kai Shang Man Dian, một vị tướng tài năng chuyên diệt quỷ
Hình bên phải: Vị tướng sừng vàng ( dịch theo chú thích của bảo tàng)
Có thể tôi gặp lại Pangu của mình trong một biến thể tôn giáo khác, chắc rằng hai dân tộc này phải có một điểm tương đồng nào đó với cái mặt nạ đặc biệt này.

Có lẽ phải mất cả đời người để giải mã cho được ẩn ngữ đằng sau những dị thần có sừng trên khắp thế giới. Tôi đang mở dần những lớp cửa xung quanh vùng bí ẩn và đang cóp nhặt những niềm vui từ đó, như một phần thưởng cho thú chơi rất rất cô đơn này.

Những cái mặt nạ nằm lặng yên trong bảo tàng đang đối thoại với tôi về cuộc sống thực của nó. Bạn sẽ không bao giờ hiểu hết cuộc đời của một chiêc mặt nạ nếu không trải nghiệm những khoảnh khắc mặt nạ sống đời sống thật của mình. Chia tay bảo tàng Thượng Hải, lòng dặn lòng phải đến cho được Tây Tạng và Quý Châu, phải đến dẫu chỉ một lần trong đời.

No comments:

Post a Comment