Wednesday, 16 October 2013

Mặt nạ người chết - Death Mask

Mươi bữa nay cả nước muốn sôi lên với đám tang tướng Giáp. "Cái quan" đã rồi nhưng "định luận" thì e rằng còn rối lắm. Bên tôn sùng thì bốc thơm tới trời, bên phản bác cũng trưng ra lắm lý lẽ thuyết phục. Âu cũng là chuyện thường tình khi đánh giá sự nghiệp của những người nổi tiếng - những người mà tầm vóc và tư tưởng còn thiếu hẳn một "level" để khỏi phải chịu đều tiếng thị phi của bậc Thánh thần.

Khi nghĩ về cái chết của những vĩ nhân, tôi thường liên tưởng tới nghệ thuật làm mặt nạ người chết (death mask) của phương Tây. Lưu danh hậu thế bằng tượng đồng, bia đá thì nơi đâu cũng có, nhưng giữ lại khuôn mặt của mình khi chết có lẽ chỉ có ở phương Tây*. Cái nghệ thuật rùng rợn này coi vậy mà cũng kỳ thú lắm!

Truyền thống này có lẽ bắt nguồn từ Ai Cập cổ đại nhưng không tiếp diễn sau này nữa. Khi các Pharaong chết đi, khuôn mặt ngài được đắp bằng một cái mặt nạ, đây hình ảnh lý tưởng của ngài ở thế giới bên kia.

Mặt nạ Tutankhamun được làm bằng vàng ròng, nặng khoảng 11kg, trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập ở thành phố Cairo
Người La Mã xưa làm mặt nạ cho người chết bằng sáp, mặt nạ này được sử dụng trong suốt tang lễ và sau đó dùng làm hình ảnh chuẩn để điêu khắc tượng người quá cố.

Mặt nạ người chết La Mã, nguồn: http://photographic-memory.me/2012/10/14/sarcophagus-of-the-amazons/img_0868/
Phải tới cuối thế kỷ 14, kiểu làm mặt nạ người chết mới lan tới và phổ biến tại các vương quốc châu Âu, mặt nạ lúc này không những được dùng trong đám tang mà còn có mục đích lưu truyền cho hậu thế nữa. Rất nhiều danh nhân chính trị, văn hóa trong giai đoạn này vẫn còn lưu lại mặt nạ sau khi chết của mình.
Mặt nạ Napoleon được thực hiện bởi bác sĩ người Anh Francis Burton, 2 ngày sau khi ông chết
Những thế kỷ sau đó; khi kỹ thuật nhiếp ảnh chưa được phát minh và phổ biến; mặt nạ người chết còn được dùng trong khoa học pháp y. Bằng cách làm mặt nạ cho những người chết vô thừa nhận các nhà chức trách muốn lưu lại những căn cứ cho việc nhận dạng và điều tra về sau. Cái công việc nhàm chán và ghê rợn này trong một phút lóe sáng đã để lại cho nhân loại một mặt nạ người chết bất hủ có tên là "Người phụ nữ vô danh của sông Seine" (L'Inconnue de la Seine)

Người phụ nữ vô danh của sông Seine (L'Inconnue de la Seine)

Chuyện kể rằng vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 19, người ta vớt được xác một phụ nữ vô thừa nhận dưới sông Seine. Xác người phụ nữ này không có bất kỳ dấu vết bạo lực nào khiến cho người ta hướng nghi ngờ về một vụ tự tử, câu chuyện có thể sẽ dừng lại bằng một dòng tin vặt; về một vụ tự sát xảy ra nhan nhản ở Paris thời đó; nếu không có hành động cứu rỗi cái đẹp của một nhà bệnh lý học tại nhà xác Paris.

Bị choáng váng bởi cái đẹp quá thánh thiện của xác chết, nhà bệnh lý học này đã đổ khuôn để làm mặt nạ  của người phụ nữ vô danh. Câu chuyện đã trở thành huyền thoại khi nó lan ra ngoài công chúng bởi mâu thuẫn giữa dung nhan đẹp đẽ của khuôn mặt với biểu hiện rùng rợn phải thấy của một cái xác chết trôi. Người ta nghi ngờ rằng mặt nạ này phải được làm từ khuôn mặt của một thiếu nữ chừng 16-17 tuổi với làn da căng tràn sức sống.

Cho dẫu những tranh cãi xung quanh mình, "L'Inconnue de la Seine" đã trở thành biểu tượng của cái đẹp và được rất nhiều nghệ sĩ tại các nước châu Âu ca ngợi. Albert Camus còn gợi thêm sự tò mò của công chúng khi so sánh nụ cười của cô với Mona Lisa, khiến dậy lên những suy đoán về manh mối giữa những biểu hiện hạnh phúc kỳ lạ trên khuôn mặt cô với cuộc sống, cái chết và vị trí của người dàn bà vô danh này trong xã hội. Xót xa hơn, Ernst Benkard một tác gia người Đức trong cuốn Das letzte Antlitz xuất bản năm 1926 mô tả 126 mặt nạ người chết đã thốt lên rằng: cô ấy "như một cánh bướm mong manh trước chúng ta, những kẻ vô tâm và hời hợt, đã làm cho nó chảy tan bằng cách đẩy đôi cánh này vào ngọn đèn cuộc sống" (xem thêm:http://en.wikipedia.org/wiki/L%27Inconnue_de_la_Seine#cite_note-guardian-1).

Chao ơi! Sao người châu Âu yêu cái đẹp mê đắm đến vậy? Nhân loại hẳn sẽ được cứu rỗi nếu loài người còn biết yêu những cái đẹp kiểu này, một vẻ đẹp hiếm hoi và duy nhất trong cái thế giới đen tối và đầy ám muội của mặt nạ người chết

"Anh và tôi, chúng ta mang rất nhều mặt nạ trên khuôn mặt mình", bà Natalia Mutshits trong cuộc triển lãm mặt nạ người chết có tên là "Mask shocks" tại Moscow hồi tháng 6 vừa rồi nói:" chúng ta cười nói, chúng ta kiểm soát tất cả mọi biểu hiện của mình trong cuộc sống thường nhật. Nhưng ở thời khắc của cái chết, khuôn mặt thật của mỗi người mới được lộ diện. Khuôn mặt thật là mặt nạ người chết" (xem thêm: http://themoscownews.com/arts/20130603/191571812.html).


Mặt nạ Lenine được thực hiện bởi Sergei Merkurov, bậc thầy mặt nạ người chết Nga dưới thời Soviet
Mặt nạ người chết thường được thực hiện ngay sau khi cái chết xảy ra nhằm để lưu giữ lại đúng thần thái của nhân vật khi còn sống. Theo nhân sinh quan Phật giáo, tất cả những hoạt động thể chất và tâm lý của người sắp lâm chung được bộc lộ ra do một nghiệp gọi là "cận tử nghiệp". Có một sự chuyển biến thần thức dữ dội khi con người trải qua giai đoạn này, những ác nhân như luyến ái của lòng tham sống, sự trì kéo bởi thân nhân hay sự trả thù bởi oan gia, trái chủ sẽ tạo ra thần thái của súc sinh và ngọa quỷ. Ngược lại, người có căn tu, lúc chết gặp thiện duyên sẽ bộc lộ thần thái thư thới và an lành, khuôn mặt không đươc như thánh thần, atula thì cũng được như mặt người lúc sống. Điều đặc biệt hơn ở nghiệp này là thời khắc cận tử đóng vai trò hết sức quan trọng, người ta cho rằng ý niệm cuối cùng trước khi chết là nguyên nhân chính tạo ra các hoàn cảnh sống cho đời sau. Vậy nên, qua gương mặt lúc chết hay đúng hơn là qua hình tướng cuối cùng cũng có thể đoán được cõi nào người chết sẽ được đầu thai trong kiếp sau. Death mask của phương Tây mặc dù không mang ý nghĩa tôn giáo nhưng chắc cũng cố công bắt được cái khoảnh khắc cực kỳ đặc biệt, khoảnh khắc của "sự thật" theo phương Tây và "chân tướng" theo phương Đông trong đời người này.

Cái chết do tự sát hay bị ám sát của Mayakovsky cho đến nay vẫn là bí ẩn, nhưng mặt nạ chết của ông cho thấy một khuôn mặt bị biến dạng và méo mó chứng tỏ cái chết không yên lành chút nào**.
Không hiểu sao phương Đông không có truyền thống làm mặt nạ người chết, có lẽ người phương Đông duy tâm hơn là duy lý. Cái duy tâm này thể hiện qua nỗi sợ hãi: sợ ma, sợ thần quyền và cái sợ lớn nhất có lẽ là sợ đối diện với sự thật. Làm sao hậu thế dám lưu lại hình ảnh vua, lãnh tụ hay những huyền thoại của chế độ trong một hình hài thật không phấn son của tuyên truyền. Người phương Tây rất rạch ròi trong phân biệt, nếu muốn lưu danh hậu thế trong cái vỏ hào quang, hãy làm mặt nạ người sống - "live mask" nhưng hãy để "death mask" làm công việc phô bày sự thật của "sự thức tỉnh sau cùng"*** khi anh chết đi.

Tái bút: Con người ta, dù là thường nhân hay vĩ nhân, dù có được hiển thánh hay được/tự/bị phong thánh, đều không tránh khỏi "sinh, thành, hoại, diệt". Một cuộc đời nếu đạt được tiêu chuẩn phổ quát của dân gian rằng: "sống hạnh phúc, chết bình an", có lẽ cũng là một cuộc đời đáng mơ ước. Mọi người đều đánh giá tướng Giáp anh hùng, đảm lược này nọ nhưng tuyệt không thấy ai nói rằng ông đã sống cuộc đời hạnh phúc. Phải chi tướng Giáp để lại một cái mặt nạ chết cho hậu thế, hẳn lúc đó dân gian có thể định luận được nhiều điều về cuộc đời ông.

Chú thích:

*: Có tác giả cho rằng ướp xác cũng là một cách thể hiện mặt nạ, tôi không cho là như vậy, truyền thống làm mặt nạ người chết chỉ phổ biến từ thế kỷ 14 trong cộng đồng theo Kitô giáo mà thôi.thêm

**: Xem thêm: Valentin Skoriatin, Bí ẩn về cái chết của Vladimir Maiakovski, Lê Khánh Trường dịch từ nguyên bản tiếng Nga, NXB Trẻ, 2002.

***: Cái chết - giấc ngủ cuối cùng? Không, đó là sự thức tỉnh cuối cùng. (Death - the last sleep? No, it is the final awakening). Danh ngôn của nhà văn Walter Scott

Tham khảo thêm:
(1): Undying Face (http://www.undyingfaces.com/info/)
(2): Chùm ảnh: Những chếc mặt nạ bất tử (http://www.baomoi.com/Chum-anh-Nhung-chiec-mat-na-bat-tu/152/11814450.epi)


No comments:

Post a Comment