Một cái mặt na quí của tôi, sưu tầm tại Sapa năm 2003 (Sau này mới biết đây là mặt nạ thần Bàn Cổ, xem thêm: Mặt nạ Sán Cô) |
Nhớ thời xưa ngoài Huế có tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ, lúc đó mình còn nhỏ nghe “hiếu cổ” mà chẳng hiểu là gì. Sau này lớn lên, lui tới chùa chiền, được mấy Thầy dạy cho hiểu lẽ hiếu sinh, mới vỡ ra rằng “hiếu” trong ngữ cảnh này cũng tựa như yêu vậy. Tôi vốn yêu nhiều thứ, nói nôm na là có nhiều “hiếu”, trong đó có cái lớn nhất là hiếu kỳ. Mà hiếu kỳ nói nôm na là ưa mấy cái đồ là lạ. Trong mấy cái đồ là lạ thì mặt nạ cố nhiên là thứ lạ nhứt rồi.
Thấy rồi đâm yêu, yêu thì cố giữ, giữ nhiều rồi ra sưu tập. Cuộc đời vòng vo trong cái sự tham lam, mê muội tới vậy là cùng!
Sau này lớn thêm chút nữa, bôn tẩu ngoài đời, đời nó đập cho "toe tua xác pháo". Có chút thời gian ngồi lại, soi gương, soi đời, mới nhận chân ra rằng ai cũng có mặt nạ của chính mình, ai cũng phải sống với mặt nạ của mình và hình như ai cũng mơ hồ sợ một lúc nào đó mình bị "rớt mặt nạ". Cái sự yêu bây giờ cũng nhuốm phong sương, chìm xuống một chút, trầm tích một chút, siêu hình một chút và còn cả một chút triết lý cùn cùn.
Tôi khởi đi với mặt nạ bằng những yêu chiều cảm tính như vậy nhưng nghiên cứu mặt nạ thật sự là những trải nghiệm lý tính, song hành với thế giới tâm linh và ẩn tàng những ẩn dụ văn hóa bên trong chúng. Mỗi cái mặt nạ là một câu chuyện. Khi cầm nó trên tay, tôi bắt đầu hành trình đánh thức óc hiếu kỳ, thúc đẩy năng lực khám phá và kết thúc hoặc dường như không bao giờ kết thúc "câu chuyện" đầy lý thú của chúng.
Người ta đeo mặt nạ bởi hai lẽ, hoặc là cố tình che giấu mình đi, hoặc là để thể hiện một người khác ngoài mình. Cho dù ở trong tâm thế chủ động hay bị động, người đeo mặt nạ đều phải đánh mất bản thân mình, chính sự vong thân này tạo nên bí ẩn lớn lao của mặt nạ.
Có một học giả bên Trung Quốc nói đại ý rằng: khi không đeo mặt nạ thì ta là người, nhưng đeo mặt nạ vô thì ta trở thành thánh thần hay ma quỷ. Câu hỏi đặt ra ở đây là về mối liên hệ giữa mặt nạ và người đeo nó, liệu bản thể con người có áp đặt khách thể mặt nạ hay ngược lại?
Có lúc bản thể tuyệt đối không tồn tại khi người đeo mặt nạ thể hiện hình ảnh của tổ tiên, thánh thần hay ma quỷ trong những lễ nghi, cúng tế. Lúc đó người đeo mặt nạ chỉ là cái vỏ vật chất làm cầu nối cho một linh hồn bên ngoài nào đó mà thôi. Nhưng hãy quay sang nhìn kịch Noh Nhật Bản (xem: Mặt nạ kich Noh), múa Hanhoe Hàn Quốc, kịch Dixi Trung Quốc hay Commedia delf Arte (hài kịch ứng khẩu) bên Ý, khuôn mặt nhân vật trong những loại hình kịch này được trình diễn hoàn toàn qua mặt nạ, vậy mà bóng dáng của người nghệ sĩ nào có không in dấu trên vai diễn của mình. Mỗi động tác quay mặt, mỗi cái góc ngước nhìn cũng đủ cho họ thể hiện những xúc cảm vi tế truyền cho cái mặt nạ tưởng như vô hồn đó.
Dường như có mức độ tương quan giữa sự phong phú của mặt nạ với bản chất và bề dày văn hóa của một dân tộc. Châu Phi bản năng và hoang dại với những đường nét thô ráp tự nhiên đầy bí ẩn (xem: Mặt nạ Trung Phi), Châu Âu huy hoàng và tráng lệ cùng những mặt nạ lộng lẫy và cầu kỳ, Á Châu thẳm sâu và minh triết với những đường nét ẩn dụ đầy biểu tượng. Mỗi một nền văn hóa tự chọn cho mình cách thể hiện mặt nạ phù hợp với nội hàm văn hóa của chính nó.
Không thể phủ nhận khía cạnh tâm linh quá mạnh mẽ của mặt nạ. Người ta không thể nhìn mặt nạ như nhìn một pho tượng thông thường. Ẩn chứa đằng sau một mặt nạ là một câu chuyện của linh hồn, đó có thể là người thật như sự hiện diện của tổ tiên trong mặt nạ của người La Mã hay châu Phi cổ, đó có thể là thần thánh hay người bảo hộ cho một cộng đồng, bộ lạc, đó có thể là ma quỷ hay động vật, đó có thể đại diện cho một cồng đồng người gồm anh hùng, học giả, gian phun, dâm phụ, nịnh thần trong kịch nghệ Á châu. Con người đối xử với mặt nạ thường trong một vẻ tôn kính, e dè như nỗi sùng bái và sợ hãi siêu nhiên luôn tồn tại trong tâm thức của nhân loại (xem: Mặt nạ giấy của người Dao).
Bạn có bao giờ thấy mặt nạ của người chết (death mask, xem: Mặt nạ người chết)? Người phương tây lý tính luôn cố giữ lại những bằng chứng, họ đổ khuôn để lưu giữ lại khoảnh khắc cuối cùng của những vĩ nhân hay tội đồ, những con người có tác động lớn tới lịch sử nhân loại.
Bạn có thấy nụ cười buồn, khinh mạn nhưng cam chịu luôn thường trực trên mặt nạ Guy Fakes (xem:Mặt nạ Guy Fakes)? Cái mặt nạ của những kẻ chiếu dưới trong những cuộc biểu tình trên khắp thế giới. Thường khi xuất hiện là dấu hiệu của một cuộc cách mạng đang đến gần.
Bạn sẽ thấy mặt nạ Mahakala xuất hiện trên nóc nhà thế giới Hymalya do những thầy tu múa trong hội mừng năm mới của người Tibet (xem: Mặt nạ Cham), xuôi xuống châu thổ sông Hằng, ra tới Ấn Độ dương bạn sẽ bắt gặp mặt nạ Naga trên đảo quốc Srilanca cô độc (Mặt nạ Srilanka). Bạn sẽ thấy bóng dáng phụ nữ trong một Venice yêu kiều ẩn dấu dưới mặt nạ Volto kiêu sa hay Morreta bí ẩn (xem: Mặt nạ Venice). Ngang qua châu Phi đen bạn sẽ gặp nền văn hóa mẫu hệ với phụ nữ là nhà cai trị, mẹ bề trên hay là một tổ tiên đầy quyền năng trong mặt nạ của người Punu. Vắt qua phía nam Hoa Lục là những mặt nạ Nuo của vùng Quý Châu ( xem: Mặt nạ Nuo) đặc sắc không kém gì người Hán ở phương bắc. Một mảnh văn hóa khác trôi dạt ra xứ Phù Tang tạo nên những giấc mơ hư ảo của mặt nạ kịch Noh, cùng với một phản đề của nó là mặt nạ Okame đậm chất phồn thực trong hình hài vui nhộn (xem:Mặt nạ Okame).
Ôi những cuộc hành trình! Liệu tôi có "lạc mất lối về" không khi cố công tìm hoài mà không thấy đâu một mặt nạ bản sắc Việt. Nước Việt nhạt nhòa!
Nhân loại sẽ "nghèo" đi rất nhiều nếu không có mặt nạ. Hẳn nhiên. Nhưng liệu nhân loại có "giàu" lên không với mặt nạ của chính mình?
Hỏi để trà lời. Giàu có hay không là tại người dùng và mục đích sử dụng. Riêng tôi, tôi đang thực sự nghèo đi vì phí tổn cho việc sưu tầm càng ngày càng lớn và đang không có dấu hiệu dừng lại. Nhưng tôi cũng đang rất "giàu có" bởi những phần thưởng văn hóa và tinh thần cũng như những quan hệ bạn hữu trên khắp thế giới mà tôi có được nhờ thú chơi khá đặc biệt này.
Hãy rong ruổi cùng tôi trên hành trình có tên là mặt nạ. Tôi chắc rằng sẽ không bao giờ có điểm dừng trên chuyến viễn du vô cùng tận này.
“Hãy sống như những con tàu phải lòng muôn hải lý
Mỗi ngày ra đi
Bỏ lại sau lưng nghìn hải cảng mưa buồn"
(Thơ Trần Dần)
"Của tin gọi một chút này làm ghi" (Kiều - Nguyễn Du), những trang blog này ra đời để vì đam mê dành cho mặt nạ và cũng là nơi chia sẻ những ưu tư đời cùng ước vọng được sống với "bản lại diện mục" mà không phải che đậy một lớp mặt nạ nào.
Saigon - Tháng 9&10/2011
1st Review March 2015