Monday, 2 September 2013

Mặt nạ Kinh kịch hay là cách người Trung Hoa kiếm tiền từ di sản



Những mong có ngày mở một tiệm bán mặt nạ. Trước là để thỏa mãn thú chơi, sau nữa để có cơ hội giới thiệu mặt nạ nước mình với bạn bè thế giới, sau rốt nữa là mong có đồng vô đồng ra. Không chừng lúc đó làm chơi mà ăn thiệt, mấy năm nay kinh tế suy thoái quá, cái việc mình làm thiệt nó đã giết mình dễ như chơi rồi!

Mình nói như vậy là có căn cứ hẳn hoi, cứ nhìn lên ông anh trên đầu mình, coi cách họ kiếm tiền từ di sản mặt nạ Kinh kịch. Không thấy thèm mới lạ!

Cửa hàng bán mặt nạ ở Miếu Thành Hoàng Thượng hải
Đây là cái cửa hàng tôi ghé chơi bữa tháng 6 vừa rồi, ngó "lùm xùm" vậy thôi chứ không thiếu cái gì liên quan tới Kinh kịch.
Bên trong cửa hàng bán mặt nạ và các đạo cụ của Kinh kịch
Thấy cửa hàng này mắt tôi cứ sáng quắc lên nhưng bụng bảo dạ ngậm cái mồm im thin thít, lỡ mà nói tiếng nước ngoài thì chết ngay với mấy chú bán đồ lưu niệm. Quả đúng vậy, cô đồng nghiệp của tôi nói tiếng Hoa như người địa phương giúp tôi sưu tập được chừng hơn hai chục cái mặt nạ với giá rẻ không ngờ.
Mấy cái mặt nạ sưu tầm được tại cửa hàng bên trên
Những cái mặt nạ này chỉ thuộc loại "hàng chợ", form mặt nạ được đúc hàng loạt, họa tiết thì vẽ tay nhưng nét vẽ không được tinh xảo chứng tỏ người thợ phải làm nhanh để có sản lượng lớn. Ở đây không bàn về chuyện thẩm mỹ, nói về sự nhanh nhạy của người Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường thì đây là một ví dụ điển hình. Cái kiểu mặt nạ này tôi thấy bán tại rất nhiều điểm du lịch trên khắp Trung Quốc, tôi còn thấy nó tận ngoài đảo ... bên Malaysia. Giá cả thì muôn hình vạn trạng, hỏi trên phố mua sắm Nam Kinh giá 35 nhân dân tệ một cái, nhưng mua ở của hàng bên trên giá chừng 5 nhân dân tệ mà thôi. Làm cái nghề một "vốn bốn lời" này làm sao không sống khỏe được.

Cái mặt nạ Kinh kịch đầu tiên tôi sưu tầm được mua tại sân bay Quảng Châu. Đây có vẻ là hàng thủ công chứ không phải hàng làm hàng loạt như sau này, có cả tem bảo đảm, chú thích tên nhân vật nhưng giá không hề rẻ chút nào: 220 tệ một cái.
Mặt nạ Yang Zhi (Dương Chí, thứ 17 trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc)- mặt nạ Kinh kịch đầu tiên tôi sưu tập được
Tem bảo đảm và chú thích
Giá không rẻ chút nào
Sưu tầm đã sáu năm về trước
Sau này trong những chuyến làm ăn bên Trung Quốc, hễ gặp đâu mua đó, bộ sưu tập của tôi giờ cũng tròm trèm 40 cái rồi. Lần đáng nhớ nhất là lúc cô Karen, bạn người Hoa của tôi, mua tặng tôi chừng 15 cái, mua trên mạng vừa nhanh lại vừa rẻ không hớ hẩm như tất cả các mặt nạ tôi mua trước đó. Nhờ kinh nghiệm này mà từ đó về sau tôi luôn có nguồn tham khảo về giá cả. Chứ cái nòi đã mê rồi thì tiền bạc đâu còn là điều đáng suy nghĩ.
Bộ sưu tập Ms.Karen tặng tôi
Điều đáng nói nhất trong những lần đi Trung Quốc là những trải nghiệm về cách người ta kiếm tiền từ di sản. Mặt nạ Kinh kịch chỉ là một phần trong di sản văn hóa đồ sộ của Trung Hoa, nó rất đặc trưng và nó là Trung Quốc. Vậy nên người ta chuyển tải hình ảnh này lên bất cứ bề mặt nào có thể được, chỉ tính cho lĩnh vực thời trang thôi, hình ảnh mặt nạ được thể hiện từ cái vòng đeo cổ, xuống cái áo T-shirt,  đến cái móng tay giả, lên giỏ xách thời trang và xuống tận cùng là đôi giày đi dưới chân. Quả là sáng tạo hết biết!
Trên cái thẻ bài đeo cổ (không xác định được nhân vật tên gì)
Khương Dy (Jiang Wei), Tu Xingsun, và .... trên T-shirt
Trên móng tay giả (Quá độc đáo!)
Trên giỏ xách
Trên giày dép
Có gì thú vị hơn khi đọc một cuốn sách về văn hóa Trung Hoa kèm với một cái đánh dấu trang có hình mặt nạ Kinh kịch. Có ngay: USD 20.97/cái, không đẹp không lấy tiền! Có nhu cầu gì mà người Trung Quốc không thỏa mãn được đâu.
Hạ Hầu Đôn-Xia Houdun (hữu tướng quân của tào Tháo) trên cái đánh dấu trang
Còn không biết bao nhiêu là ví dụ để có thể thấy sức sáng tạo trong việc kiếm tiền của người Trung Quốc. Di sản là sẵn có nhưng kiếm tiền một cách thông minh từ di sản thì không bao giờ có sẵn.

Trương Phi trên cái đồng hồ
Dou Erdun, thảo khấu với vũ khí là cái đinh ba nổi tiếng được vẽ giữa trán trên cà-vạt
Trên cái cài măng-sét

Có vẻ đơn giản và phổ thông hơn là thể hiện chúng trên các vật dụng thường ngày:
Hou Yi, Xiahou Dun, Su Xian và Jiang Zhong trên móc khóa
Hạ Hầu đôn trên hũ đựng tăm

Khương Duy, đệ tử của Gia cát Lượng,  khuôn mặt đặc trưng bởi cái bát quái giữa trán nằm trên vỏ điện thoại
Trên cây viết máy
Hou Yi, quý tộc mặt màu tía trên USB
Kong Xiu trên ly

Trên muỗng, đũa

Trương Phi trên ấm trà
Anh nào có thú uống bia, đánh bài, phì phèo thuốc lá và thích nghe guita, sẽ có bộ sưu tập độc đáo bên dưới:
Uống bia (mặt Ma Wu)
Hút thuốc (Mặt Kong Xiu)
Nghe nhạc (mặt Yang Lin?)
Đánh bài (Trương Phi là con già cơ)
Theo những mặt nạ thể hiện bên trên, có thể tưởng tượng ra trong ván bài đánh với Trương Phi mặt đen có thảo khấu mặt xanh Ma Wu mở bia, đệ tử là tướng tài Kong Xiu mặt đỏ (bị chết dưới tay Quan Vũ ) hầu điếu đóm, trong khi đó hoàng tử mặt trắng Yang Lin chơi đàn phục vụ cả bọn thì quả là có gì bằng. Tuy nhiên phải nhớ rằng nhạc ở đây không phải là "Thập diện mai phục" hay "Bình sa lạc nhạn" chơi bằng cổ cầm mà là heavy metal rock chơi bằng guitar điện!

Cái truyền thống, cái di sản cứ thế mà chảy rần rần trong đời sống Trung Quốc đương đại. "Chữ lợi làm đầu", phương châm này cứ thế len lỏi vô từng ngóc ngách cuộc sống, rất giản đơn và không câu nệ bởi nguyên tắc hay chủ thuyết nào.

Truyền thống bổ sung cho truyền thống - Mặt nạ và nơ Trung Quốc
Tôi chắc là không mấy người Trung Quốc liên quan tới việc buôn bán này hiểu được ẩn ngữ của mặt nạ Kinh kịch. Nhưng điều tôi lấy làm lạ là không ai vẽ sai cả. Dường như có một nguyên tắc phổ quát chi phối hay đúng hơn là mặt nạ Kinh kịch đã thiết lập được một chuẩn mực "ngôn ngữ" của mình. Có thể bạn không biết nhân vật đó tên là gì, nhưng nhận vật đó cho dù được vẽ ở Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu đều có những nét cơ bản giống nhau không sai chạy.

Chuẩn hóa là điệu kiện tiên quyết đầu tiên để một sự vật trở nên lớn. Sau lớn sẽ là vĩ đại. Phở của người Việt không thể lớn được bởi bắc, trung, nam, nước trong, nước ngoài mỗi nơi nấu một phách. Cơm chiên Dương Châu không những lớn mà còn vĩ đại bởi vì tiêu chuẩn của nó là tiêu chuẩn toàn cầu!

Không thể, nhưng chẳng đặng đừng mà phải so sánh Tuồng và Kinh kịch. Có chuẩn mực nào cho Tuồng Việt? Nếu có, nó có thấm được xuống nhân dân? Hay nói nôm na, Tuồng có ra được ngoài chợ kiếm tiền như bên Trung Quốc?

Mong mặt nạ Tuồng nước mình xuống tới chợ lắm thay!

Góc Trung Quốc trong bộ sưu tập của tôi




P/S: Tôi nghĩ ngẩn ngơ rằng chắc có một nơi mà mặt nạ Kinh kịch chưa xuất hiện. Đó có lẽ là trên lon/chai bia. Tại sao Trung Quốc không có bia mặt nạ nhỉ? Thời buổi đểu giả này có lắm thằng giả say đeo mặt nạ lắm chứ!


No comments:

Post a Comment