Sunday 21 April 2013

Mặt nạ thiêng: Rangda và Barong - Giữa cái ác và điều thiện


Tôi không hiểu sao cái ác lại thường ẩn trú trong hình hài của phụ nữ. Ta rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh mụ phù thủy, bà dì ghẻ độc ác trong rất nhiều  câu chuyện dân gian hay những huyền thoại. Phải chăng cái ác của đàn bà thường giản đơn? Rangda, một thiếu phụ - nữ hoàng quỷ trong truyền thuyết Bali, có lẽ góp thêm một ví dụ cho nhận định này. Tuy nhiên câu chuyện bên dưới đây không hề giản đơn như quan niệm thiện - ác dân gian thông thường.

Rangda đại diện cho bóng tối, các thế lực hắc ám và liên quan tới linh hồn của người chết. Rangda đeo mạng che mặt, nhô ra răng nanh giống heo rừng, với cái lưỡi đang cháy phồng lên, đôi mắt đỏ ngầu, tóc tai dài thòng, rũ rượi và kéo lê lết.

Mặt nạ Rangda trong bộ sưu tập của tôi
Có rất nhiều những ám chỉ trong cách thể hiện khuôn mặt Rangda: đôi mắt lồi lên với cái nhìn sòng sọc phản ánh sự tức giận và độc ác của một tính cách vị kỷ. Bộ nanh sắc lẻm và vặn xoắn nhắc ta rằng đây là một mãnh thú tàn nhẫn. Cái lưỡi dài bốc lửa mãi mãi đói mồi, hứa hẹn sẽ đốt cháy tất cả những gì trên hành trình mà nó quét qua. Quả là không có một hình ảnh ác thần nào hoàn hảo đến như vậy!

Khắc tinh của Rangda là Barong. Barong hiện thân trong hình hài của một con sư tử dị thường, là biểu tượng của thần ánh sáng, vị thần bảo vệ sự bình yên của xóm làng.

Mặt nạ Barong trong bộ sưu tập của tôi
Biểu tượng của ánh sáng được thể hiện rõ ràng bởi những trang sức bằng vàng lóng lành trên mặt nạ và thân thể của thần Barong.

Một mặt nạ Barong khác, có kỹ thuật chạm lộng rất tinh xảo, trong sưu tập của tô
Mặt nạ Barong nguyên thủy được làm từ gỗ Pule, một loại gỗ đặc biệt được người ta tin là có những tính chất huyền diệu. Những bộ phận  khác như lông cũng được làm từ các vật liệu đặc biệt khác là lông công và bờm ngựa. Người ta cũng chỉ chế tác các bộ phận này vào những ngày đặc biệt được cho là ngày tốt trong tín ngưỡng Bali-Hindu mà thôi. Cuối cùng là hai buổi lễ có tên Pasupati và Mejaya-java nhằm chứng thực sự hoàn tất của chiếc mặt nạ. Pasupati là buổi lễ nhằm mời thần linh đi xuống trú ngụ để ban phát tinh thần và quyền năng cho chiếc mặt nạ.  Mejaya-java, thường được tổ chức trong các ngôi chùa lớn, là buổi lễ ban phước lành, bước cuối làm cho mặt nạ Barong trở nên linh thiêng. (theo http://www.baliaround.com/barong-and-rangda-balinese-two-opposites/ )

Mặt nạ Barong và họa tiết
Barong và Rangda xuất hiện trong truyền thuyết Calon Arang của văn học Java cổ có từ thế kỷ 11-12. Theo bản thảo viết tay này, câu chuyện xoay quanh nỗi đau của một góa phụ, tên là Calon Arang, có đám cưới của con gái Ratna Manggali, đã bị hủy bỏ bởi nhà vua Airlangga, cũng là người hôn phối. Nguyên nhân cuộc hôn phối không thành do tin đồn rằng góa phụ mẹ cô gái một phù thủy, người chịu trách nhiệm về những tai ương trong quá khứ và các đại dịch cúm tại vương quốc này. 

Tin đồn là không công bằng cho cô dâu xinh đẹp, nhưng đó là sự thật, rằng mẹ cô thực sự có một số loại năng lực có thể gây ra thảm họa như vậy. Bởi sự giận dữ và thất vọng về phía vua và người dân, bà  triệu tập quyền năng của mình để gây thảm họa trong vương quốc như hạn hán làm mùa vụ thất bát, trẻ con mang bệnh bí ẩn bí ẩn rất nhiều người chết. Để chống lại bà, một sứ thần hàng đầu của vua là Empu Bharadat quyết định ra tay. Sau khi tọa thiền cầu nguyện Trời đất, ông hóa thân thành Barong trong hình hài của con sư tử huyền thoại, còn người thiếu phụ trở thành Rangda trong hình hài kinh dị như trên.

Barong đấu với Rangda (nguồn: www.fortport.com)
Trong hồi cuối của câu chuyện, Barong hầu như đã thua cuộc, tuy nhiên tình thế trở nên có lợi cho Barong khi một  nhóm trai tráng nhảy vào giúp sức cho ông. Rangda phải vất vả chống đỡ, nhưng đột nhiên chỉ bằng một cú đánh bí ẩn, bà làm cho tất cả trai tráng ngã lăn ra, một số trở nên đờ đẫn và dùng dao găm tự đâm vào mình, nhờ vậy Rangda thoát ra và chạy trốn trở lại. Sau đó Barong xuất hiện để hồi sinh lại cuộc sống cho đám trai tráng bằng nguồn năng lượng phi thường của mình. Mọi chuyện rồi cũng tốt đẹp trở lại và câu chuyện lửng lơ kết thúc.

Rangda và người dân trong vương quốc (nguồn: members.virtualtourist.com)
Hình thức trình diễn Calon Arang có tính chất lễ nghi hơn là giải trí thuần túy. Tương tự như lên đồng ở Việt Nam, diễn viên và người tham dự cùng tham gia trong một không gian nghi lễ huyền bí lúc nửa đêm, họ bị thôi miên bởi một điệu nhảy có tiết điệu đều đều, rờn rợn, đầy kích động. Người tham dự được khuyến cáo không bỏ về giữa chừng bởi họ sợ rằng nhiều linh hồn, cũng đang trên đường tham dự lễ rất dễ va phải họ. Có một kết nối tâm linh thật sự giữa nghệ sĩ - mặt nạ - nhân vật, người ta tin rằng hiệu quả tâm linh này là do chính những năng lực kỳ bí của mặt nạ đem lại.

Khuôn mặt Rangda
Khi nghĩ về nỗi sợ có một khuôn mặt, một hình hài, một tiết điệu và một kiểu chuyển động. Hãy nghĩ tới Rangda. Thực ra Rangda là một hiện thân khác của nữ thần Kali, có quyền năng thiêng liêng được hướng vào chức năng phá hủy và chuyển đổi, bởi vì bản chất siêu nhiên của cái mặt nạ mà người mang nó được thừa nhận quyền lực của thần thánh nhưng không sợ bị trừng phạt. Đó cũng là điểm khác biệt căn bản nhất giữa mặt nạ thiêng (scary mask) và mặt nạ thông thường.

Mặt nạ thiêng thường vay mươn một vài hình thức của thiên nhiên nhưng không bao giờ "tự nhiên" vì mục đích của nó nhằm thể hiện hay đại diện cho một tính cách phổ quát. Để làm được điều này, mặt nạ nhấn mạnh những đặc điểm cần thiết nhất định hoặc kết hợp các hình thức khác nhau sẵn có trong thiên nhiên. Rangda được ám chỉ là lửa, được trú ngụ trong hình hài của ác thú và được thể hiện ra hình thức vật chất qua những đường nét sắc nhọn. Trái lại, Barong là ánh sáng, trú ngụ bên trong thánh thần và được thể hiện bằng những nét mềm, tròn trịa. Ngôn ngữ thông thường của mặt nạ thiêng không nhấn mạnh vào sự tả thực mà chú trọng tới cái cảm giác buộc ta phải nghĩ tới khi nhìn vào.

Như trong câu chuyện Barong - Rangda , mặt nạ thiêng không chỉ đại diện cho thiên thần hay các vị thánh mà còn đại diện cho ma quỷ là những thế lực hắc ám theo cách nghĩ thông thường. Bao trùm lên tất cả là quyền lực của chủ thể mà mặt nạ đó đại diện, Rangda gieo rắc sự sợ hãi nhưng bà luôn được sùng kính bởi vì khả năng mang đến cái chết là một phần cần thiết của sự sống.

Với những tôn giáo độc thần, việc dùng mặt nạ trong các nghi lễ chỉ là một hình thức của sự sùng bái thần tượng. Trái lại, trong các tôn giáo đa thần, mặt nạ không ám chỉ một thực thể tối thượng nào, chúng có nhiệm vụ nhân cách hóa các xu hướng vận động của xã hội. Câu chuyện Barong - Rangda, không hẳn là câu chuyện giữa thiện - ác, chính - tà, tốt - xấu mà là câu chuyện về sự xung đột giữa những thế lực đại diện cho những tín điều khác nhau: Rangda chiến đấu vì con gái trong khi vua chiến đấu vì thần dân của mình.


Barong - Rangda: Giữa điều thiện và cái ác
Tất cả điều có lý do hợp lý để tồn tại và mâu thuẫn này vẫn tiếp tục chừng nào còn nhân loại. Sẽ không có bên thắng cuộc hay bên thua cuộc trong cuộc chiến này, vì thế Rangda không chết và bà có thể trở lại bất cứ lúc nào.

Tái bút: Tôi viết những dòng này khi bà ngoại tôi, năm nay đã 106 tuổi, đang vất vả đi tìm cái chết. Chưa bao giờ sự giải thoát lại có ý nghĩa và được mong chờ như lúc này! Ngoài việc cầu xin đức Phật A Di Đà cho sớm được vãn sanh, tín ngưỡng của chúng ta không có một thần linh (thiên thần hay ác thần) nào khác đại diện cho phá hủy và cái chết. Phải chăng dân tộc ta không dám đối diện với cái điều nghiệt ngã nhưng tất yếu này? Nếu quả thật vậy thì đây không chừng chính là nguồn gốc của rất nhiều hệ lụy cho hiện tình đất nước: mọi thứ cứ dở sống, dở chết, bám víu theo phương châm "thà ngắc ngoải còn hơn chết hẳn" đang rất thịnh hành.


No comments:

Post a Comment