Tuesday, 31 May 2016

Bắc Kinh: Phiêu linh cùng Kinh kịch


Bắc Kinh luôn gợi trong tôi những ám ảnh nặng nề vì có quá nhiều máu, có quá nhiều oán hồn, có quá nhiều âm mưu và thù hận đã xếp lớp nơi đây dọc dài theo 3000 năm lịch sử của nó. Quả thật không có một nhu cầu thuộc về cảm xúc nào thúc giục tôi tới nơi đây, ngoài mong ước một lần được coi Kinh kịch tại cái nơi đã làm cho nó nổi tiếng này.

Bá Vương biệt Cơ (霸王别姬)

Phải coi Kinh kịch mới có thể hiểu rằng tại sao những mặt nạ của nó có sức quyến rũ lạ thường tới vậy. Không có thước phim hay bức ảnh nào có thể diễn tả được những biểu cảm của chuyển động trên gương mặt. Những mảng màu và nét kẻ tạo nên một làn da thật chuyển động thật với cảm xúc của câu chuyện trên gương mặt diễn viên. Đó không phải là mặt nạ, đó là cảm xúc được biểu tượng hóa.

Độ mở khác nhau của mắt cho thấy những biểu hiện cảm xúc khác nhau của Hạng Vũ
Nhìn kiểm phổ (mặt nạ) đầy biểu cảm của Hạng Vũ với cái nét muộn phiền đổ bóng trên vẻ uy dũng, ta không thể không ngậm ngùi cho một anh hùng lỡ vận. Nghe vẳng lên lời réo rắt bi ai để giãy bày của nàng Ngu Cơ trong đoạn dạo đầu: Nhìn đại vương từ trong màn trướng giấc ngủ bình yên. Thiếp nơi đây khẽ bước ra ngoài mà sầu tình tản mạn. Nghe nỗi hận anh hùng mà Hạng Vũ đau đớn thốt ra lúc sa cơ: Sức dời núi, khí trùm trời/ Ô Truy chùn bước bởi thời không may!(1) mà không khỏi cảm khái cho chữ thời, chữ vận sao quá mong manh của một đời người.
Ngu Cơ và Hạng Vũ
Có bi kịch nào đau bằng bi kịch anh hùng không cứu nổi mỹ nhân! Ngu Cơ tuy phận thê thiếp nhưng nào phải mỹ nhân tầm thường, nàng mời rượu Bá Vương rồi múa kiếm họa theo mà hát: Quân Hán lấy hết đất/ Khúc Sở vang bốn bề/ Trượng phu chí lớn cạn/ Tiện thiếp sống làm chi. Rồi thừa lúc không ai chú ý liền rút gươm của Hạng Vũ mà tự vẫn.

Cảnh Ngu Cơ mời rượu Bá Vương
Mặt nạ Kinh kịch độc đáo ở chổ ẩn ý của nó. Hạng Vũ có kiểu mặt chữ thập điển hình cho các nhân vật chính diện hay dũng tướng với cách kẻ mặt hình chim cực kỳ đặc biệt và có một không hai trong Kinh kịch. Ám chỉ về một sự nghiệp dở dang hiện ra mồn một trên kiểm phổ của ông bằng ba chữ vạn (wan, 万) ở hai bên trán và giữa mặt. "Wan" trong Hán ngữ có nghĩa là không kết thúc, không có cơ hội để tới được đến cùng(2) .

Phục trang và mặt nạ Hạng Vũ trước giờ biểu diễn
Không thể không nghiêng mình trước điệu múa kiếm mà nghệ sĩ Mai Lan Phương sáng tác vào năm 1921 cho vở kịch này. Nàng Ngu Cơ uyển chuyển múa hai thanh trường kiếm ăn theo nhịp của từng bước chân, lúc khoan, lúc nhặt, lúc lả lơi, lúc quật cường cứ như thể những lưỡi kiếm đang hoài niệm về quá khứ oai hùng của Sở Bá Vương Hạng Vũ. Có chén rượu nào đắng như chén đắng của cuộc đời mà Quân Vương phải nuốt để tiêu đi nỗi sầu thế cuộc. Điệu múa kiếm này đã trở thành chuẩn mực và không thể thay thế trong mọi hình thức trình diễn của những nghệ sỹ sau bậc thầy Kinh kịch này.

Nàng Ngu Cơ và điệu múa kiếm
Bá Vương Biệt Cơ, một đoản khúc anh hùng nhưng gợi lên nỗi sầu thiên cổ của sinh ly tử biệt, của những ước nguyện không thành trong niềm nuối tiếc dở dang. Chất văn trong đoản khúc này lấn át chất võ, người xem miên man trong một điệu hát réo rắt bi ai, "như khóc nỉ non, dai dẳng bất tuyệt" (3), cùng ca từ đẹp như một áng thơ, được trình bày bởi một võ đán có cách dán hoa điển hình trong Kinh kịch. (xem thêm tại:nghe thuat ve mat na kinh kich)

Kiểm phổ của hoa đán Ngu Cơ
Khuôn mặt trái xoan, cằm nhọn, lông mày cong, hốc mắt hình quả hạnh nhân và miệng nhỏ chúm chím như một bông hồng hàm tiếu là các khái niệm lý tưởng của vẻ đẹp nữ tính Trung Hoa, đều được thể hiện trên khuôn mặt của Ngu Cơ. Đặc điểm của một võ đán (vai nữ thuộc võ) được nhấn mạnh trên nét kẻ mày xếch lên cùng với đôi mắt lớn hơn thông thường. Nét thẩm mỹ điển hình này đến từ màu sắc hóa trang của khuôn mặt được thoa phấn trắng, đánh má hồng cùng hốc mắt màu hồng sậm hơn chứa bên trong đôi mắt được kẻ chì đen tinh xảo.

Ngu mỹ nhân (虞美人) bước ra từ lịch sử và đi vào Kinh kịch đẹp đẽ, nhẹ nhàng, tự nhiên tựa như nhành Ngu Mỹ Nhân Thảo chếnh choáng bởi chung rượu hồng nhan tri kỷ (4), thứ mỹ tửu tựa một niềm mơ ước thiên thu không những của những đấng quân vương mà còn của cả đàn ông nhân loại này.

Nhị tướng quân

Kinh kịch là loại hình nghệ thuật lấy biểu diễn làm trọng tâm, nó chủ yếu coi trọng những động tác hình thể và nhấn mạnh vào việc thưởng thức âm nhạc cùng những khúc hát thông tục và dễ hiểu như văn nói, hoàn toàn không trau chuốt văn chương và từ ngữ. Nhị tướng quân là một chiết tử hí - phân đoạn kịch, đặc trưng cho nhận định này. Chiết tử hí này thể hiện trận đại chiến vô tiền khoáng hậu, cực kỳ nổi tiếng trong Tam Quốc Chí của La Quán Trung, giữa hai danh tướng Trương Phi và Mã Siêu lừng lẫy.

Mã Siêu và Trương Phi
Hầu như không có lời thoại, khán giả mãn nhãn với chiến bào lộng lẫy cùng một trận chiến khốc liệt được cặp kì phùng địch thủ múa bằng những động tác điêu luyện, một kết hợp hoàn hảo giữa vũ đạo và võ thuật của Trung Quốc.

Không khí chiến trận xuất hiện một cách dồn dập ngay từ lúc mở màn, khi cả hai diễn viên đều xuất hiện trong chiến bào với mũ linh soái đội trên đầu cùng bốn lá cờ khảo được coi như là dấu hiệu cho trạng thái sẵn sàng lâm trận (ngạnh khảo) trên vai.

Mã Siêu xuất hiện cùng điệu múa khiêu chiến với Trương Phi đang ở trong thành
La Quán Trung đã không tiếc lời mô tả và ước lệ hóa để Mã Siêu trở thành một vẻ đẹp gần như tuyệt mỹ của một trang nam tử trẻ tuổi. "Mã Siêu là một viên tướng trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, mình hổ tay vượn, bụng beo lưng sói, tay cầm một ngọn giáo dài, mình cưỡi con ngựa đẹp". Phục trang của Kinh kịch làm cho ngôn từ của La Quán Trung trở thành hình ảnh hiện thực, một hình ảnh đại diện cho hai chuẩn mực oai phong và mỹ miều của những vai tướng trẻ tuổi (Wusheng) trong Kinh kịch.
Phục trang và kiểm phổ của Mã Siêu
Phục trang của Mã Siêu là một sự kết hợp hài hòa giữa ba tông màu trắng, đen và xanh làm toát lên vẻ sang cả về cái đẹp của một công tử dòng dõi thế gia. Ở nhân vật này có sự kết hợp gần như là hoàn hảo của dung mạo, thể hình và phong độ. Khuôn mặt của Mã Siêu được hóa trang gần như trong đời thực với kiểu mặt trơn màu đỏ hồng kết hợp với điểm nhấn là hai vạch kẻ lông mày dựng đứng đại diện cho một võ tướng hiển hách oai phong. Phục trang và kiểm phổ tạo nên một Cẩm Mã Siêu - Mã Siêu Tuyệt Mỹ như một ước vọng lý tưởng về một trang nam nhi trong tâm tưởng Trung Quốc.

Trái với khuôn mặt khá đơn giản của Mã Siêu là kiểm phổ cực kỳ phức tạp của Trương Phi. Đây có lẽ là kiểm phổ đẹp và độc đáo nhất trong các kiểm phổ của Kinh kịch.
Phục trang và kiểm phổ của Trương Phi
Mặt của Trương Phi thuộc loại hoa kiểm (mặt hoa), dạng mặt chữ thập như của Hạng Vũ nhưng lại vẽ hình bướm. Màu mặt được xếp vào loại mặt đen do đường kẻ dọc giữa trán chia khuôn mặt làm hai nửa đối xứng có màu đen. Màu đen thể hiện tính cách khẳng khái, nóng nảy và bộc trực của những dũng tướng mà Trương Phi chính là đại diện điển hình.

Thật kỳ lạ rằng khán giả tuyệt nhiên không nghe tiếng động chạm của binh khí trong suốt phân đoạn kịch này. Hai hổ tướng có lúc đối kháng nhau nhưng có lúc lại như nhập làm một vào nhau trong vũ điệu nhịp nhàng mà cả hai cùng thể hiện.
Hình trên: đối kháng, hình dưới: đồng điệu
Chuyện kể rằng hai bên đã đấu hơn hai trăm ba mươi hiệp, từ trưa đến chiều, qua luôn cả buổi tối mà vẫn bất phân thắng bại. Những trận chiến cứ tiếp diễn lẫn nhau, sấn khấu ngập tràn những vũ điệu "tác" và "đả", những động tác thể hình xoay, chạy, nhảy lướt qua sân khấu một cách nhẹ nhàng và phô diễn hết mức vẻ đẹp của vũ điệu và trang phục. Hai mảnh "kháo" là tên gọi chiếc áo giáp của hai tướng quân này được tạo hình một cách tinh tế bên cạnh việc tôn lên vẻ uy dũng của nhân vật còn như một đạo cụ hỗ trợ nhằm tôn thêm vẻ đẹp mang đậm màu sắc võ thuật cho những bước dich chuyển của chân và thân.
Những màn múa đậm màu võ thuật
Hai nghệ sĩ còn tiếp tục thể hiện một hồi đấu tay không. Những xênh xang áo xống giờ nhường lại hết cho võ thuật đích thực. Một trắng, một đen, hai con hổ quần nhau trong âm thanh dập dồn của phách và trống. Có lúc sân khấu chỉ còn loáng thoáng hai cái bóng do tiết điệu quá nhanh, cứ tưởng như họ là hai cánh bướm đêm lúc ẩn, lúc hiện vậy.

Những trận đấu tay không
Kinh kịch bị ảnh hưởng bởi quan niệm về vẻ đẹp của Trung Hoa và cũng chính nó có nhiệm vụ xiển dương cái đẹp. Hai kiểm phổ của Mã Siêu và Trương Phi với sự tương phản tột cùng xuất hiện đồng thời trên sân khấu "không những không gượng gạo mà còn làm nổi bật nhau, thể hiện vẻ đẹp muôn màu, muôn vẻ của nghệ thuật hóa trang hí khúc".(5)
Sự tương phản giữa hai kiểm phổ của Mã Siêu và Trương Phi
Không hiểu sao Trương Phi, một dũng tướng tính tình thô lậu, rượu thịt tối ngày lại được các nghệ nhân Kinh kịch vẽ một kiểm phổ đẹp và tinh tế đến vậy. Người ta cho rằng nhân vật trương Phi trong hầu hết các vở Kinh kịch khác chỉ là vai hài nên khuôn mặt được vẽ hình con bướm một cách hài hước. Tuy nhiên trong vở Nhị Tướng Quân, Trương Phi là một viên tướng dũng mãnh và liều lĩnh chứ không buồn cười chút nào, vì vậy Shang Heyu (6), một Wusheng tài hoa của thế hệ diễn viên Kinh kịch ban đầu đã phải sáng tạo nên hoa kiểm đặc biệt cho Trương Phi và nó tồn tại như mọi người đang thấy. Có lẽ khi vẽ mặt Trương Phi kiểu này, Shang Heyu đã quán xét ông trong con người nghệ sĩ, một Trương Phi là bậc thầy của thư pháp và có biệt tài vẽ mỹ nhân. Quả thật hai phớt hồng ở hai bên má không thể không gợi liên tưởng vẻ nữ tính trong khuôn mặt đậm chất nam tính này.

Phiêu linh cùng Kinh kịch

Bồng bềnh trôi trong vũ đạo, dập dìu trôi trong réo rắt của thanh âm. Trung Hoa xưa, Trung Hoa của những giá trị chân, thiện, mỹ thật sự không ở đâu xa mà ở ngay trước mặt. Kinh kịch quả thật mang vẻ đẹp mê hồn mà tôi, một lữ khách lãng du chỉ muốn ghé qua chơi nhưng chẳng đặng đừng lui gót.

Có tao nhân nào không đắm trong lời rượu giãi bày của Ngu Mỹ Nhân, có mặc khách nào không tưởng về Cẩm Mã Siêu trang nhã? Có triết gia nào không nghĩ về Sở Bá Vương với tiếng thở dài cám cảnh cho nỗi vô thường của kiếp nhân sinh. Có họa gia nào không mơ về một tác phẩm để đời như cánh bướm điêu linh trên mặt Trương Phi Hổ Tướng? Kinh kịch có lẽ là những giấc mơ về lý tưởng của cuộc sống mà đời thực khó có thể thấy được của người Trung Quốc.
Cẩm Mã Siêu trong bạch y trên mình bạch mã
Cảnh Mã Siêu vận bạch y cỡi bạch mã rời khỏi đấu trường vào cuối chiết tử hí này thật sự gợi nhiều cảm xúc. Cái bóng trắng nổi bật trên nền đen giản đơn gần như thuần khiết của sân khấu gợi nhiều tới sự vô nghĩa của chiến chinh. Có vinh quang nào ở đằng sau những hào quang của chinh chiến?

Thôi những tự vấn về nhân sinh. Thôi những tự vấn về triết học. Vị cái đẹp và xiển dương cái đẹp có lẽ là động lực chính để Kinh kịch ra đời và phát triển. Cho dù ở trong mọi hình hài hay trong nhiều dạng thức, cái đẹp luôn là một và bất biến, luôn là một thách đố với thời gian như cách Kinh kịch đang đứng trong lòng Trung Hoa hiện đại.


Chú thích:

(1). Hai câu cuối của bài Cai Hạ Ca do Hạng Vương cảm khái thành thơ khi bị vây cùng đường ở thành Cai Hạ.

(2). Thành ngữ Trung Quốc có câu: 万字不到头, nghĩa đen là cả vạn chữ đều không có đầu nhằm mô tả cách nhiều chữ vạn nối tiếp nhau không dứt như thường thấy trong các họa tiết ở khung cửa hay ở chùa chiền, nhằm hàm ý về một sự tiếp nối không dứt của những điều tốt lành. Ba chữ vạn trên mặt Hạng Vũ ở đây lại mang nghĩa về một sự việc không có kết thúc, người ta chơi chữ bằng cách đặt chữ vạn (万) lên cái đầu (头) của Hạng Vũ.

(3) và (5). Chữ trích trong sách Kinh Kịch Trung Quốc, Tử Thành Bắc, NXB Tổng Hợp TP HCM. 2013

(4). Tương truyền sau khi Ngu Cơ chết đi, nơi máu bà đổ xuống mọc lên một thứ cỏ hễ có rót rượu gần bên thì cỏ múa lả lướt như Ngu Cơ trong tiệc rượu của Hạng Vũ. Người ta gọi cỏ ấy là "Ngu mỹ nhân thảo".

(6). Shang Heyu (1873-1959) một nam nghệ sỹ Kinh kịch nổi tiếng chuyên đóng vai nam võ. Ông thường đóng chung với nam đán (nghệ sỹ nam đóng vai nữ) nổi tiếng là Mai Lan Phương, người sáng tác ra vở Bá Vương Biệt Cơ. Ngoài ra ông còn là thấy dạy kinh kịch tại trường dạy nghề kịch Trung hoa và trường kịch nghệ Thượng Hải.