Nổi trôi như thân phận con người, thân linh cũng "bãi bể nương dâu" trong những dịch chuyển vô chừng và không thôi phiêu dạt. Đây là câu chuyện của những dị thần ba mắt, có nguồn gốc sâu xa từ đấng hủy diệt Shiva trong huyền thoại Ấn độ. Hành trình lan tỏa và biến đổi đã định hình ý nghĩa và hình ảnh của vị thần này khác nhau trong mỗi nền văn hóa nhưng đặc tính cốt yếu nhất liên quan tới lửa và sức mạnh vẫn luôn được duy trì.
Ba cái mặt nạ thần ba mắt trong sưu tập của tôi |
Ở rất xa về phía đông Ấn Độ, Giữa những rặng núi cao của miền nam Trung Hoa, bắc Việt Nam, Thái Lan và Lào, có một nhóm dân tộc thiểu số theo Đạo Giáo. Họ kết hợp tôn giáo này cùng những tín ngưỡng bản địa tạo ra một thế giới thần linh vô cùng đặc sắc. Thần linh của họ có trách nhiệm bảo hộ và răn đe nhằm gìn giữ trật tự của cộng đồng và hướng người dân tới ý thức lương thiện trong những hành xử của mình.
Một trong số những vị thần bảo hộ đó được gọi là Tam Mục Tiên do bởi dung mạo cổ quái với con mắt thứ ba nằm giữa trán. Tên chữ của Ngài là Vương Linh Quan (Wang Ling Guan 王灵官), Ngài là Hỏa Tinh và cũng là vị thần bảo vệ Thiên Đình.
Vương Linh Quan, Tam mục tiên và Hỏa Tinh có nguồn gốc xoay quanh một vị thần thoạt kỷ thủy có tên là Wang E được thờ trong đền Fuliang (Phù Lương), thuộc vùng Tương Âm (Xiangying), Trung Quốc. Ngài có tính xấu, thường buộc dân địa phương cống nạp trẻ con để ăn thịt nên bị Sa Shoujian (Cát Tiên ông thiên sư) dùng lá bùa thiêu con mắt, biến nó thành Hỏa Nhãn Kim Tinh (Fiery Eyes and Diamond Pupils, 火眼金睛 Huoyan Jinjing). Wang E giận quá bèn kiện lên thiên đình, Ngọc Hoàng xử bù bằng cách ban cho thêm tuệ nhãn và một roi vàng, cho đi theo giám sát Cát Tiên Ông, nhằm tìm ra sai phạm của ông tiên này để trả thù. Không những chẳng tìm ra được lỗi lầm, Wang E đã bị Cát Hồng giáo hóa và trở nên là phụ tá đắc lực của Thiên sư, được sư phụ đổi tên từ Wang E hàm nghĩa xấu thành Wang Shan hàm nghĩa tốt. Từ đó Wang Shan được thiên đình chỉ định trông coi Lôi bộ (thunder office 雷部 Leibu), vận hành Tam Ngũ Hỏa Xa Lôi Công ( Three-and-Five Fire Cart (三五火車雷公 Sanwu Huoche Leigong). Bởi vì Hỏa Nhãn Kim Tinh luôn giúp ông nhìn thấy những điều sai trái từ sự thật nên người đời thường gọi ông dưới cái tên phổ biến hơn là Khoát Lạc Linh Quan - Vị thần của sự trong sáng và thông tuệ (Numinous Official of Clarity and Brilliance , 豁落靈官 Huoluo Lingguan).
Sở hữu trong mình năng lực phi thường của tuệ nhãn kết hợp với sức mạnh vô biên của sấm sét đã vô hình chung biến ông thành thần hộ pháp của Đạo Giáo. Vương Linh Quan thoạt đầu chỉ có hai mắt đã biến đổi dần hình tướng gần với hình ảnh của Mã Nguyên Soái (Marshal Ma 馬元帥 Ma Yuanshuai) với ba mắt và thay thế dần ảnh hưởng của vị hộ pháp hàng đầu trong đạo giáo nguyên thủy.
Ngược trở lại với nguyên bản của Vương Linh Quan trong tín ngưỡng Phật Giáo Đại Thừa là ngài Vi Đà (Weituo 韋馱 hay Hufa Weituo Zuntian Pusa 護法韋馱尊天菩薩) tiếng Sanskrit gọi là Bodhisattva Skanda hay Bồ Tát Hộ Pháp. Trong hình ảnh nguyên thủy này, ngài chỉ có hai mắt giống hệt con người. Câu chuyện các vị thần thay đổi chức năng đi kèm với việc thay đổi hình ảnh hay tăng, giảm ảnh hưởng lên cộng động phản ánh ước vọng của dân chúng. Thần linh cũng thừa kế, vay mượn và chuyển hóa lẫn nhau như chính con người.
Trong huyền thoại Ấn Độ, Skanda không chỉ đơn giản mang ý nghĩa của thần hộ pháp, ngài là Đấng Toàn Hảo sinh ra từ tinh dịch được thanh lọc bởi nước và lửa của của đấng hủy diệt Shiva, sau một cuộc mây mưa kéo dài hơn ngàn năm của thần Shiva và nàng Parvati mà không xuất tinh được. Nguồn gốc từ Shiva của Bodhisattva Skanda đã dạt trôi đến Tây Tạng vả thể hiện ra trong hình tướng phẫn nộ của Bát Đại Hộ Pháp theo thế giới quan của Kim Cương Thừa.
Mahakala - Đại Hắc Thiên Từ trái sang phải: Vương Linh Quan, Mã Nguyên Soái và Bồ tát Vi Đà (Weituo) |
Trong huyền thoại Ấn Độ, Skanda không chỉ đơn giản mang ý nghĩa của thần hộ pháp, ngài là Đấng Toàn Hảo sinh ra từ tinh dịch được thanh lọc bởi nước và lửa của của đấng hủy diệt Shiva, sau một cuộc mây mưa kéo dài hơn ngàn năm của thần Shiva và nàng Parvati mà không xuất tinh được. Nguồn gốc từ Shiva của Bodhisattva Skanda đã dạt trôi đến Tây Tạng vả thể hiện ra trong hình tướng phẫn nộ của Bát Đại Hộ Pháp theo thế giới quan của Kim Cương Thừa.
Kim Cương Thừa sử dụng hình ảnh phẫn nộ nhằm hai mục đích: phát triển năng lượng tích cực và thuần hóa các thế lực tiêu cực. Các vị thần hộ pháp thường dùng pháp này cho mục đích thứ hai. Mahakala là một trong tám vị đại hộ pháp, sức mạnh đặc biệt cũng như năng lực kì diệu của Mahakala là do nguyện lực cứu nhân độ thế của đức Avalokiteshvara (Quán Thế Âm) đem lại. Sự phẫn nộ của Mahakala được xem giống như hoá thân phẫn nộ của thần Shiva (xem thêm: Bat dai ho phap). Mahakala có nghĩa đen là "đại thời/ great time". Được coi là một trong những thế lực hùng mạnh nhất, có khả năng cưỡng lại được sự vô hạn của thời gian và có thể nuốt trọn vũ trụ.
Mặt nạ Mahakala đen trong sưu tập của tôi |
Mặt nạ Mahakala thường có màu đen do quan niệm tất cả các màu sắc đều được hấp thụ và hòa tan vào nó, cũng như Mahakala tượng trưng cho một thực tại tối hậu, có thể ôm gọn tất cả trong lòng. Mahakala luôn luôn được miêu tả với một vương miện năm đầu lâu, đại diện cho sự chuyển hóa ngũ uẩn bằng tuệ giác của loài người như vai trò chính của thần Shiva mà ngài được hóa thân: "Shiva là vị Thần của nội tâm, nơi không có Quân Vương, không có Anh Hùng, không có Đạo Sĩ, không có giai cấp, không có giàu sang hay nghèo hèn, nơi mà sự nhảy múa quay cuồng không ngừng nghỉ tạo nên những gợn sóng cấu thành vũ trụ, vũ trụ nội tâm, cái vũ trụ duy nhất mà chúng ta có thể biết được. Con mắt thứ ba của Shiva chiếu vào vũ trụ ấy, tiêu diệt tất cả, đem tất cả vào tĩnh lặng, trong sự giác ngộ Tính Không của vạn pháp. Năng lực hoại diệt của Shiva cũng là khả năng diệt Ngã, phá chấp, loại trừ vô minh" (theo: Huyen thoai An do).
Shiva của Ấn độ và Mahakala của Tây tạng |
Vũ điệu sinh thành và hoại diệt của thần Shiva được truyền vào pháp môn Kim Cương qua màn múa triệu thỉnh Đại Huyền Kim Cương Hộ pháp Mahakala. Là một nghi thức quan trọng trong lễ quán đỉnh, điệu múa được trình diễn ngay trên đàn tràng trang nghiêm, để mọi người tham dự vừa xem vừa quán tưởng về ý nghĩa sâu xa vi diệu của nó.
Nghi lễ múa triệu thỉnh Đại Huyền Kim Cương Hộ pháp Mahakala của tăng đoàn Truyền thừa Drukpa đến từ Ấn Độ và vương quốc Bhutan.
Các nhân vật trong điệu múa đeo mặt nạ Mahakala với hình tướng dữ tợn đầy uy dũng và phẫn nộ, có ý nghĩa dùng để đối trị và chuyển hóa các loại xúc tình tiêu cực cũng như khơi gợi suối nguồn của năng lượng tích cực nơi thân tâm (xem chi tiết tại: Kim-cuong-ho-phap-vu-dieu-cua-tam-linh).
Một nghi lễ Cham ở Tây Tạng (nguồn: http://www.chamdancing.com/) |
Mặt nạ Mahakala xuất hiện trong những vũ điệu nghi lễ có trên 1.300 năm tuổi được gọi là Cham (xem thêm:mat na cham). Nó lãng du trong những đỉnh núi cao của rặng Hymalaya; từ Buhtan qua Tây Tạng, đến Nepal rồi Ấn Độ, đồng thời đặt một vài bước chân của mình lên thảo nguyên Mông Cổ bao la. Nguồn gốc tôn giáo và xã hội của Cham có thể tìm thấy ở Ấn Độ, nơi mà từ xa xưa, các nam diễn viên đã trình diễn bằng cách đội mặt nạ trên đầu để vào vai thánh thần và quỷ dữ. Nhiều yếu tố của Cham có thể thấy trong đạo Hindu và đạo Bon (một tôn giáo truyền thống của Tây Tạng có trước Phật Giáo) (xem thêm: http://www.coreofculture.org/cham.html).
Thầy tu trong Cham "xuất hiện dưới hình thức như quỷ để làm quỷ cảm thấy sợ. Mỗi hộ pháp có mỗi hình tướng phẫn nộ đến nỗi quỷ dữ cũng phải kinh hoàng" (học giả Komchok Namdak). Nhưng: "Với Cham, chúng ta diệt trừ quỷ dữ bằng tình yêu và lòng trắc ẩn" (Thupstan Standin- trưởng tu viện Lopon).
Năng lực ẩn tàng bên trong những hình tướng cổ quái quả là phi thường! Cham và mặt nạ Mahakala là bằng chứng cho thấy khả năng kết nối giữa tâm hồn sâu thẳm của con người với những năng lượng nền tảng và thiết yếu. Khả năng này còn được thể hiện một cách lý tính hơn trong nghi lễ Korb Kroo nghĩa là đặt mặt nạ của các ẩn sĩ khổ hạnh Ruesi, qua một hóa thân khác của thần Shiva, trong một mảng tín ngưỡng Ấn Độ trôi dạt về phương đông rồi lưu lại trên đất Thái.
Ruesi Ta Fai
Hình ảnh ít phổ biến hơn của thần Shiva là một ẩn sĩ khổ hạnh, một Yogi sống trong rừng núi, một người ăn mày, một kẻ lãng tử. Hay nói cách khác ngài là một Ruesi theo quan niệm của người Thái.
Ruesi hay Lersi được gọi là Rishi trong tiếng Ấn, họ là những nhà hiền triết dành trọn thời gian cho việc thiền định, họ sở hữu và phát triển những năng lực tâm linh nhằm giúp chúng sanh giảm trừ đau khổ, họ sống ờ hang động, đi lang thang trong núi rừng tìm kiếm thảo dược, khoáng chất để làm thuốc và bùa ngãi.
Ý nghĩa thực sự của từ Ruesi, là "Nhà tiên tri", có khả năng nhìn thấy những điều mà người bình thường không thể nhận thức, chẳng hạn như biết được quá khứ, hiện tại và tương lai của sự kiện. Tương truyền, lúc sinh thời Đức Phật đã tìm tới một Ruesi để học đạo nhưng người đã từ bỏ vì việc tu khổ hạnh không giúp đạt được giác ngộ. Sau khi đắc đạo, Người lại đứng trên các Ruesi, trở thành Ruesi hoàn hảo nhất do bởi năng lực thấu thị hiện tại, quá khứ và vị lai vô tận của mình.
Có cả một thế giới Ruesi được định lượng bằng con số tượng trưng là 108 vị, thường được chia thành 8 cấp tùy thuộc vào năng lực của những Ruesi này. Người đã trải qua tám mức được gọi là “Samrej” (completely developed - phát triển toàn diện) (xem thêm: 108-ruesi). Vị Ruesi nổi tiếng nhất có lẽ là Ngài Ta Fai; gọi đầy đù là Por Gae Lersi Ta Fai; một hóa thân của Thần Shiva sở hữu năng lực điều khiển lửa (kasin fai) kỳ diệu. Khi Lersi Ta Fai mở con mắt thứ ba, mọi vật nằm trong thị trường này sẽ bị ngọn lửa quét qua và thiêu thành tro bụi.
Theo tín ngưỡng của Bà La Môn giáo và Phật Giáo, việc sở hữu một con mắt thứ ba là kết quả của sự thực hành tự kiểm soát và từ bỏ bản ngã trong nhiều ngàn kiếp. Người đắc đạo như vậy thường có các dấu hiệu đặc biệt trên cơ thể khi sinh ra, một trong những dấu hiệu này là hình thức của một Unalome ở trung tâm của trán (Unalome có nghĩa là một hình dạng xoắn ốc), Unalome này được xem như một dấu hiệu của con mắt thứ ba, con mắt Thần Thánh (Divine Eye) (xem thêm: por-gae-lersi-ta-fai). Người Thái tin rằng Pra Isworn (cách gọi thần Shiva trong tiếng Thái) hóa thân thành Lersi Ta Fai để trở thành một vị thầy vì lợi ích của nhân loại. Shiva là Lersi tối cao của tất cả Lersi.
Câu chuyện dông dài và rắc rối của thần linh rồi cũng được tín đồ rút gọn về một hình thức giản đơn để dễ bề tưởng tượng và phụng sự (kể cả nhờ vả). Người Thái có một lễ hội nhằm tôn vinh sư phụ đang sống gọi là Wai Kroo*, là một lễ hội cổ xưa và vô cùng phức tạp, mỗi lễ hội được thực hiện khác nhau tùy theo từng lĩnh vực (ví dụ như giáo viên, vũ công, ca sĩ, nhạc sĩ, nhà ảo thuật, ruesi vv). Mỗi lĩnh vực có ông Thầy (ông tổ) riêng, thường là một ruesi hay một vị thần. Tất cả mọi thứ phải được chuẩn bị theo một tập hợp các quy tắc nghiêm ngặt và đặc biệt có một nghi lễ rất linh thiêng gọi là Krob Kroo; nghĩa là đặt mặt nạ Thầy trên trán; nhằm truyền sức mạnh của Thầy tới người thụ lễ qua trung gian là cái mặt nạ của Ruesi.
Mặt nạ của Lersi Ta Fai thường được dùng nhiều hơn cả trong các nghi lễ, đặc biệt trong Sak Yant Wai Kroo là nghi lễ nổi tiếng nhất nhằm tôn vinh những sư phụ truyền pháp môn Sak Yant, một phép hình học ma thuật (scared geometry) dùng các hình ảnh của Phật Giáo, Bà La Môn giáo và bùa chú viết bằng chữ Khom** để xăm lên thân thể của người thụ giáo, nhằm bảo vệ và ban phát sức mạnh cho họ (xem thêm: sak-yant). Có những lúc sư phụ hầu như mù khi đội mặt nạ Lesi Ta Fai trên đầu để xăm, nhưng dưới sự dẫn dắt của trực giác và tâm linh, những hình thức tinh xảo của hình xăm hiện ra là một bí ẩn khó hiểu và làm cho sak yant trở nên nổi tiếng không chỉ ở Thái Lan mà cả trên toàn cầu ngày nay.
Dừng bước tại Đông Nam Á (Thai Lan, Lào và Cambodia), thần Shiva có vẻ như gần gũi hơn với con người. Sức mạnh của Ngài được thể hiện trong một hình thức nhẹ nhàng và ít mang chiều hướng bạo lực nhất. Có lẽ địa lý và thổ nhưỡng hiền hòa của vùng đất này đã làm mềm đi bản chất bạo động nguyên thủy của Đấng Hủy Diệt, thần linh phải đổi thay là điều tất yếu mà không cần phải cãi bàn.
Mặt nạ Tam Mục Tiên - Mahakala - Lersi Ta Fai: Những chuyển hóa của hình thức thể hiện
Có một sự chuyển hóa rất thú vị trong hình dạng mặt nạ của ba vị thần này. Tam Mục Tiên là mặt phẳng, Mahakala có hình dạng nửa đầu và Lersi Ta Fai trùm hết cả đầu. Liệu có sự tương quan giữa hình khối mặt nạ với năng lực tưởng tượng của người bản địa, nơi mà các vị thần được tôn thờ nói riêng, hay của con người nói chung?
Từ việc thờ một hòn đá, đến việc nặn một pho tượng rồi vẽ một bức tranh, năng lực tưởng tượng của con người hẳn nhiên đi lên theo nấc thang phát triển. Nhưng câu chuyện biến đổi hình thức của những cái mặt nạ có lẽ không nằm trong mạch tư duy phát triển này, mà nằm trong việc hình dạng của chúng thích ứng với những hình thức trình diễn tồn tại sẵn ở bản địa. Tam Mục Tiên có dạng một tờ tranh bởi nó là một phần của tranh thờ Đạo Giáo vùng nam Trung Hoa và bắc Việt Nam. Mahakala có dạng nửa đầu bởi truyền thống múa mặt nạ rải khắp trong đời sống và nghi lễ của tất cả các tu viện ở dãy Himalaya bao gồm Tây Tạng, Ladakh, Bhutan và Sikkim. Điệu múa mặt nạ là một phần của truyền thống tôn giáo và văn hóa thể hiện các điển tích có từ nguyên thủy của vùng này. Trong khi đó, Lersi Ta Fai hòa chung vào dòng chảy của Khon với hình thức hoàn toàn tương tự mặt nạ Khon rất phổ biến ờ vùng Đông Nam Á chịu ảnh hưởng Bà La Môn Giáo.
Khép lại một vòng viễn du hướng về phía đông châu Á, thần Shiva rồi cũng dừng bước trước thềm Thái Bình Dương bao la. Sự ảnh hưởng của sức mạnh lên cộng đồng có vẻ nhẹ dần theo từng bước chân càng lúc càng xa cố quốc. Đấng Shiva không những phải đổi thay theo ý muốn của cư dân mà còn phải hội nhập với đời sống của xã hội bản địa. Thần linh nào khác con người!
Ghi chú:
*Từ Kroo nghĩa là Thầy (có gốc từ chữ Phạn (Sankrit) là Kuru), ở Thái đã được rút ngắn thành "Kroo"), Wai Kroo nghĩa là tôn vinh người Thầy, Krob Kroo nghĩa là đặt nặt nạ Thầy trên trán.
** Một hình thức cổ của chữ Phạn
Thần Shiva và Ruesi Ta Fai |
Ý nghĩa thực sự của từ Ruesi, là "Nhà tiên tri", có khả năng nhìn thấy những điều mà người bình thường không thể nhận thức, chẳng hạn như biết được quá khứ, hiện tại và tương lai của sự kiện. Tương truyền, lúc sinh thời Đức Phật đã tìm tới một Ruesi để học đạo nhưng người đã từ bỏ vì việc tu khổ hạnh không giúp đạt được giác ngộ. Sau khi đắc đạo, Người lại đứng trên các Ruesi, trở thành Ruesi hoàn hảo nhất do bởi năng lực thấu thị hiện tại, quá khứ và vị lai vô tận của mình.
Hình trái: Đức Phật tầm sư học đạo từ Ruesi, hình phải: Ruesi tới và tôn vinh Đức Phật đã đắc đạo |
Mặt nạ Ruesi Ta Fai trong sưu tập của tôi |
Câu chuyện dông dài và rắc rối của thần linh rồi cũng được tín đồ rút gọn về một hình thức giản đơn để dễ bề tưởng tượng và phụng sự (kể cả nhờ vả). Người Thái có một lễ hội nhằm tôn vinh sư phụ đang sống gọi là Wai Kroo*, là một lễ hội cổ xưa và vô cùng phức tạp, mỗi lễ hội được thực hiện khác nhau tùy theo từng lĩnh vực (ví dụ như giáo viên, vũ công, ca sĩ, nhạc sĩ, nhà ảo thuật, ruesi vv). Mỗi lĩnh vực có ông Thầy (ông tổ) riêng, thường là một ruesi hay một vị thần. Tất cả mọi thứ phải được chuẩn bị theo một tập hợp các quy tắc nghiêm ngặt và đặc biệt có một nghi lễ rất linh thiêng gọi là Krob Kroo; nghĩa là đặt mặt nạ Thầy trên trán; nhằm truyền sức mạnh của Thầy tới người thụ lễ qua trung gian là cái mặt nạ của Ruesi.
Thầy truyền sức mạnh cho người thụ lễ trong một nghi lễ Wai Kroo |
Trái: Sư phụ xăm sak yant bằng trực giác với mặt nạ Lersi Ta Fai che kín mặt. Phải: một sak yant tinh xảo hình rùa Yantra, nhằm cầu mong phước lành, giàu có, sức khỏe và trường thọ |
Mặt nạ Tam Mục Tiên - Mahakala - Lersi Ta Fai: Những chuyển hóa của hình thức thể hiện
Có một sự chuyển hóa rất thú vị trong hình dạng mặt nạ của ba vị thần này. Tam Mục Tiên là mặt phẳng, Mahakala có hình dạng nửa đầu và Lersi Ta Fai trùm hết cả đầu. Liệu có sự tương quan giữa hình khối mặt nạ với năng lực tưởng tượng của người bản địa, nơi mà các vị thần được tôn thờ nói riêng, hay của con người nói chung?
Hình khối của ba mặt nạ |
Sự lan tỏa của Phật Giáo chịu ảnh hưởng Bà La Môn giáo về phía đông ( theo: https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_Buddhism) |
Ghi chú:
*Từ Kroo nghĩa là Thầy (có gốc từ chữ Phạn (Sankrit) là Kuru), ở Thái đã được rút ngắn thành "Kroo"), Wai Kroo nghĩa là tôn vinh người Thầy, Krob Kroo nghĩa là đặt nặt nạ Thầy trên trán.
** Một hình thức cổ của chữ Phạn