Monday, 30 November 2015

Mặt nạ Sri Lanka - Những vọng âm từ linh hồn của quỷ




Sri Lanka - Huyền thoại về một đất nước bị đánh cắp

Số phận như một trò đùa trớ trêu đã đem đất nước thuộc sở hữu của vị thần giàu có nhất thế gian Vaisravana/ Kubera đặt vào tay ông vua quỷ Ravana bởi một cuộc đánh cắp*. Trò chơi của thần linh thường mang dục vọng của con người: cha ghét con, anh em đố kỵ lẫn nhau, người lớn phải giải quyết bằng một giải pháp dung hòa, kết quả trở thành hậu quả. Những thế hệ sau buộc phải mang trên vai một di sản nặng nề của quá khứ được gọi là nghiệp chướng.

Một diễn viên kịch Ramila (Ấn Độ) mang trang phục và mặt nạ Ravana (nguồn: wiki)
Ravana là kết quả của cuộc hôn nhân giữa một nhà hiền triết và một con quỷ La Sát. Cái ác trong hình thái tinh khôn đủ sức biến Ravana thành vua của quỷ với đồ đệ là các La Sát (Raksha) và Dạ Xoa (Yaksha) hiện diện nhung nhúc tại vùng đất thấp thuộc phía đông nam Srilanka ngay từ buổi hồng hoang của lịch sử **.

Cái bóng quá lớn của sử thi Ramayan Ấn độ đã đổ dài xuống đất nước Sri Lanka và định danh cho đất nước tươi đẹp này là vùng đất của quỷ. Quỷ và những gì liên quan tựa như một ám ảnh tới tâm linh dân tộc. Không nơi đâu trên trái đất, quỷ lại hiện diện nhiều như ở mảnh đất này. Như một ám ảnh tối tăm cần phải được đối diện, người Srilanka chọn mặt nạ quỷ làm phương tiện để chữa bệnh  như là cách hàn gắn tâm linh và hòa giải với quỷ thần. 

Mặt nạ Raksha, những thần dân La Sát của vua quỷ Ravana

"Trong thế giới của sử thi Ramayana và Mahabharata, Raksha là một loài siêu nhiên đông đúc có hình dáng, tính cách con người. Đó là những con quỷ, Raksha được coi như là những chiến binh, chiến đấu bên cạnh quân lính của cả quỷ và thần. Chúng là những chiến binh hùng mạnh và là một phù thủy bậc thầy có khả năng biến hóa khôn lường. Như một kẻ biến hình, Raksha mang những dạng khác nhau, không thể xác định được hình thể thực sự hay tự nhiên của chúng. Như những nhà ảo thuật, Raksha có năng lực hiện hình thực sự khi người ta tin vào chúng hay biến hình khi bị xua đuổi. Một vài Raksha được cho là những kẻ ăn thịt người; chúng hân hoan, vui sướng khi là kẻ tàn sát trên chiến trường. Đó là những Raksha xấu xa, tồi tệ nhất. Đôi khi, chúng phụng sự như là những chiến binh bề tôi cho các vị chủ tướng này hay chủ tướng khác" (xem thêm: La sát). Những hình thức khác nhau của quỷ La Sát này được tái hiện lại trên nhiều loại mặt nạ trong điệu Raksha của Kolam Maduwa, một dạng múa nghi lễ rất phổ biến của cư dân vùng trũng thuộc ven biển phía đông Sri Lanka. Có tất cả 24 hình thức Raksha nhưng chỉ một số ít được thể hiện trong múa Kolam. Hai mặt nạ nổi tiếng nhất thể hiện hai con quỷ vốn là kẻ thù của nhau: mặt nạ rắn hổ mang, Naga Raksha (Cobra Mask) và  mặt nạ con chim huyền thoại Gurulu Raksha (Mask of the Bird).
Mặt nạ Naga Raksha, trưng bày tại triển lãm Masks for Life and Death thuộc UiO: Museum of Culture History (chi tiêt: www.khm.uio.no
Tất cả các mặt nạ Raksha đều được thể hiện cùng với rắn nhưng mặt nạ Naga Raksha hay Quỷ Rắn phải có ít nhất sáu rắn hổ mang bao gồm cả hai con chui ra khỏi miệng hay mũi của nó. Những con rắn khác được làm tai và kết thành vương miện đeo trên đầu. Mặt nạ này được dùng nhằm áp đặt nỗi sợ hãi vào tâm trí khán giả bởi nó đại diện cho bản chất độc địa của loài rắn, một trong những hóa thân của La Sát trong huyền thoại Srilanca.

Garuda trong thần thoại Hindu được thể hiện thành Gurulu trong múa Kolam của Srilanka (xem clip: Dieu mua Raksha). Cho dù được gọi bằng tên khác, cốt lõi của mối hận thù giữa hai anh em cùng cha khác mẹ này vẫn được duy trì. (xem chi tiết: Huyen thoai Garuda)

Mặt nạ Gurulu thuộc sưu tập của Michael Blackman Ltd. (nguồn: http://www.michaelbackmanltd.com)
Con rắn Naga luôn được thể hiện trên mặt của mặt nạ Gurulu Raksha trong tư thế bị mỏ chim kẹp chặt. Đây là biểu tượng cho chiến thắng tuyệt đối của Gurulu trước Naga, một cuộc chiến có ý nghĩa biểu tượng về sự bảo vệ của thánh thần. Người Srilanka treo mặt nạ Gurulu trước nhà để cầu mong may mắn và sự bảo vệ.

Loại La Sát đáng sợ nhất là một loại ác quỷ ăn thịt người, thường hay lui tới các bãi tha ma lúc đêm tối. Chúng sống nơi ven biển và là nỗi lo sợ kinh hoàng của những người đi biển bị đắm tàu. Hình ảnh này được tái hiện trong mặt nạ Maru Raksha, con quỷ chết chóc (demond of death). Mặt nạ này là biểu tượng của sự chết, chỉ nhìn mặt nạ này thôi người ta cũng đủ chết khiếp rồi.

Mặt nạ Maru Raksha, trưng bày tại triển lãm Masks for Life and Death thuộc UiO: Museum of Culture History (chi tiêt: www.khm.uio.no)
Trái với ý nghĩa của Maru Raksha, Mặt nạ hình chim công Mayura Raksha lại là biểu tượng của hòa bình và hòa hợp. Cái mặt nạ này có màu sắc sáng sủa do sự phối hợp giữa màu trắng và màu xanh dương. Con chim công được cho là biểu tượng của hòa giải và hòa hợp vì vậy nó cũng có năng lực xua đuổi ma quỷ.

Mặt nạ Maruya Raksha, sưu tập của John Willis (nguồn: John Willis)
Cũng có tác dụng xua đuổi tà ma là mặt nạ Ginidella Raksha, Quỷ Lửa. Mặt nạ này miêu tả cảm xúc giận dữ vì vậy các sắc đỏ, cam và vàng được sử dụng chủ đạo. Người Srilanka tin vào tầm quan trọng của sự phối hợp hài hòa giữa màu sắc và hoa văn trong tác dụng xua đuổi tà mà của mặt nạ này.

Mặt nạ Ginidella Raksha thuộc sưu tập của Kandyan Art Association (nguồn: kandyan art association)
Mặt nạ Raksha có kích thước lớn với nhiều chi tiết và hoa văn phức tạp. Những chi tiết như mắt, tai và nanh luôn được cường điệu lên để nhấn mạnh vào vẻ hung dữ của La Sát, mắt luôn lồi, lưỡi thè ra và răng nanh sắc nhọn.

Sợ hãi và chế ngự nỗi sợ hãi là hai trạng thái đối lập trong tâm thức của con người, sùng kính quỷ nhằm tìm kiếm một sức mạnh để vượt qua ám ảnh của quỷ được thể hiện bằng quỷ và phản quỷ trong quan niệm của người Sri Lanka. Thế giới của những Raksha La Sát là thế giới của những cuộc chiến giành giật ánh sáng trong trạng thái hỗn mang của tâm thức lẫn không gian ở thời mông muội cùa dân tộc này. La Sát và Dạ Xoa, hai chủng quỷ điển hình vẫn còn để lại những vọng âm lưu dấu trên mặt nạ Srilanka cho tới tận ngày nay.

Mặt nạ Yakka, những chủng tử Dạ Xoa của hoàng hậu Kuveni

Lịch sử thành văn ghi nhận vị vua đầu tiên của Sri Lanka là Vijaya (khoảng thế kỷ 5-6 trước Công nguyên). Khi hoàng tử Vijaya lần đầu đến đảo Lanka từ miền bắc Ấn Độ, người của ông đã bị Kuveni, nữ hoàng của gia tộc Yaksha - quỷ Dạ Xoa, giam cầm (xem thêm: quy da xoa). Vijaya đi tìm kiếm người của mình, ông tìm thấy Kuveni và đe dọa sẽ giết cô. Kuveni hóa thành một người con gái xinh đẹp, cầu xin cho cô được sống. Đổi lại cô hứa sẽ giải phóng người của Vijaya, nhường vương quốc, và trở thành vợ của hoàng tử. Sử dụng sức mạnh ma thuật của mình, Kuveni phản bội đồng loại, giúp Vijaya tiêu diệt các Yakshas để Vijaya làm vua và cai trị Lanka. 

Mặt nạ Riki Yakka của Jasson Schnoover
(nguồn: museum of anthropology)
Hai vợ chồng sống với nhau trong nhiều năm, mặc dù Kuveni sinh hạ cho vua hai đứa con, một trai và một gái, Vijaya cuối cùng cũng loại bỏ cô khỏi cuộc đời: "Giờ đây, người thân yêu, hãy đi đi và để hai con ở lại, con người không thể sống với siêu nhiên cùng nỗi sợ hãi của mình". Những lời cầu xin ở lại của Kuveni không được chấp thuận. Cô rời khỏi cung điện cùng hai con và một trái tim tan vỡ. Kuveni sau đó đã bị loài quỷ Dạ Xoa cắt lưỡi và giết chết để báo thù, máu chảy ra từ lưỡi của cô đã sinh ra Riki Yakka, một chủng tử hận thù, chủ những bệnh tật liên quan tới sự tuần hoàn máu của con người. Cô còn để lại lời nguyền sẽ làm cho vua và hậu duệ không có con, đây là nguyên nhân của những vũ điệu ma thuật liên quan tới Yakka được ra đời để loại bỏ lời nguyền này.

Mặt nạ Riki Yakka có liên quan mật thiết với mặt nạ Maru Sanniya sẽ được đề cập bên dưới. Riki Yakka là một hình tướng khác của Maru Sanniya, cả hai đều liên quan tới máu và chết chóc, chúng đều được dùng trong nghi lễ Sanni Yakuma nhưng trên hai sân khấu khác nhau. Maru Sanniya được múa trên sân khấu chính để cầu nguyện quỷ Sanni trong khi Riki Yakka được múa trên sân khấu phụ để cầu nguyện quỷ Yakka.

Maru Sanni, con quỷ của cái chết liên quan đến điên loạn và mê sảng, thường được xem như một con gấu, hoặc trong hình dạng có râu ria xồm xoàm. Riri Yaka là một con khỉ với khát máu vô độ. Nó là hiện thân của bệnh tật do bị mất máu. Cả hai con  quỷ này luôn ám bên giường của người chết.

Mặt nạ Maha Sohona của Jasson Schnoover
(nguồn: museum of anthropology)
Luôn trong hình dạng của con gấu và mang hình ảnh đầy chết chóc là mặt nạ Maha Sohona. Maha Sohona là "Đại Quỷ của Nghĩa trang" nó ở trong nghĩa địa chờ đợi những linh hồn non nớt mới được chôn cất và những người đi chôn chúng. Nó ám luôn các tảng đá lớn và những ngọn đồi quanh nghĩa địa đồng thời luôn chờ chực ở các ngả ba đường. Maha Sohona giết người vào ban đêm bằng cách đánh vào giữa hai vai. Dấu bàn tay sẽ còn hằn lên trên da thịt của cơ thể người chết vì bị con quỷ này giết. Ngoài giết chết, nó cũng có thể nhảy vào để ám con người.

Thức ăn ưa thích của con quỷ này là lòng người cùng thịt thối rữa và máu. Đây là một trong những con quỷ đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất, nổi tiếng nhất và cũng quan trọng nhất của Sri Lanka.

Huyền thoại về con quỷ này kể rằng, Jayasena đã bị một chiến binh ngoan cường của vua Dutugemunu đã cắt đầu trong một cuộc chiến, vị thần Senasura của trái đất thấy vậy liền lấy đầu của một con gấu đặt lên cơ thể của chiến binh này để cứu mạng. Jayasena chết đi hóa thành quỷ với mình người đầu gấu, thống lĩnh một đội quân quỷ lên đến bảy vạn con và gây ra một loạt các chứng bệnh khác nhau lên con người, đặc biệt là các bệnh liên quan tới đường ruột như dịch tả, kiết lị.

Ngoài hai con quỷ nổi tiếng trên, thế giới của Yakka còn có thêm một vài con quỷ được người Sri Lanca cho là tạo ra các bệnh tật khác cho con người: Suniyam Yakka được tin là nguyên nhân gây tê liệt và liên quan tới phù thủy, Kalu Yakka được cho là nguyên nhân gây ra các bệnh của phụ nữ và trẻ sơ sinh, Ahimana Yakka thường đe dọa người dân và gây ra các bệnh tâm thần.

Trong nghi lễ Sanni Yakuma, các thầy cúng thể hiện điệu múa của Yakka ở một sân khấu phụ cùng lúc với sân khấu chính đang thể hiện điệu múa của quỷ Sanni. Các Yakkadura thầy cúng (hay Kattadiya) tiết lộ nguyên nhân đau đớn của bệnh nhân ngồi trước mặt mình. Các bệnh nhân ở giai đoạn này sẽ cầu khẩn và cúng tế cho các quỷ. Các quỷ sau khi nhận được lời khẩn cầu và đồ tế lễ sẽ hứa rời khỏi người bệnh. Trong suốt quá trình chữa trị, rất nhiều câu thơ được đọc lên cho quỷ nghe còn không gian lặng thinh của toàn bộ khu vực chỉ được phá vỡ bởi những âm thanh chói tai phát ra từ tiếng động của nhịp đập trống, suốt từ chiều đến tối mịt (theo: mask dance).

Mặt nạ Paliya, những con quỷ nhân từ

Ata Paliya là sân khấu cho các vũ điệu được các con quỷ Paliya thực hiện, nó bao gồm tám điệu nhảy ở giai đoạn đầu tiên của nghi lễ Sanni Yakuma. Trước khi những điệu nhảy bắt đầu, các Yakadura chuẩn bị một số lễ vật do bệnh nhân cúng tế để trao cho ma quỷ. Những con quỷ Paliya được quan niệm như người ban phước lành cho bệnh nhân, chúng lần lượt xuất hiện và đi vòng quanh đàn tràng, xõa bột nổ, rắc nước dừa để tẩy uế vùng đất ở nhà người bệnh, nơi đã bị ám bởi quỷ.

Mười hai mặt nạ Paliya, tên theo thứ tự trái qua phải và trẹn xuống dưới: Pandam Paliya, Anguru Dummala Paliya, Kadu Paliya, Kalas Paliya,Salu Paliya,  Dalumura Paliya, Tambili Paliya, Muguru Paliya, Kukulu Paliya, Athu Paliya, Dunu Paliya, Kendi Paliya. Từ sưu tập của Jasson Schnoover (nguồn: museum of anthropology) và ArtSrilanca (nguồn: artsrilanka)
Pandam Paliya mang ngọn đuốc cháy, Anguru Dummala Paliya mang bột nhựa và than, Kadu Paliya mang một thanh kiếm, Kalas Paliya mang một cái bình hoa, Salu Paliya mang trầu, Dalumura Paliya mang trầu, Tambili Paliya mang một quả dừa vua, Muguru Paliya mang một cây gậy, Kukulu Paliya mang một con gà trống, Athu Paliya mang cành cây, Dunu Paliya mang một cây cung và mũi tên và Kendi Paliya mang một chậu nước thánh.

Mặt nạ Sanni và những nguồn căn của bệnh tật 

Câu chuyện về các con quỷ Sanni có nguồn gốc ngược trở về từ thời kỳ của Phật Thích Ca (khoảng giữa thế kỷ 3 trước Công nguyên). Chuyện kể rằng vua Licchavi của Vaishali nghi ngờ hoàng hậu của mình phạm tội ngoại tình nên đã giết bà ta. Tuy nhiên, bà đã sinh hạ một đứa con khi bị hành quyết, con của bà đã trở thành Kola Sanni, người lớn lên nhờ "ăn xác chết của mẹ mình". Kola Sanni hủy diệt thành phố, tìm cách báo thù cha mình. Ông đã tạo ra mười tám cái bứu độc và bỏ bùa chúng để biến chúng thành quỷ nhằm làm người trợ giúp ông trong việc phá hủy thành phố. Chúng đã giết nhà vua và tiếp tục tàn phá thành phố, giết chết và ăn hàng ngàn người mỗi ngày. Sự báo thù tàn ác này chỉ được dừng lại cho đến khi lũ quỷ được thuần hóa bởi Đức Phật và đồng ý ngừng làm tổn hại đến con người.

Trong ngôn ngữ Sinhalese, Sanni có nghĩa là nuôi cho ăn hay bệnh tật. Mỗi một con quỷ được cho là ảnh hưởng đến con người trong một hình thức của bệnh tật và các nghi lễ Sanni Yakuma được thực hiện nhằm triệu hồi những con quỷ đồng thời ngăn chúng trở lại với thế giới ma quỷ sau khi kiểm soát được chúng. Mặc dù thời điểm xuất hiện nghi lễ này vẫn chưa rõ ràng nhưng nó đã được thực hiện ở phần phía nam và phía tây của nước này kể từ thời cổ đại (nguồn: Sanni Yakuma)

Maha-Kola-Sanni là một con quỷ Sanni toàn năng bao hàm trong nó 18 Sanni khác nhau. Mặt nạ mô tả toàn thân của con quỷ này với hai chân cao cùng "đôi cánh", mỗi bên cánh hiển thị chín khuôn mặt quỷ nhỏ. Mỗi mặt quỷ nhỏ này có những dấu hiệu cung cấp manh mối về loại bệnh mà chúng gây ra. Ví dụ, một mặt nạ nhỏ nhắn có đôi mắt mù loà (Kana Sanni) ám chỉ tới bệnh mù, trong khi mặt nạ khác có miệng mở và lưỡi thè ra, miêu tả sự nôn mửa (Gulma Sanni).

Mặt nạ Maha Kola Sanni tại UiO: Museum of Culture History (chi tiêt: www.khm.uio.no)
Lần lượt dưới đây là 18 mặt nạ quỷ cùng với những chứng bệnh liên quan tới chúng.

Mặt nạ Amukku Sanniya, Bihiri Sanniya và Butha Sanniya tại UiO: Museum of Culture History (chi tiêt: www.khm.uio.no)
Amukku Sanniya gây bệnh ói mửa và dạ dày, Bihiri Sanniya gây bệnh điếc còn Butha Sanniya  là nguyên nhân của chứng khùng điên.

Mặt nạ Deva SanniyaGedi Sanniya và Gini Jala Sanniya tại UiO: Museum of Culture History (chi tiêt: www.khm.uio.no)
Deva Sanniya tạo ra bệnh dịch, Gedi Sanniya gây ung nhọt và bệnh ngoài da, trong khi Gini Jala Sanniya gây sốt rét và các loại sốt cao khác.
Mặt nạ Golu SanniyaGulma Sanniya và Jala Sanniya tại UiO: Museum of Culture History (chi tiêt: www.khm.uio.no)
Golu Sanniya gây bệnh ngu đần, Gulma Sanniya tạo ra bệnh giun sán và các bệnh dạ dày ký sinh còn Jala Sanniya gây ra bệnh tả và ớn lạnh.

Mặt nạ Kana SanniyaKora Sanniya và Maru Sanniya tại UiO: Museum of Culture History (chi tiêt: www.khm.uio.no)
Kana Sanniya gây bệnh đui mù, Kora Sanniya gây què quặt và tê liệt trong khi Maru Sanniya gây mê sảng và chết chóc.

Mặt nạ Naga Sanniya, Pitha Sanniya và Kola Sanniya tại UiO: Museum of Culture History (chi tiêt: www.khm.uio.no)
Naga Sanniya gây bệnh nhiễm độc và bỏng, Pitha Sanniya gây những chứng bệnh liên quan tới máu trong khi Kola Sanniya gây bệnh viêm phổi.

Mặt nạ Slesma Sanniya, Vatha Sanniya và Kapala Sanniya tại UiO: Museum of Culture History (chi tiêt: www.khm.uio.no)
Slesma Sanniya gây lãnh đạm và bệnh động kinh, Vatha Sanniya gây đầy hơi và bệnh thấp khớp còn Kapala Sanniya gây chứng nhức đầu.

Theo những lời dạy của luận Phạn cổ điển Susruta Samhita và Charaka Samhita về Ayurveda (một hệ thống y học Hindu truyền thống), sự mất cân bằng của ba Doshas (Thể) là Vata (Khí), Kapha (Hàn) và Pitha (Hỏa) được cho là nguyên nhân gốc rễ của tất cả các bệnh tật của con người. Quỷ là một trong những nguyên nhân có thể tác động tới sự cân bằng này.

Một Sanni Yakuma được tổ chức tại đại học Jayewardenepura, Sri Lanka (nguồn: daha ata sanniya)
Sanni Yakuma là nghi lễ trừ tà để chữa bệnh quan trọng nhất liên quan tới 18 con quỷ Sanni. Đây là một sự kết hợp của tín ngưỡng truyền thống với Phật giáo.Trước khi thực hiện các nghi lễ chữa bệnh, pháp sư được gọi là yakkadura xác định xem bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi con quỷ nào và chọn ngày tốt để tiến hành nghi lễ. Những con quỷ liên quan tới căn bệnh của bệnh nhân sẽ được triệu tập vào một sân khấu dành riêng cho chúng gọi là Daha Ata Sanniya, chúng xuất hiện trong một điệu nhảy điên cuồng cùng hình ảnh dị thường một cách đáng sợ. Các vũ công ăn mặc trang phục đầy màu sắc và đeo mặt nạ của con quỷ liên quan, những đối thoại cộc cằn và đôi khi có hơi hướng khiêu dâm sẽ xảy ra giữa con quỷ và người đánh trống, nhằm mục đích hạ nhục con quỷ này. Cuối cùng con quỷ Maha Kola Sanni xuất hiện. Nó được sự cho phép của Đức Phật để chấp nhận lời khẩn cầu từ con người và đồng ý ngừng gây phiền hà cho họ. Cuối buổi lễ, các pháp sư vũ công xuất hiện trước bệnh nhân sau khi gỡ bỏ mặt nạ quỷ mà mình đã nhập vai.

Yakkadura và những điệu múa nghi lễ nhằm hàn gắn thế giới khiếm khuyết.

Tín niệm của người Sri lanka tin rằng toàn bộ trật tự vũ trụ này luôn đặt dưới sự chỉ huy của Đức Phật. Khi ma quỷ tấn công con người, chúng vượt qua ranh giới mặc định của mình. Vì thế cuộc tấn công của chúng cũng là một cuộc tấn công vào trật tự của vũ trụ. Để khôi phục lại nguyên trạng, các nghi thức đúng đắn cần phải được tiến hành để chỉnh đốn hành vi của những con quỷ. Quyền năng này thuộc về các chuyên gia đến từ sự chỉ định của Đức Phật. Bằng cách thuyết phục loài quỷ rút đi, việc chữa trị sẽ giúp duy trì trật tự của vũ trụ này.

Các natima yakun***, hay Tovil - múa Quỷ (devil dance) là một nghi lễ nghiêm cẩn với một lịch sử dài dòng kể từ thời tiền Phật giáo Sri Lanka. Nó kết hợp các khái niệm Ayurvedic cổ đại về quan niệm nhân quả gây nên bệnh tật với các thao tác tâm lý khéo léo, trong đó bệnh và căn nguyên của bệnh được cho là do ma quỷ gây ra. Các con quỷ có thể được triệu tập và bị xua đuổi trong những điệu múa nghi lễ với mặt nạ của chính chúng. Một nghi lễ sẽ kéo dài đến mười hai giờ, từ hoàng hôn tới bình minh, nó pha trộn sự hài hước với nỗi sợ hãi sâu xa để tạo ra khả năng thanh tẩy bệnh tật cho cả bệnh nhân và cộng đồng.

Lửa là một yếu tố quan trọng trong Tovil
Trong nghi lễ múa Quỷ, pháp sư đeo mặt nạ đóng vai trò trung tâm, họ thu hẹp khoảng cách giữa tự nhiên và các thế lực siêu nhiên vốn luôn hiện diện khắp nơi. Qua các hình thức chuyển hóa khác nhau, pháp sư làm mờ những ranh giới nhận thức, an ủi cộng đồng của mình, biến đổi tác động của quỷ và thực hiện việc chữa trị. Thông qua một sự pha trộn phức tạp và tinh vi của kỹ thuật trình diễn và nội dung có tính kịch, bao gồm cả cách phục sức đặc biệt, pháp sư mô phỏng những cảm giác gần với cái chết, tạo ra một không gian nơi mà trong tâm trí của mình và trong tâm trí của người dân, ông "trở thành" một cái gì đó khác biệt, một con quỷ đã được nhân cách hóa đang tương tác với cộng đồng.

Vật dụng quan trọng nhất trong tác dụng chuyển hóa theo cả hai cách trực quan và tâm lý là cái mặt nạ diệu kỳ được đeo trong các nghi lễ. Đại diện cho một con quỷ cụ thể và các chứng bệnh do nó gây ra cho con người, mặt nạ cho phép pháp sư thể hiện, ít nhất là tạm thời, con quỷ mà thường chỉ tồn tại trong một hình thức siêu nhiên. Sự nhân cách hóa này cho phép xảy ra một cuộc đối thoại, nó cung cấp một cơ hội để thảo luận (với quỷ) về những khó khăn mà các cá nhân và cộng đồng phải đối mặt. Pháp sư mang vào mình sức mạnh và nét mặt của con quỷ, tạo ra một liên kết có thể nhìn thấy giữa tự nhiên và siêu nhiên. Là hiện thân của con quỷ gây bệnh, pháp sư cho cộng đồng biết nguyên nhân, thảo luận về những mối quan ngại của cộng đồng, và sau khi nhận một món quà, con quỷ hứa hẹn sẽ ra khỏi người bệnh: nivarani tindui ("đã được thực hiện").

Với người Sinhalese, những mặt nạ chạm khắc gỗ, có đôi mắt lồi, mũi nhô ra, miệng há hốc, khuôn mặt méo mó và hình dung khốc liệt là đại diện cho cả nguyên nhân gây bệnh và cách chữa bệnh.

Mặt nạ Sri Lanka - Những vọng âm từ linh hồn của quỷ

Sức mạnh của niềm tin là một cái gì đó thấy được. Ở Tovil sức mạnh lớn nhất được tạo ra từ âm thanh của những chú ngữ hay chân ngôn. Chân ngôn (mantra) được các yakkadura dùng làm phương tiện trấn áp quỷ thần. Trong Phật giáo, người ta cho rằng chân ngôn chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ bởi năng lượng được phát ra từ những sóng âm khi trì tụng. Chú ngữ là âm thanh của tinh thần (spirit language), "những mẫu tự chủng của chân ngôn, khi tụng đọc lên theo một phương pháp đặc biệt, có thể làm cho bên trong nội tạng của thân thể rúng động, rung lên, có tác dụng đã thông kinh mạch và phóng phát một nội lực nào đó của cơ thể, hoặc có thể gây tác dụng tạo một sự tác động đến âm ba bên ngoài mà làm tan vỡ hay tiêu diệt một chướng ngại vật nào đó." (theo: bi mat cua chu ngu).

Sự kết hợp giữa chú ngữ, sáo, trống và những câu thơ là cách mà Tovil cộng hưởng sức mạnh của âm thanh. Chú ngữ dùng để gọi quỷ nhằm yêu cầu chúng chú tâm đến người bệnh, âm thanh của sáo và trống đi lang thang nơi quỷ sống nhằm thu hút sự chú ý của chúng. Quá trình chữa trị là một cuộc đối thoại, rất nhiều câu thơ được đọc lên cho quỷ nghe còn không gian lặng thinh của toàn bộ khu vực chỉ được phá vỡ bởi những âm thanh chói tai phát ra từ tiếng động của nhịp đập trống. Âm thanh là vật dẫn truyền niềm tin của hầu hết mọi tôn giáo trên thế giới ****, quá trình chữa trị của Tovil là quá trình mà niềm tin tôn giáo được dẫn truyền.

Thẳm sâu trong tâm hồn Srilanka là niềm kính ngưỡng đối với quỷ, quỷ tồn tại trong đời sống như một mặc định. Những cái mặt nạ quỷ vẫn tồn tại và sống trong đời sống Srilanca hôm nay như là sự hiện diện của bức xạ nền vẫn còn lan tỏa kể từ lúc khởi phát. Vọng âm từ những linh hồn quỷ, cho dẫu có vô hình, vẫn tồn tại để dẫn dắt phần hồn của dân tộc này từ ngàn xưa cho đến bây giờ và luôn mãi mãi.





Ghi chú:

Sử thi Ramayana (và cả Mahabharata) cho rằng cha của Vaisravana là Pulastya, một nhà hiền triết được sinh ra từ ý tưởng của thần Brahman. Thế nhưng, Vaisravana rất gắn bó, dành trọn tình thương và tôn kính cho ông nội. Brahman luôn khen ngợi Vaisravana và đã ban cho đứa cháu cưng đặc ân bất tử, cắt cử Vaisravana làm chúa tể tất cả các kho báu của cải quý giá trong thế gian và bổ nhiệm cho Vaisravana làm vua xứ Lanka. Giận dữ tột cùng vì niềm đố kỵ, Pulastya tự phân thân mình sinh ra đứa con thứ hai là Vaisravas – một đứa em căm ghét anh mình không thua kém người cha. Để làm vui lòng cha, Vaisravana đã dâng cho cha ba cô La Sát nữ (Rakshasi) xinh đẹp. Một cô sinh ra Ravana và Kumbhakarna; một cô khác sinh ra Vibhishana; và cô thứ ba sinh ra Rapa, Khara và Surpanakha. Những người con này của Pulastya cũng rất đố kỵ với sự giàu có của người anh Vaisravana. Do vậy, họ kiên trì thực hành việc khổ hạnh và nhận được đặc ân thần thánh của ông nội Brahman. Với sức mạnh có được từ đặc ân thần thánh này, họ chống lại VaisravanaRavana tấn công Vaisravana và trục xuất Vaisravana ra khỏi Lanka (Xem R. S. Gupte, Iconography of the Hindus, Buddhists and Jains. D. B. Taraporevala sons & Co; Bombay, tr.51-52).

** Một số văn bản bán huyền thoại, bán chân thực mô tả vùng đất này, giai đoạn đầu là nơi sinh sống của người nguyên thủy. Tên thông dụng thường để gọi cho nhóm người này là Dạ xoa, thường được gọi quỷ Dạ xoa, từ này thường dùng để chỉ loại người thuộc nhóm văn hóa thấp kém. Sự hiện diện của họ như là mang đến bạo lực và kinh tởm. Các tên như Đạm tinh quỷ (Pisāca) và La sát (Rakkhasa) được dùng để chỉ cho cư dân thời kỳ đầu ở vùng đất này. Trong khi đó theo Đảo sử, thời gian này ở Sri Lanka là thời kỳ đồ đá săn bắn, con người sống chủ yếu hoang dã. Người ở đây được gọi là Dạ xoa - Yakkhas, một loại phi nhân thậm chí không biết tạo ra lửa và vì thế, họ ăn thịt sống, đầy máu. Chứng tích này hiện vẫn còn lưu giữ trong những hang động cổ ở Sri Lanka, như ở vùng Balangoda, có di tích về việc dân cư trước đây sinh sống. (xem thêm: ton-giao-da-tao-nen-mot-dat-nuoc-sri-lanka). Lại có sách cho rằng La Sát chính là một loại thổ dân man dã ở Ấn Độ. Chúng được mô tả có dáng bộ và mặt mày dễ sợ, da đen, tóc đỏ, mắt xanh. Có thể xem như là một loại chúng sinh, không phải loài người, sách phật thường gọi chúng là phi nhân.

*** Trong suy nghĩ của người Sinhalese, nguyên nhân của bệnh tật hoặc là do tự nhiên hoặc là do siêu nhiên gây ra. Trong trường hợp bệnh do tự nhiên, họ chọn cách chữa trị theo Ayurvedic hoặc theo y học cổ truyền. Trong trường hợp bệnh do siêu nhiên, họ có truyền thống quay sang các pháp sư nhờ sự chữa trị trợ thông qua các nghi lễ như natima yakun.

**** Ấn độ giáo thường được biết đến với biểu tượng thần Krisna đang thổi sáo. Chương Khải huyền (Revelation, Apocalype) của Tân Ước kể về mặc khải của Đức Jesus với bảy thiên thần thổi bảy cây kèn Trumpet. Đại thừa Phật giáo trong Kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Phổ môn có đề cập tới Diệu âm, Phạm âm, Hải triều âm, Quán thế âm, Thắng bỉ thế gian âm.  Rất nhiều tôn giáo` và giáo phái có đề cập đến âm thanh bên trong với những từ khác nhau như: Naad, Akash Bani, Sruti (trong Vedanta) hoặc Nada, Udgit (trong Upanisad) hoặc Kalma (trong kinh Qur’an) hoặc Music of the sphere (Pythagoras).(theo: am thanh va anh sang)

Sunday, 4 October 2015

Mặt nạ Khon - Một di sản lộng lẫy



Từ Ramayana tới Ramakien và sức lan tỏa của một triết lý

Từ khi Ấn độ có sử thi Ramayana, nhân loại có cuốn sách của "triết lý trưởng cửu". Một dân tộc lớn không phải vì sức mạnh bạo lực mà vì những giá trị phổ quát được dân tộc này mang lại cho nhân loại. Từ khi Thái Lan có sử thi Ramakien, phiên bản Thái của Ramayana, dân tộc này thấy được tâm hồn mình trong đó. Một dân tộc khôn ngoan không phải vì sự tinh ranh mà vì biết học những điều tốt lành từ túi khôn của nhân loại. Hơn 200 năm nay, lần lượt chín đời vua Thái Lan đã không thôi nhuận sắc để làm cho Khon kể câu chuyện Ramakien bằng một hình thức sân khấu lỗng lẫy cùng vẻ đẹp lung linh được nhuốm trong ánh sáng huyền thoại dội về từ quá khứ.

Hình 1: Sân khấu Khôn của Thái Lan, trường đoạn hoành tráng nhất mô tả cuộc hỗn chiến giữa hai phe
 "Lý do của sự cuốn hút này có được nhờ những giá trị vĩnh cửu của cuộc sống đã nêu trong câu chuyện, chẳng hạn như tình huynh đệ, tính trung thực sắt son, sự kiên định với nhiệm vụ, lòng tận tâm của vợ chồng với nhau và trên hết là chiến thắng cuối cùng của công bằng và sự thật chống lại các lực lượng hắc ám". Truyền thuyết Rama đã trở thành "một lực kết dính, một mối dây ràng buộc tự nhiên, và là kho dữ liệu chung của một di sản cổ đại cho tất cả các quốc gia Nam và Đông Nam Châu Á." (theo: rama legend)

Chuyện Ramakien - những câu chuyện tình bi lụy

Ramakien là một sử thi dài và phức tạp liên quan đến việc tái sinh trên trái đất của thần Vishu trong Ấn Độ giáo. Người anh hùng của sử thi, Phra Ram (Rama)*, là hiện thân của thần Phra Narai (Vishnu). Phra Ram là người đã được đấng toàn năng Phra Isuan (Shiva) yêu cầu có một hình dạng con người để chế ngự sức mạnh của cái ác gây ra bởi những ma lực của quỷ dữ. Huyết thống của Phra Ram trên trái đất là vua Tosarot** (Dasaratha), cha trần thế của Phra Ram, cũng là người cai trị nhà nước Ayutthaya (Ayodhya - Thái land) tuyệt đẹp.

Hình 2: Mặt nạ Phra Ram (trái) và Tosakhanth (phải), nguồn: Huakhon
Kẻ thù của Phra Ram là Tosakanth có tiền thân  Nontuk, người giữ cửa trung thành của Phra Isuan (Shiva)Món quà Nontuk nhận từ Phra Isuan là một ngón tay nạm ngọc có thể gây ra cái chết cho bất kỳ ai khi ông ta chỉ vào. Không giống như nhiều người nhận được ân sủng, Nontuk đã lạm dụng sức mạnh này để giết thần linh và con người một cách tàn nhẫn. Nhận thấy những việc làm ác phải được trừng phạt, Phra Isuan yêu cầu Phra Narai lừa Nontuk chỉ ngón tay vào chính mình để tự giết ông ấy. Trước khi chết, Nontuk thề trả thù Phra Narai. Tái sinh trên trái đất, Nontuk có dạng quỷ tên là Tosakanth (Ravana), vua quỷ của nhà nước Longka (Srilanca). Từ đây cuộc chiến để hóa giải lời thề giữa Tosakanth Phra Ram trải dài trong toàn bộ sử thi. Diễn tiến chính của câu chuyện này được bổ trợ và làm sinh động thêm bằng những câu chuyện liên quan của các nhân vật phụ, những câu chuyện bắt nguồn từ lòng hận thù, sự phản bội, dục vọng và những hàm oan do bởi lòng tham sân si của con người.

Sida (Sita) là đại diện cho cái đẹp và sự thủy chung son sắt trong tình yêu. Nàng là vợ của Phra Ram từ tiền định do bởi nàng là hóa thân của nữ thần Laksami, phối ngẫu của Vishnu. Nhưng nàng cũng chính là nguồn cơn gây ra mọi rắc rối. Câu chuyện của Sida nhuốm màu sắc của thuyết nghiệp chướng, nàng là hiện thân của sự cộng nghiệp và trả nghiệp của những người liên quan tới mình. Sida là vợ của Phra Ram nhưng lại là con của Tosakanth kẻ thù truyền đời của chồng mình. Khi cướp Sida về làm vợ, bản thân Tosakanth cũng không hay biết rằng nàng là đứa con gái bị ông thả trôi sông khi mới sinh ra, do sợ quỷ ám. Rất nhiều đàn ông phải quy thuận (như Ramasoon, thần sấm) hay chết dưới tay Phra Ram (như Pirap) do bởi mê đắm sắc đẹp của nàng nhưng cái chết của người cha dưới tay chồng mới là cái chết để dứt trừ nghiệp chướng. Bản thân Sida cũng bị vẻ đẹp của chính mình làm hại, Phra Ram trong một lúc ngã lòng đã không còn tin vào lòng chung thủy của vợ, Sida quyết định đi vào lửa để quyên sinh nhằm chứng minh cho Phra Ram lòng trong sạch và cũng để dứt nghiệp của mình.

Hình 3: Phra Lak (trái), người em trung thành của Phra Ram và Pipek (phải), người em phản bội của Tosakanth. Nguồn: Huakhon
Hai tuyến nhân vật, phe chính thuộc về Phra Ram và phe tà thuộc về Tosakanth cứ đan xen nhau dệt nên nhiều câu chuyện cắc cớ và có phần oan nghiệt. Anh rễ Tosakanth vô tình giết Chiw-ha chồng của em gái Samanakha**. Samanakha đi vào rừng để khuây khỏa lại vô tình thấy Phra Ram tắm, cô lập tức yêu anh ta và cố gắng làm hại Sida để cướp chồng. May mắn thay Phra Lak**, người em cùng đi lưu đày với Phra Ram đến đúng lúc cứu được chị dâu, chàng đã cắt được miệng, tai, mũi và bàn chân của quỷ nữ. Samanakha đầy thương tích đi tìm ba người em khác để yêu cầu họ trả thù Phra Ram nhưng cả ba đã bị giết trong trận chiến khác bởi chính chàng. Hận tình chồng lên hận thù cô quyết làm hại Sida bằng cách mô tả vẻ đẹp rưc rỡ của nàng và dụ anh trai bắt cóc Sida đem về làm vợ. Tosakanth lập mưu sai pháp sư Marect hóa thành con hưu vàng dụ dỗ anh em Phra Ram và Phra Lak truy đuổi theo, còn mình lẻn về tán tỉnh Sida nhưng không được, nên đành bắt cóc và mang nàng bay vút về Longka, mà không hay rằng Sida chính là con gái mình. Nghiệt oan có căn cơ của nó. Chỉ có "ma đưa lối, quỷ dẫn đường" mới tạo nên những tình cảnh trớ trêu như vậy.

Hình 4: Mặt nạ Hanuman và Samanakha
Lụy tình cũng không chừa Hanuman, con trai của thần gió Phra Pai, là người thông minh, trung thành, hài hước, và đa tình. Cuộc tình đầu tiên của Hanuman chỉ gây cảm giác thoáng qua khi Hanuman giúp Bussamalee giải thoát khỏi lời nguyền để nàng bay về trời. Người vợ thứ hai mới chính thức làm Hanuman dây vào vòng tục lụy, bà là cháu của Tosakanth, con gái của Pipek là em trai của ông vua quỷ này. Để làm cho Phra Ram từ bỏ ý định giành lại vợ, Tosakanth sai cháu gái Benyakai hóa thành Sida, Benyakai giả chết để xác trôi sông cho Phra Ram gặp phải. Nhờ sự tinh khôn của Hanuman, vụ giả dối này bị phát hiện. Pipek** lúc này đã phản bội anh trai theo về phe Phra Ram đề nghị Phra Ram giết con gái mình nhưng Phra Ram đã tha cho tội chết và cơ duyên này khiến cho Hanuman rơi vào vòng tình yêu với cháu gái của kẻ thù. Vốn là một chiến binh đa tình, trên con đường chinh phục Longka, Hanuman lại tiếp tục rơi vào tình yêu với chính con gái của Tosakanth  Suphanmatcha, người được vua cha sai đi phá con đường mà quân của Hanuman xây dựng để tiến vào đánh phá kinh đô của đất nước Longka. Cưới cháu rồi lại cưới con gái của kẻ thù, những cuộc hôn nhân của Hanuman dường như mang màu sắc chinh phục khác hẳn với dục vọng chiếm đoạt của những nhân vật thuộc về phe Tosakanth. Tình yêu của phe ác chỉ gây nên hận thù trong khi tình yêu của phe thiện là phương tiện hóa giải.

Chuyện Ramakien - những cái chết giải thoát

Những trận chiến trong Ramakien không mang màu chết chóc. Không có cảnh đầu rơi máu chảy, không có cảnh lửa hận ngút trời. Vũ khí tạo ra nhiều sát thương nhất chính là mũi tên màu nhiệm của Phra Ram, mũi tên làm nhiệm vụ giải thoát hơn là trừng phạt. Giết Pirap là hành động đầu tiên của Phra Ram nhằm loại trừ lực lượng hắc ám, đây có lẽ là hành động mang tính trừng phạt nhiều nhất. Sau đó mũi tên này hóa kiếp cho con chim Sdayu mình đầy thương tích khi cố gắng cản trở nhưng không thành công để Tosakanth bắt cóc Sida đem về Longka. Cái chết của vua khỉ Pali dưới tay Phra Ram là cái chết có căn nguyên từ tiền định vì ông vi phạm lời nguyền của Phra Isuan, rằng nếu ông cướp vợ Sukreep**, là Dara làm phối ngẫu của mình, ông sẽ bị giết bởi Vishnu hay Phra Ram trong tương lai. Đau khổ vì lời nguyền này, Pali đã tự nguyện chết dưới tay Phra Ram để được giải thoát.

Hình 5: Mặt nạ Pirap (trái) và Pali (phải), hai nạn nhân chết dưới mũi tên của Phra Ram
Đội quân quân giải phóng gồm Hanuman và các chiến binh khác như Sukhrip, Ongkot, Chompuwarat... đã vượt qua rất nhiều trở ngại trên đường đến Longka. Các tướng quỷ như Maiyarap hay con trai của Tosakanth Indrachit** cựu thù của Hanuman đều lần lượt chết dưới tay tướng khỉ này. Kumpakan một tướng quỷ màu xanh có khả năng biến đổi hình dạng to lớn ra tùy ý, có lẽ là chướng ngại khó khăn nhất. Cả SukhripPhra Lak đều bị Kumpalan đánh bại, chỉ duy nhất mũi tên của Phra Ram làm cho Kumpalan quy thuận, trước khi chết, ông xin Phra Ram tha lỗi, sau khi biết rằng ông là  hóa thân của Vishnu.

Hình 6: Từ trái qua phải: mặt nạ Sukhrip, Onkhot, Maiyarap và Indrachit (nguồn: Huakhon)
Sinh mạng cuối cùng bị Phra Ram kết liễu cũng là cuộc hóa giải lớn cho một chu kỳ sinh diệt. Quay trở lại ban đầu câu chuyện, biết nằng Nontuk mê gái, nên Phra Narai đã giả làm một tiên nữ mỹ miều để quyến rũ và làm hại Nontuk một cách dễ dàng. Khi Phra Narai hoàn nguyên lại hình dáng, Nontuk cho rằng ông bị thua là bởi Phra Narai có đến bốn tay. Để cho Nontuk có cơ hội trả thù, Phra Narai thề rằng sẽ để Nontuk tái sinh trong hình dạng 10 đầu, 20 tay cùng các năng lực siêu phàm vốn dĩ đã có của mình, nhưng cuối cùng Nontuk cũng phải chết dưới tay của Phra Narai trong hình tướng con người với hai tay duy nhất. Biết mình không thể hóa giải lời thề, Nontuk lại nguyền rủa rằng: " Vì người giả gái giết ta, nên ta sẽ làm cho đời người khốn đốn vì một con đàn bà bên cạnh". Những lời nguyền có công hiệu của nó. Các nhân vật phải trải đủ những đau thương, thù hận để mới tới được sự giải thoát tất yếu của chính mình.

Mặt nạ Khon - phân loại

Khon là loại hình biểu diễn thể hiện rất rõ ràng những đặc trưng của nguồn gốc nghệ thuật Thái. Người ta tin rằng nguồn gốc của Khon bao gồm trong nó hai hình thức nghệ thuật Thái cổ là "ohak nak" một kiểu múa rối bóng và các kỹ thuật chiến đấu từ võ Thái Lan, gọi là "krabee krabong". Việc sử dụng mặt nạ, mũ miện cũng như trang phục của Khôn có nguồn gốc từ một nghi lễ cổ xưa gọi là "chak nak" - Lễ Khuấy biển Sữa. Nghi lễ truyền thống đã được thực hiện cho công chúng như là một phần của những hoạt động tưởng niệm các vua Thái đã khuất cũng như để tôn vinh vị vua mới và đảm bảo sự trung thành của nhân dân đối với quốc vương. Đó là một màn trình diễn ngoài trời với một lượng lớn người biểu diễn, họ đeo mặt nạ, đội mũ và phục trang để giả làm thiên thần và ác quỷ trong một trận chiến giành giật những báu vật từ đáy biển Sữa để tạo ra thế giới. (theo: KHON by Orasa Tanticharoenkiat B. A. , Chulalongkorn University, 1986).

Hình 7: Hoạt cảnh của Lễ Khuấy biển Sữa tại sân bay Suvanabhumim, Bangkok, Thailand
Trước đây, hầu như tất cả các vai diễn đều phải đeo mặt nạ, ngoại trừ những vai phụ nữ, thiên thần, vợ và con gái của vua quỷ. Sau đó, theo thời gian kỹ thuật hóa trang đã dần thay thế mặt nạ, kết quả là những những vai đàn ông và các vị thần đã ngừng đeo mặt nạ. Ngay cả những quái vật khổng lồ cũng bắt đầu hóa trang thay vì đeo mặt nạ quỷ. Những nhân vật vẫn còn đeo mặt nạ hiện nay là những vai khỉ, ông kẹ, quỷ và các động vật khác. Người ta tin rằng một người biểu diễn khon giỏi, sẽ có thể để đánh lừa mắt của khán giả và làm cho họ tin rằng chiếc mặt nạ diễn viên đang đeo thay đổi tương ứng với tâm trạng và vai trò của các nhân vật của mình.

Mặt nạ Khon được chia thành năm loại riêng biệt: quỷ, khỉ, thần tiên, người và động vật. Mặt nạ Khon cho người và thiên thần trông giống như khuôn mặt của một con người, phản ánh sức sống và năng lượng. Trái lại, mặt nạ quỷ thường có một vẻ hung dữ. Những chiếc mặt nạ của khỉ và động vật khác được chế tác theo hai loại. Loại thứ nhất là mặt nạ bao bọc toàn bộ khuôn mặt. Loại thứ hai giống như cái mũ có đầu của con vật được đội lên trên đầu của diễn viên. Mặt nạ khỉ thường được trang trí phức tạp cùng các phụ kiện đi kèm giúp phân biệt đặc tính của mỗi nhân vật. Mặt nạ động vật thường có hình dạng tự nhiên của chúng. Chim Garuda và voi Erawan là hai con vật nổi tiếng nhất được thể hiện cực kỳ công phu trong mặt nạ Khon.

Hình 8: Mặt nạ chim Garuda, voi Erawan và mặt nạ đội đầu có hình con hưu trong sưu tập của หัวโขน ครูจอม (nguồn: Huakhon)
Mặt nạ người gồm mặt nạ của Phra ram và ba người em, tất cả đều đeo một "monkut yod chai" là cái mũ chóp nhọn có nhiều tầng. Mặt nạ Phra Ram có khuôn mặt xanh. Mặt nạ Phra Lak có khuôn mặt vàng. Mặt nạ của  Phra Bhrot có màu đỏ. Mặt nạ Phra Satarud có màu tím.

Hình 9: Mặt nạ Phra Bhrot và Phra Satarus (nguồn: Huakhon)
Các tu sĩ hay ẩn sĩ trong khon có một loại mặt nạ rất đặc biệt với mũ có ba hay bốn bậc nhưng đỉnh đầu bằng và không bịt kín, mũ này được vẽ các vằn vện giống như lông hổ. Thường thì mặt nạ có màu nhũ vàng, đôi khi có màu trắng ngà hay màu đen tùy vào đặc điểm của nhân vật trong câu chuyện. Triết gia có khuôn mặt màu trắng với cái mũ gồm nhiều nếp gấp quấn lại trên chóp và cột thắt ở quanh tai.

Hình 10: Một vài mặt nạ lersi trong sưu tập của หัวโขน ครูจอม (nguồn: Huakhon)
Phra Phrom (Vara Brahma) là tên Thái của thần Brahma, đấng tối cao, trong đạo Hindu, người được coi là thần của tài sản và bảo hộ trong văn hóa Thái. Phra Phrom cũng được coi là người xiển dương âm nhạc cổ điển Thái Lan và thường được dân gian bên ngoài nước Thái Lan gọi là Phật bốn mặt. Mặt nạ Phra Phrom là điển hình của mặt nạ thần tiên với màu trắng cao khiết cùng những trang trí nhẹ nhàng thể hiện đấng linh thiêng thuộc về thế giới không còn vướng vòng tục lụy.

Hình 11: Mặt nạ Phra Phrom trong sưu tập của หัวโขน ครูจอม (nguồn: Huakhon)
Mũ và miện làm cho Khon trở nên lung linh, rực rỡ và khác biệt. Đây cũng là phần rất quan trọng để nhận diện tính cách nhân vật trong Khon. Các nhân vật có thể không đeo mặt nạ nhưng bắt buộc phải đội mũ hay vương miện. Mũ nhọn đầu và vương miện được tách ra thành ba loại chính đó là Chadah, Crown, và Tiara. Chadah là mũ nhọn đầu của các diễn viên nam chính và các vị thần. Crown được nữ diễn viên đội đầu trong các vai thiên thần hay phụ nữ. Tiara được mang bởi diễn viên đóng vai người nữ khổng lồ.

Hình 12: Mũ nhọn đầu và vương miện trong sưu tập của หัวโขน ครูจอม (nguồn: Huakhon)
Mũ, miện được trang trí rất công phu như dát vàng, nạm ngọc và có rất nhiều kiểu dáng tùy thuộc vào tính cách, nguồn gốc của nhân vật đeo nó. Quỷ có mũ của quỷ, khỉ có miện riêng của mình, nam có mũ của nam, nữ có mũ của nữ... tất cả làm cho sân khấu khôn có một vẻ sang trọng và phản ánh sự tinh tế trong thẩm mỹ của người Thái. Có hơn mười loại mũ, miện được dùng cùng với mặt nạ Khon. Chiếm số lượng và được nghiên cứu nhiều nhất là mặt nạ quỷ và khỉ, tùy vào loại mũ đội đầu mà chúng lại được chia nhỏ ra thành mặt nạ quỷ mũ nhọn (yaksha yod), quỷ mũ tròn (yaksha lon), khỉ mũ nhọn (ling yod), khỉ mũ tròn (ling lon).

Mặt nạ khon - mặt quỷ

Mặt nạ quỷ được phân biệt nhờ vào 5 yếu tố là mắt, miệng, nanh, màu mặt và mũ đội đầu. Có hai kiểu mắt quỷ là mắt lồi và mắt cá sấu. Mắt lồi luôn mở to, trong khi mắt cá sấu thì nhắm hờ. Kiểu mắt cho biết tính cách của nhân vật. Mắt cá sấu biểu hiện tính cách thô bạo và hung dữ hơn.

Hình 13: Từ bên trái qua. Hàng trên: mắt lồi, mắt cá sấu, miệng gầm gừ, miệng ngậm lại. Hàng dưới nanh thẳng, nanh cong, nanh hoa nhài
Miệng cũng được chia làm hai loại, miệng gầm gừ và miệng ngậm lại, miệng ngậm thể hiện tính cách hung dữ hơn. Nanh gồm có nanh thẳng, nanh cong và nanh hoa nhài. Nanh cong hung dữ hơn nanh thẳng, còn nanh hoa nhài thường thể hiện trên mặt nạ quỷ trẻ.

Hình 14: Tỉ lệ phân bố màu của mặt nạ quỷ
theo nghiên cứu của P. Meknopparat
Một yếu tố nữa để phân biệt mặt quỷ là màu sắc. Có rất nhiều màu sắc được sử dụng cho các mặt nạ quỷ của Khon, tất cả các màu sắc đều đến từ nguyên liệu tự nhiên, như cây cối, đất, rỉ sét và than củi. Những vật liệu này được trộn với nhựa của cây keo (acacia) theo một tỉ lệ nhất định, để tạo ra tông màu tối, vẽ lên trên mặt nạ nhằm diễn tả sự tàn bạo. Có 9 màu thông dụng trong mặt nạ khôn là: vàng, đỏ, xanh, tía, xanh lá, đen, xám nâu và trắng. Khái niệm tối trong mặt nạ Khon dùng chỉ cường độ màu, màu càng tối tức cường độ của nó càng lớn. Nghiên cứu của Pakorn Meknopparat cho thấy màu xanh lá cây và màu đỏ có tần suất sử dụng rất cao trong mặt nạ Khon (nguồn: Design Tool). Màu xanh lá cây chỉ rừng núi và màu đỏ chỉ sự hung hãn có lẽ là điểm chung của tất cả mọi nền văn hóa.

Có 14 kiểu trang phục mũ cho mặt nạ quỷ . Chúng có thể được chia thành 2 loại: mặt nạ mũ nhọn (peaked mask): mặt nạ đi kèm với cái mũ nhọn và mặt nạ đầu tròn (bald mask): mặt nạ nhưng không có mũ. Hầu hết các mặt nạ quỷ là những mặt nạ mũ nhọn. Có 10 loại mặt nạ mũ nhọn như trong hình bên dưới. Ví dụ, vương miện Yod Kra Nok lấy cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống của Thái Lan gọi là Kranok. Yod Hang Kai từ hình thức đuôi gà, Yod Hang Lhai từ con lươn. Yod Sam Klib từ những cánh hoa của Champak và Yod Nak lấy cảm hứng từ cái đầu của rắn naga (theo: Design Tool )

Hình 15: Các kiểu mũ của mặt nạ quỷ
Một cái mặt nạ chính là sự kết hợp của năm yếu tố kể trên. Đứng về mặt cấp bậc, mặt nạ quỷ trong Khon được chia ra thành sáu loại khác nhau là: Mặt nạ quỷ lớn, quỷ nhỏ, quỷ ngoại lai, mặt nạ lính quỷ lớn, mặt nạ lính quỷ nhỏ và mặt nạ cho quỷ hạ cấp. Mặt nạ quỷ lớn được đeo bởi Tosakanth, vua của quỷ (xem hình 2). Mặt nạ này có khuôn mặt màu xanh lá cây hoặc màu đen với miệng gầm gừ, mắt lồi ra cùng năng nanh cong vút. Vương miện của mặt nạ này được gồm ba tầng: tầng thứ nhất được dát vàng, nạm ngọc và trang trí họa tiết hoa, tầng thứ hai là dấu hiệu để nhận dạng vua quỷ với bốn phía là bốn khuôn mặt, tượng trưng cho hình tướng 10 mặt của vị này. Điều đặc biệt nằm ở tầng trên cùng, ở đây xuất hiện một gương mặt của thiên thần. Điều này phản ánh quan niệm của người Thái rằng Tosakanth không hoàn toàn là quỷ dữ, trước khi tái sinh trên trái đất, ông cũng đã từng là thần linh.

Mặt nạ quỷ nhỏ được Pipek là em trai của Tonsakanth đeo, có màu xanh lá cây với cái miệng gầm gừ, và một "monkut namtao thong", loại vương miện có hình dạng cái chai bầu (xem hình 3). Indrachit, con của Tonsakanth cũng có một khuôn mặt màu xanh lá cây với miệng ngậm lại, và một "monkut yod dern hon", loại vương miện gồm ba tới bốn tầng có chóp (xem hình 6). Kumpakan có khuôn mặt màu xanh lá cây, mắt mở lớn và một cái đầu tròn với ba gương mặt nhỏ ở phía sau. Mặt nạ quỷ ngoại lai được đeo bởi những con quỷ liên quan đến Tosakanth như SahasdechaMaiyarab. Sahasdecha có mặt trắng trong khi Maiyarab (xem hình 6) có mặt tím.

Hình 16: Mặt nạ Kumpakan (trên trái), Paovanasoon (dưới trái) và Sahasdecha (Phải)
Mặt nạ lính quỷ lớn như là Mahothorn trong có màu xanh lá cây với miệng gầm gừ và Paovanasoon có mặt trắng với miệng gầm gừ và mở mắt to. Hầu hết các mặt nạ lính quỷ nhỏ đều có đầu tròn và đầy màu sắc. Mặt nạ cho quỷ hạ cấp thường được tót tót với giấy vàng.

Mặt nạ khon - mặt khỉ

Mũ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân biệt mặt nạ khỉ. Có bảy loại mặt nạ khỉ. Loại một là mặt nạ đội mũ "Monkut Yod Bud", chỉ được mang bởi các diễn viên đóng vai vua khỉ tên là Pali (xem hình 5) và Sukrib (xem hình 6), mũ này chỉ dành cho các vai khỉ có địa vị cao, xuất thân từ thần thánh.

Loại hai là mặt nạ đội mũ "Monkut Yod Chai" được đeo bởi Jambuban (Champoopan)Jambuvarach (Champuvaraj). Champoopan và Champuvaraj là tướng khỉ, cái mũ thể hiện địa vị của các ông, nó cao và có chóp nhọn rất giống với mũ của Phra Ram.

Hình 17: Mặt nạ Champuvaraj và Champoopan (nguồn:  http://www.suanpakkad.com)
Loại ba là mặt nạ đội mũ "Monkut Yod Sam Grib", mũ này có đỉnh xòe ra tựa như ba cánh hoa trên đầu, được mang bởi OngKot (xem hình 6).

Loại bốn dùng cho các chiến binh khỉ như Hanuman, Nillapat và Nillanon không đội mũ mà mang một cái miện nhỏ (coronet) được trang trí bằng vàng và ngọc. Các chiến binh khỉ khác cũng đội miện, chúng chỉ có thể được phân biệt bởi màu sắc của làn da. Hơn nữa, nếu chúng có màu sắc tương tự, chúng được phân biệt bằng miệng mở ra hoặc ngậm lại.

Hình 18: Mặt nạ hanuman và Nilapad (nguồn: http://www.suanpakkad.com)
Hanuman là vai diễn gợi cảm hứng anh hùng cho sử thi Ramakien, ông là chiến binh trung thành nhất của vua Rama và giữ vai trò không kém, thậm chí là hơn ông vua này trong diễn tiến câu chuyện. Mặt nạ chiến binh có màu trắng được trang điểm bằng những họa tiết xanh lá và hồng, là hình ảnh điển hình nhất của Hanuman. Mặt nạ này có mắt mở to và miệng há rộng để lộ một viên kim cương là hình ảnh của mặt trăng được bao quanh bởi những vì sao, ở hàm trên của Hanuman. Dấu hiệu này thể hiện sức mạnh, rằng Hanuman có thể giữ được trăng và sao trong một cái ngáp do bởi ông vốn là con của thần gió.

Loại năm là những mặt nạ đầu tròn (ball head mask) hay còn gọi là 18 mặt nạ Monkut

Hình 19: Những tác phẩm đồ họa mặt nạ của 18 Monkut , chi tiết xem thêm tại: Army of the 18 Monkeys
Loại sáu là mặt nạ của khỉ trẻ bao gồm nhóm Tiew Pet và Chang Kiang, các mặt nạ này được phủ bằng sơn mài và vàng lá, chúng có chín trong tổng số các mặt nạ.

Loại bảy là mặt nạ cho khỉ hạ cấp được đeo bởi diễn viên đóng vai con khỉ hoang dã. Đây là loại mặt nạ được làm từ vải màu đỏ và tía trang trí với giấy vàng.

Vì có khoảng ba mươi mặt nạ đầu hói nhìn rất giống nhau cho vai khỉ, do đó có một quy ước để phân biệt các màu trên cơ thể và khuôn mặt của mỗi con khỉ. Ví dụ, những con khỉ có màu đỏ tươi hoặc cơ thể màu cam là "Hillanon". Các con khỉ với cơ thể có màu xanh trung tính là "Nillapasun". Các con khỉ với cơ thể màu đồng là "Nilla-ek". Các con khỉ với cơ thể màu hồng nhạt úa là "Komut". Các con khỉ với cơ thể tím đen là "Kayool," vv .

Cơ thể của mỗi con khỉ có cùng một màu sắc với mặt nạ. Mặc dù hầu hết những con khỉ có màu sắc khác nhau, vẫn còn một số con cùng màu. Ví dụ, con khỉ có thể là "Hanuman" nếu nó có một mặt nạ miệng mở rộng và giữ một cây đinh ba có cán ngắn, hoặc khỉ này có thể là "Sattaplee" nếu miệng ngậm lại và nắm trong tay một con dao hai lưỡi cán ngắn. Vì vậy, để phân biệt một con khỉ này với con khỉ khác, khán giả phải quan sát nhiều yếu tố ngoài màu sắc khác nữa (theo: KHON by Orasa Tanticharoenkiat B. A. , Chulalongkorn University, 1986, trang 21-26).

Mặt nạ khon - những câu chuyện phía sau

Người Thái không coi mặt nạ khôn là một đạo cụ, với họ mặt nạ có linh hồn. Phần quan trọng nhất trong quá trình làm mặt nạ khon là lễ khai quang (khởi nguyênintial ceremoney), đây là một nghi lễ quan trọng và mang màu sắc tôn giáo. Các vị thần sẽ dùng quyền lực của mình để bảo vệ cái mặt nạ, nếu không có một lễ khai quang đứng đắn, người đeo mặt nạ có thể bị vướng vào những tai ương liên quan tới mặt nạ này. Sau đó sẽ là lễ khai thị (Beuk Phra Netra - opening eye), sau khi điểm nhãn, mặt nạ khon sẽ trở thành một linh vật phải được tôn trọng. Có nhiều quy định nghiêm ngặt liên quan tới mặt nạ, diễn viên không được chỉnh sửa bất kỳ chi tiết nào trên mặt nạ, chỉ có Thầy mới có thể làm được công việc này. Trong lưu giữ cũng vậy, mặt nạ quỷ và mặt nạ khỉ không bao giờ được để cạnh nhau, giữa chúng luôn là mặt nạ của hermit, những ẩn sĩ hay nhà tu khổ hạnh.

Hình 20: Một ban thờ mặt nạ
Trước khi một mặt nạ được biểu diễn lần đầu tiên thầy hoặc đại sư phụ, đích thân đặt mặt nạ mới trên đầu của người biểu diễn. Nó cũng là phong tục được áp dụng cho buổi biểu diễn ra mắt của một vũ công Khon. Các bậc trưởng thượng sẽ đứng trước người mới, lặp đi lặp lại lời chú thiêng và ép lá vàng xuống vào giữa trán của mặt nạ. Những mặt nạ này gọi là "mặt nạ của Thầy" và được đặt trên đầu từng học viên một. Ví dụ, những người được đào tạo để diễn vai khỉ được đặt trên đầu mặt nạ khỉ, những người được đào tạo để diễn vai nữ sẽ được đặt mũ trên đầu, vv. Sau khi làm lễ, giáo viên Khon sẽ dẫn dắt các sinh viên trong một điệu nhảy nhịp nhàng với nền nhạc. Điệu múa này không chỉ để tỏ lòng tôn kính tổ nghề, mà còn để cho các giáo viên kiểm tra khả năng người học viên có thể nhảy tốt và đủ đẹp hay không.

Hình 21: Một mặt nạ Thầy dát vàng được
làm riêng cho lễ Wai Kru
Thường bao giờ cũng có một ban thờ phía sau sân khấu, hai mặt nạ của Thầy là mặt nạ của ẩn sĩ Na Pra Ku hay còn gọi là Poh Kru và mặt nạ của Phra Pirab, vị thần bảo hộ cho nghề múa của người Thái, luôn được thờ. Một số diễn viên còn thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần khác, họ còn thờ thêm mặt nạ Shiva hay mặt nạ Narayana (xem hình 22). Như đã đề cập, tất cả các mặt nạ Khon được tôn kính và là thiêng liêng. Điều này thậm chí còn nghiêm ngặt hơn đối với các mặt nạ Khon làm đặc biệt cho lễ Wai Kru, lễ tôn vinh Thầy. Nét mặt của những mặt nạ có thể khác với thông thường và một ít trong số này được mạ vàng hoàn toàn. Nhiều năm trước đây, một nghệ nhân được giao trọng trách làm mặt nạ Thầy phải mặc toàn màu trắng kể từ ngày ông bắt đầu làm việc, và công việc thường được bắt đầu vào một ngày thứ năm (ngày của Thầy). Khi một mặt nạ Thầy đã được hoàn thành nghệ nhân phải cầu nguyện cho các linh hồn thiêng liêng nhập vào mặt nạ (xem hình 21).

Trước khi là một nghệ nhân bắt đầu tạo tác một mặt nạ mới, ông thực hiện một nghi lễ để mời linh hồn của sư phụ và của các vị thần linh về giúp ông thành công trong công việc của mình. Cái khuôn có mô hình mặt nạ này sau đó được phủ nhiều lớp giấy sa hoặc giấy bồi. Sau đó, nó hoàn toàn được sấy khô. Một mặt nạ Khọn thường có khoảng 20 lớp. Một số nghệ sĩ phết keo làm từ bột có trộn hoạt chất chống côn trùng tự nhiên của địa phương giữa hai lớp ngoài cùng, để giúp mặt nạ phòng tránh các hư hại do côn trùng và mối mọt.

Hình 22: Mặt nạ Nayarana trong
sưu tập của Stephff
Về mặt vật liệu, tất cả các mặt nạ Khon được làm bằng vật liệu tự nhiên sẵn có trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như ngọc trai và da động vật. Vật liệu làm bề mặt mặt nạ phải sáng bóng và phản xạ với ánh sáng, chẳng hạn như kim cương, đá quý và vàng. Các nghệ nhân phải sử dụng một loại nguyên liệu quan trọng được gọi là Rak-Samuk (sơn mài có độ cứng trung bình). Đây là vật liệu luôn được sử dụng cho quá trình tạo hình trên bề mặt nhằm làm sắc nét và làm nổi bật các chi tiết trên khuôn mặt. Rak-Samuk là hỗn hợp giữa cao su Rak, Samuk, dầu oleo và đá vôi đỏ. Chất liệu này có thể tạo ra nhiều hình dạng khác nhau trước khi nó khô. Sau khi cứng lại nó sẽ định hình và rất khó bị bể trừ khi va chạm mạnh với một vật cứng.

Một đôi khi mặt nạ cho vai khỉ còn có thêm sợi dây để diễn viên ngậm vào răng nhằn giữ mặt nạ khỏi bị rơi khi nhảy múa. Do diễn viên đeo mặt nạ và không thể nói được nên họ múa theo nhịp điệu của âm nhạc và lời dẫn của người kể chuyện đằng sau cánh gà. Họ phải biết và hiểu câu chuyện đang dẫn rất rõ ràng, lời dẫn phải hoàn toàn tương giao với chủ đề của họ. Người kể chuyện cũng phải biết nhịp điệu di chuyển của các vũ công để có thể điều chỉnh nhịp điệu ca ngâm của mình của mình hay tạm dừng sao cho hòa hợp với các yêu cầu kỹ thuật của điệu nhảy. Một buổi diễn Khon thành công là kết quả của sự kết hợp hoàn hảo giữa các vũ công, người kể chuyện và ban nhạc.

Vua Rama VI Vajiravudh, người làm cho Khon đáp ứng những yêu cầu của thời hiện đại, đã ban hành các tiêu chuẩn cho Khon một cách rõ ràng như sau: "Các nhà hát nơi Khon và Lakon được biểu diễn ... phải có một vẻ đẹp giản đơn như của một nhà hát Hy Lạp cổ đại ... yêu cầu này phải được đáp ứng cho cả sân khấu lẫn cảnh quan ... Trang phục và đặc điểm của chúng phải được làm rất công phu, và phải được chế tạo một cách chính xác nhất có thể. Những trang phục phải được làm giống như nó đã từng được mặc ở Thái Lan trong thời xa xưa, và đã không thay đổi trong nhiều thế hệ kế tiếp, bởi vì chúng đã đạt được hình thức đẹp nhất và phù hợp nhất. Hoàng hậu hoặc các nhân vật hoàng gia mang vương miện hoặc miện; những nhân vật khác có các loại mũ phù hợp với cấp bậc và địa vị của họ. Các phận nhân vật khác như con quỷ, con khỉ, hoặc ẩn sĩ mang những mặt nạ có màu sắc và thiết kế khác nhau. Mỗi mặt nạ là một ví dụ tiêu biểu về nghệ thuật trang trí của người Thái, phải đặc biệt và phải có đặc trưng riêng, vì vậy mà mỗi nhân vật có thể được phân biệt bởi mặt nạ do các nam diễn viên đeo chúng"

Khon - một di sản lộng lẫy

Không có sân khấu nào mang vẻ lộng lẫy vàng son như Khon. Xiêm y, áo mão và mặt nạ đều nhuộm trong ánh sáng long lanh của vàng bạc và đá quý. Sân khấu có lúc lên đến trên trăm người là một bản đại hợp ca của màu sắc, âm thanh và ánh sáng. Những vũ công di chuyển chậm và múa bằng những động tác khoan thai như thể thời gian đang nằm đâu đó bên ngoài câu chuyện của họ. Họ như bước ra từ trong những phù điêu Angko xưa cũ, xuyên qua một quầng sáng nhiệm mầu để trở nên lộng lẫy khác thường trong một thế giới chói lòa, rạng rỡ. Cái đẹp diễm lệ này có thể là cứu cánh tối thượng cho Khon khỏi bị lớp bụi của thời gian cùng tốc độ của văn minh cuốn trôi và vùi lấp. Sẽ không ngoa khi nói rằng: chừng nào còn giữ vẻ lộng lẫy, chừng đó còn Khon.






Chú thích:

Chữ trong ngoặc đơn là tên nhân vật tương ứng với sử thi Ramayana của Ấn Độ.

** Vua Tosarot có ba bà vợ nhưng không ai có con, lo âu về người nối dõi, ông nhờ hội đồng đạo sĩ đi thăm nước trời và thỉnh cầu Phra Isuan. Phra Isuan yêu cầu Phra Narai tái sinh hiện thân thành con trai của vua Tosarot để tiêu diệt Tosakanth là kiếp trước của con quỷ Nontuk. Phra Narai đồng ý nếu con rắn của mình, vũ khí của mình, và phối ngẫu của mình tái sinh như vợ Laksami của ông. Nhiều thiên thần tình nguyện được tái sanh làm con khỉ để giúp Phra Ram, tức là Phra Narai, đánh bại Tosakanth. Phra Isuan cấp cho những con khỉ khả năng tái sinh lại khi gió thổi qua chúng. Hội đồng đạo sĩ quay lại Ayutthaya thực hiện một nghi lễ đặc biệt liên quan đến sự hóa thân mà Phra Isuan đã dạy họ. Các vợ vua Tosarot được ăn cơm thánh; sau đó họ cho ra đời bốn chàng trai: Phra Ram (một hóa thân của Phra Narai), Phra Bhrot (cái dĩa), Phra Lak (con rắn), và Phra Satarud (các vũ khí). Các chàng trai sau đó đã được dạy kỹ năng chiến đấu.

** Ở Longka, Tosakanth quyết định đi du lịch với hoàng hậu của mình, Monto, để lại vương quốc dưới sự chăm sóc của Chiw-ha, chồng của em gái mình. Sau buổi cầu nguyện hàng tuần, Chiw-ha quyết định đi ngủ, nhưng ông có biện pháp phòng ngừa bằng cách hóa thành một con quỷ khổng lồ và sử dụng lưỡi của mình để che chắn Longka . Khi Tosakanth trở về, ông không thể tìm thấy thành phố của mình và nghĩ rằng nó đã bị phá hủy bởi kẻ thù. Trong nỗi tuyệt vọng, ông ném chiếc dĩa của mình lên nơi mà Longka đã từng đứng. Cái dĩa vô tình cắt lưỡi Chiw-ha và ngay lập tức giết chết anh ta. 

** Phra Lak là người em trung thành của Phra Ram là hóa thân của rắn nên cũng có sức mạnh vô song. Anh giúp anh trai mình cai trị đất nước và tiêu diệt các kẻ thù.  Vua cha định nhường ngôi cho Phra Ram nhưng mẹ kế là  Kaiyaket nhắc vua Tosarot về một lời hứa mà ông đã cam kết nhiều năm trước đây với bà. Bà muốn vua đuổi Phra Ram vào rừng trong 14 năm để mở đường cho Phra Prot, con trai của bà, được trao vương miện. Phra Ram đi theo anh trai trong suốt thời gian đó và giúp anh trai mình tiêu diệt các kẻ thù.

**Pipek là em trai của Tosakanth, một vị tiên tri là người thông minh và bộc trực. Ông bị trục xuất khỏi thành phố của mình vì những lời tiên tri rằng Tosakanth sẽ bị giết bởi Phra Ram. Cuối cùng, ông gia nhập quân đội Phra Ram và trở thành vị vua của Longka sau khi Tosakanth bị giết chết.

** Pali chiến đấu với con trâu, có tên là Torapi, người đã giết cha mình là Torapha. Trước trận chiến, Pali kêu em trai cùng cha khác mẹ của mình là Sukreep chờ bên ngoài hang. Nếu người em thấy có máu nhạt chảy ra, có nghĩa là ông ta chết, lúc đó hãy để cho khỉ lấp hang. Pali giết chết Torapi và trời đổ mưa để ăn mừng, nhưng Sukreep nghĩ rằng chất lỏng nhạt màu này là máu, nên anh và các con khỉ đã khóc và rất buồn đau về cái chết của Pali. Sukreep lệnh các con khỉ đóng cửa hang như lời dặn của anh. Sau này Sukreep bị Pali nghi là nguy hiểm và bị trục xuất bởi anh mình. Sukreep là chú của Hanuman, chính Hanuman khuyên chú mình tới gặp anh em Phra Ram và kể cho họ nghe về lời nguyền mà Pali đang thọ lãnh và đề nghị Phra Ram giúp giải thoát cho Pali.