Wednesday, 15 January 2014

Mặt Như Ý Phật - Chúc năm mới vạn sự như ý



Quá khứ không truy tìm, vị lai không ước vọng

(Lời Phật)


Mặt nạ Như Ý Phật
Dân Việt đố ai mà không biết ông Phật Di Lặc (tiếng Phạn: Maitreya). Không hiểu cái tên này xuất phát từ đâu, với tôi; hơi thô thiển một chút; từ "di lặc" cứ gợi liên tưởng tới dáng đi lặc lè của một ông xả xệ quá khổ. Mà cũng đúng vậy, hình ảnh ông bồ tát này luôn gắn với cái bụng tròn căng và nụ cười ngoại cỡ, một đôi lúc lại có thêm một đám năm, sáu đứa con nít quậy phá tùm lum, đứa nhéo tai, đứa bịt mắt, đứa nhảy lên đầu ngồi, lại có đứa nghịch tặc bằng cách chọc ngoáy lỗ rốn. Trông hình ảnh vui như một đám tấu hài chứ nào có nghiêm trang, thần thánh gì đâu.

Người Trung Quốc hiện đại khôn hơn, họ dùng hình ảnh Phật Di Lặc biến tấu một chút bằng cách vẽ thêm rồng, họa thêm nhiều chữ Phật trên mặt, rồi đặt một cái tên mỹ miều là Như Ý Phật, làm ra cái mặt nạ đáp ứng nhu cầu tâm linh của người ta nên bán đắt như tôm tươi. Ai mà không ưa như ý, mà như ý như là Phật nữa thì ai mà chẳng tham!

Phía sau mặt nạ có chữ Như Ý Phật
Cái sự tham thoạt nghe tưởng là tính xấu nhưng nếu không tham làm sao nhân loại tiến bộ được. Phật đâu có kêu gọi diệt tham sân si, Phật chỉ dạy ta cách để kiểm soát và chuyển hóa những ngọn lửa bản năng đó. Tôi là đứa tham lam muốn sở hữu cái mặt nạ Như Ý Phật nhưng học thuyết của Ngài giúp tôi chuyển sự tham đó thành những tư duy có ích mỗi khi tôi nhìn ông.

Mỗi khi nhìn ông tôi thấy gì? Tôi thấy niềm hoan lạc của hỷ xả. Thấy hạnh phúc của sự cho đi. Thấy niềm thư thới của tự do tuyệt đối. Chuyện kể rằng, vào thế kỷ thứ mười thời Ngũ đại ở Trung Hoa có một vị hòa thượng tên là Khế Thử. Hòa thượng Khế Thử là người vùng Minh Châu (Triết Giang), hiệu là Trường Đinh Tử, ông thường hay chống tích trượng, quảy một túi vải gai, ngao du khắp nơi vừa hành khất vừa thuyết pháp, nên người cùng thời gọi ông là “Bố Đại Hòa Thượng” (hòa thượng túi vải). Bố Đại hòa thượng có thân hình béo tốt, y phục tùy tiện, ngôn ngữ hành vi đều không câu nệ tiểu tiết, Ngài đi trong nhân gian gặp chỗ nào có cái gì, xin được thì bỏ vô đãy. Đến chỗ có con nít đông, Ngài ngồi xuống phân chia cho chúng nó, vui chơi cùng chúng nó, xong việc lại xách bị lên đi với một nụ cười toe toét thường trực.

Mặt Phật Như Ý Trung Quốc
"Bị gậy ăn xin" không chỉ là hình ảnh biểu tượng của vị bồ tát mà còn là một công án thiền. Một hôm hòa thượng Thảo Đường gặp Ngài hỏi: “Đại ý Phật pháp thế nào?” Đang quảy bị trên vai Ngài liền để xuống. Vị hòa thượng hỏi thêm: “Chỉ có thế thôi hay có con đường tiến lên?” Ngài mang cái bị để lên vai và đi. Buông xuống tức là xả, xả hết rồi, còn gì nặng nề nữa mà không đi. Ý là vậy.

Xả là một hạnh lớn khi tu theo Phật. Chúng ta cày cuốc, làm ăn, điên loạn cốt chỉ để sở hữu. Nhà nước cũng cố mà chia ra là nhà nước tư bản, nhà nước sở hữu toàn dân hay là nhà nước của thánh thần. Có nhà nước nào tên là Cộng Hòa Hỷ Xả? Có. Đó là nhà nước tự thân của mỗi chúng ta. Một nhà nước không thể chế với giáo chủ tinh thần tối cao Di Lặc sống bằng nụ cười hoan hỷ, từ tâm và tự tại. Tương truyền rằng, một hôm ngồi trên bàn thạch Ngài làm một bài kệ rồi viên tịch. Bài kệ như thế này: Di Lặc chân Di Lặc / Phân thân thiên bách ức / Thời thời thị thời nhân / Thời nhân tự bất thức, Dịch là: Di Lặc thật Di Lặc /Phân thân trong muôn ức / Thường thường chỉ dạy người đời / Người đời tự không biết. Nhờ bài kệ đó mà người ta mới biết Bố Đại Hòa thượng là hóa thân của đức Di Lặc trong hình hài mà chúng ta thấy hôm nay.

Một vài góc nhìn khác
Tôi thắc mắc hoài và thắc mắc rất dữ về hình ảnh viên mãn, vẹn toàn của bồ tát Di Lặc hiện tồn và sự ra đời như là người kế vị của đức Phật Thích Ca, dưới một danh hiệu khác, trong nhiệm vụ cứu rỗi nhân loại sau thời mạt pháp của vị bồ tát này. Kinh āgama (A Hàm / Pháp tạng) nói: Đức Phật dạy rằng sau này ở cõi Ta bà, tâm con người càng ngày càng ác, mười nghiệp thiện họ bỏ qua mà luôn tạo nhiều nghiệp ác. Cho đến bao giờ họ quí mười nghiệp ác cũng như thuở xưa quí trọng mười nghiệp thiện và tuổi thọ chúng sanh giảm xuống đến cuối cùng còn mười tuổi thì đức Phật Di Lặc ra đời. Vậy nên đức Phật này có tên là Vị Lai Phật (the Future Buddha - Phật Tương lai). Câu chuyện này hàm ý gì đây? Có phải chăng căn cốt của tánh không trong nụ cười Di Lặc chính là khởi nguyên cho mọi sự tái tạo? Sự sinh đi liền sau sự diệt, âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng sự sinh phát khởi từ niềm vui, trong cái nhân hoan hỉ chắc chắn là mơ ước lớn của nhân loại được phóng chiếu trong kinh điển của Phật giáo.

Mặt Như Ý Phật
Hôm nay mồng một Tết, ngày nguyên đán, ngày khởi đầu của một chu kỳ tương lai, cũng là ngày vía đức Di Lặc. Các Tổ xưa đã quá khéo chọn cho Di Lặc - Vi Lai Phật một thời điểm xuất hiện đặc biệt trong năm, bằng cách gởi gắm cả tương lai vào ngày đẹp nhất. Tôi không mưu cầu một kiếp sau quá xa xôi không biết chắc liệu có có, càng không dám cả gan mưu cầu một hóa kiếp ở Hội Long Hoa*, chỉ mưu cầu một nụ cười Di Lặc: không tư lự và thật sự buông, cho từng sát na hiện tại. Phật dạy rằng:"Quá khứ không truy tìm, vị lai không ước vọng". Vây nên, sống hoan hỷ cho Mùa Xuân Hiện Tại chí ít cũng là một thành tựu cho ước vọng vị lai của thế gian vốn dĩ phù phiếm này.

Nam mô Như Ý Phật!**


Chú thích:

* Hội Long Hoa: Theo sách Phật thì khi Phật Thích Ca nhập diệt cũng là lúc đức Di Lặc nhập Niết bàn. Ngài sanh lên cung trời Đâu suất ở trong nội điện sống bốn ngàn tuổi. Sau đó Ngài mới sanh trong thế giới Ta bà, thành đạo dưới cội cây Long Hoa giáo hóa chúng sanh kế tiếp đức Phật Thích ca. Ngày Ngài thành đạo này được tôn vinh thành ngày hội, gọi là Hội Long Hoa.

** Như Ý Phật là phiên bản Di Lặc của Trung Hoa hiện đại, bản thân Di Lặc cũng không xuất hiện trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy. Theo hòa thượng Thích Thông Lạc trong Đường Về Xứ Phật, Di Lặc là "một Đức Phật tưởng tượng của các nhà Đại Thừa Bà La Môn" nhằm "làm một cuộc cách mạng Phật Giáo lật đổ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, thay thế bằng vị giáo chủ mới là Phật Di Lặc". Nếu diễn tiến này xảy ra thật, sẽ có lúc chúng ta niệm Nam mô Như Ý Phật như niệm các danh hiệu Phật khác bây giờ.