Nghệ sĩ Hữu Thông-Bình Định 07/11
|
Anh rất ngạc nhiên vì đã lâu không ai tìm tới anh và người tìm tới lại là người ngoại đạo. Anh ngạc nhiên vì không bị những áp lực thường hay xuất hiện khi một ai đó quan tâm tới công trình của mình. Anh kể cho tôi nghe câu chuyện phải bán hai cái mặt nạ theo chỉ thị của sếp công an. Anh kể cho tôi rằng đã từng nói không rất nhiều lần với thói tham của những kẻ thích chiếm hữu (mà tôi cũng là một trong số đó).
Anh miên man với những kỷ niệm về đời nghề, về vai diễn, về những chuyến viễn du "đem chuông đi đánh xứ người" trong một quá khứ mơ hồ như sương khói. Rồi anh giật ngược lại với quán cháo lươn ngồn ngộn hiện tại và trần trụi thiếu thốn mà vợ anh đang khéo vun vén để nuôi chồng. Anh muốn sôi lên khi phân tích cho tôi hiểu cái đẹp trong các bộ của của tuồng võ, cái hay chải chuốt và thâm thúy trong lời xướng của tuồng văn. Rồi lại tiu nghỉu như mèo khi thất vọng về khoản lương hưu lãnh một lần bèo bọt. Anh bí mật với tôi về những chuyện hậu trường dở nhiều hơn hay của sân khấu. Rồi như anh oán trách về thân phận ngoài lề bất đắc dĩ của mình.
Anh phân thân giữa bản thân và nhân vật, giữa nhân vật này và nhân vật khác, giữa một con người anh với đa dạng tính cách và đa chiều quan hệ trong câu chuyện của Tuồng. Một phức hợp giữa Thực-Giả, Tôi-Không Tôi, Ước Muốn-Giới Hạn đã hình thành trong suốt thời gian anh tập trung cho công trình vẽ mặt tuồng của mình. Anh xuất hồn trong đời thực và trạng thái "tẩu hỏa nhập ma" ắt phải đến! Anh kể rằng đến lúc suy nghĩ không điều khiển được ngòi bút, ước muốn trở thành bất khả thi khi những khuôn mặt anh vẽ ra từa tựa nhau chứ không còn khác biệt nữa. Lúc nguồn sáng tạo cạn kiệt, thể chất cũng suy vi tương đương, chính là lúc tai họa đổ xuống: anh đang hôn mê trong bệnh viện khi người cha qua đời. Có phảng phất chút gì như Kép Tư Bền trong câu chuyện của anh? Tôi tự hỏi rằng hay đã là nghệ sĩ thì trước sau gì cũng phải vận vào mình trái ngang như vậy?
Ở rạp diễn "Như Thị Quan" Đào Tấn có treo câu đối như thế này:
"Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ.
Sư đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân"
Nghĩa là:
"Trời chẳng cho ta được rảnh rỗi, cho nên phải đến với cái bận rộn này (làm Tuồng) để tìm sự thong thả.
Cuộc đời như tấn Tuồng, lẽ đâu ta đang ở trong cái giả của cuộc đời lại chê Tuồng là không thật"
Tạm dịch:
Trời chẳng cho nhàn vào chốn rộn ràng tìm chút rảnh.
Việc đời như kịch, há trong chốn giả bảo không chân.
Tôi liên tưởng tới anh lúc này. Chắc rằng anh đang sống thật. Còn tôi, không chừng lại đang đóng tuồng đời mình cũng nên!
Ở rạp diễn "Như Thị Quan" Đào Tấn có treo câu đối như thế này:
"Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ.
Sư đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân"
Nghĩa là:
"Trời chẳng cho ta được rảnh rỗi, cho nên phải đến với cái bận rộn này (làm Tuồng) để tìm sự thong thả.
Cuộc đời như tấn Tuồng, lẽ đâu ta đang ở trong cái giả của cuộc đời lại chê Tuồng là không thật"
Tạm dịch:
Trời chẳng cho nhàn vào chốn rộn ràng tìm chút rảnh.
Việc đời như kịch, há trong chốn giả bảo không chân.
Tôi liên tưởng tới anh lúc này. Chắc rằng anh đang sống thật. Còn tôi, không chừng lại đang đóng tuồng đời mình cũng nên!
Một góc của bộ sưu tập hơn 100 mặt tuồng của anh |
Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ với anh khi anh quyết định "cho, không bán" cho tôi 10 cái mặt nạ. Anh gọi tôi lại nhà, chỉ vào bộ sưu tập và bảo tôi chọn 10 cái mặt. Tôi vì sĩ diện và ngoại giao hình thức chỉ xin được lấy 3 (mặc dù trong bụng thì muốn lấy cả - cũng đang đóng tuồng mà). Anh bắt tôi phải lấy đủ cả 10 cái mới vui vẻ cho tôi về. Quả là cách cho của mấy ông nghệ sĩ này quái thật! Tôi biết anh yêu quý những đứa con rứt ruột đẻ đau của mình lắm. Dưới đây là hình ảnh 10 cái mặt anh cho tôi.
Tự nhận là đệ tử của thầy Vĩnh Huế, nhưng không như phong cách chân phương của sư phụ, mặt tuồng của anh nhiều chi tiết và màu sắc hơn. Tuồng như những khuôn mặt của anh có vẻ "quái" và ít nhiều rối rắm. Tôi sợ nếu lạm dụng quá mặt Tuồng của anh sẽ giống cách vẽ của Kinh Kịch, như nhận xét của các chuyên gia, rằng càng đi vào nam, tuồng càng giống hò Quảng (Quảng Đông - Trung Quốc).