Một chút về Cửu Phần
Tôi đến Cửu Phần (九份 Jiufen) trong một cơn mưa nặng hạt, bầu trời sũng nước cứ như muốn giữ khách nhàn du trong những quán cà phê nhỏ xinh nằm cạnh con đường ngoằn nghèo chạy dọc theo triền núi. Cái tên ngồ ngộ của thị trấn này đến từ một câu chuyện xa xưa, khi làng chỉ có chín hộ dân sống biệt lập trên núi cao, làng luôn yêu cầu chín phần đồ dùng mỗi khi có hàng đến từ thị trấn. Sau đó Kau-hun có nghĩa là "chín phần" theo ngôn ngữ Phúc Kiến (Hokkien) trở thành tên gọi của làng.
Thật tình phong cảnh hay kiến trúc ở đây không có gì nổi bật lắm, nhà cửa toàn xây bằng bê tông, còn kiến trúc thì lộn xộn không theo một phong cách nào cả. Nếu như muốn đi du lịch Đài Loan thì tôi khuyên bạn nên để dành tiền để đi nước khác, người Nhật kéo nhau tới đây chắc là để hoài niệm lại quá khứ oai hùng của một kẻ cai trị mà dân tộc họ áp đặt lên đất nước này. Những người khác chắc cũng đến đây vì nghe theo đổn thổi của số đông trên mạng.
Tôi đến Cửu Phần vì cái bảo tàng được giới thiệu một cách rất rùng rợn trên internet, rằng đó là bảo tàng mặt nạ ma của ông Vũ. Đến nơi rồi mới biết, đây không phải là bảo tàng ma, đây là thế giới của con người được tái hiện lại qua suy nghĩ của một đời lao động cật lực, của điêu khắc gia họ Vũ.
|
Cái mặt tôi cùng với những cái mặt nạ của ông Vũ |
Ông Vũ và bảo tàng mặt nạ
Ngược lên trên con dốc của đường Shuqi bạn sẽ dễ dàng bắt gặp căn nhà của ông nằm ngay trên chiếu nghỉ. Những mặt nạ với hình thù quái dị sẽ đập ngay vào mắt bạn, sẽ có người sợ hãi, sẽ có người thích thú nhưng chắc rằng ai cũng có ý định tò mò, muốn bước vào bên trong.
Ngược với những khuôn mặt rùng rợn bên ngoài, bạn sẽ bắt gặp một ông già có khuôn mặt phúc hậu, với cái đầu hói và một ít tóc đã bạc trắng. Ông mang cốt cách của người đã thôi không còn vướng bận kế sinh nhai, sống phần còn lại của cuộc đời bằng chính những sáng tạo của mình lúc còn trai trẻ. Dị nhân họ Vũ này đã để lại một bảo tàng gồm những khuôn mặt dị hình hết sức độc đáo.
|
Ông Vũ đang viết tên lưu niệm phía sau cái mặt nạ cho sưu tập của tôi |
Những người không hiểu tiếng Hoa có thể dễ dàng nhầm lẫn về một thế giới ma quỷ nào đó được ẩn giấu bên trong, nhưng thực ra không phải vậy, đây là một bảo tàng tư nhân được mở cửa thường trực với cái tên rất trần tục:
Trưng bày mặt nạ về những tổn thương (nỗi cay đắng, muộn phiền) của nhân sinh (痛苦人生面具: Painful/ Bitter life mask exhibition).
|
Các tấm biển giới thiệu bên ngoài bảo tàng. Biển lớn nghĩa là Trưng bày mặt nạ
(展面具Mask exhibition). Biển nhỏ giải thích thêm: Trưng bày mặt nạ về những tổn thương của nhân sinh (痛苦人生面具: Painful life mask exhibition). |
Một người tuổi 80, kinh qua những bể dâu ắt hẳn phải trải nghiệm nhiều nỗi muộn phiền thế nhân và thời cuộc. Tôi tiếc là không thể trao đổi nhiều với ông vì rào cản ngôn ngữ. Tuy nhiên những đồng cảm sâu xa về một nỗi đam mê dành cho mặt nạ là thứ ngôn ngữ không cần lời, ông để tôi lặng yên trong thế giới mặt nạ của ông, bỏ bên ngoài những xô bồ của của một con đường du lịch, nơi khu trung tâm đầy chộn rộn.
|
Một góc nhỏ trong thế giới mặt nạ của ông Vũ |
Có lẽ ông sống cả cuộc đời mình với suy tư về những muộn phiền và những hiện tượng cực đoan của xã hội, những muộn phiền có cách bộc lộ ra bên ngoài bằng những khuôn mặt bất thường trong hình dung của ông.
Ông Vũ Người Đất (泥人吳 ) là cách người đời gọi ông và cũng là tên ông đặt cho cái bảo tàng của mình.
|
Ông Vũ và tôi đứng dưới cái bảng hiệu Ông Vũ Người Đất (泥人吳 ) của bảo tàng |
Có hơn 1500 cái mặt nạ được treo la liệt đầy khít cả tường bao và tường ngăn của căn phòng, bạn sẽ choáng ngợp trước những hình thù kì dị của những khuôn mặt méo mó hay những dị tật của mắt, mũi miệng, hay số lượng vượt quá thông thường của những bộ phận này. Phải chăng khuyết tật là phần bắt buộc phải có của thuộc về bản chất của những tổn thương? Những tham vọng vượt quá thông thường sẽ tạo nên khuyết tật, có lẽ đó là triết lý của những hình hài méo mó trên những khuôn mặt nhân sinh của ông Vũ.
|
Những khuôn mặt nhân sinh của ông Vũ |
Trên một bức tường khác ông viết câu "Chúc mừng sinh nhật", những muộn phiền chắc chắn cũng phải được sinh ra như cách một tạo vật được sinh thành. Ông chào đón chúng trên hành trình khám phá những khuyết tật của con người và xã hội bằng cách đưa chúng vào những cái mặt nạ của mình.
|
Mảng tường đầy mặt nạ với câu Chúc mừng sinh nhật |
Cặm cụi suy tư, cặm cụi sáng tạo, bàn tay tài hoa của ông nắm được thần thái của nhân sinh qua những hỉ nộ ái ố, qua những tham sân si có tên chung là dục vọng. Những dục vọng làm méo mó và biến tướng con người cũng như xã hội. Những dục vọng làm con người tự đánh mất mình để trở thành ma trong một cuồng si bất tận.
Của người và của ma
Không có một phân biệt cụ thể nào giữa người (人) và ma (鬼) trong các mặt nạ của ông. Có lúc ma mang dáng người nhưng có lúc người lại giống ma hơn cả. Ví dụ như trong hình bên dưới đây, con ma Keo kiệt (小氣鬼) lại có gương mặt người hơn là con người Mặt giả (假面人).
|
Trái: Mặt nạ ma Keo kiệt (小氣鬼) và phải: người Mặt giả (假面人) |
Mặt nạ của ông có thế giới của những con người và ma chưa thoát ra khỏi lốt cầm thú, như người Sừng dê (羊角人) hay ma Điểu tử (玩鳥鬼).
|
Trái: Mặt nạ người Sừng dê (羊角人), phải: ma Điểu tử (玩鳥鬼). |
Thế giới ma của ông cũng đa dạng như thế giới người, có con ma áo mão đàng hoàng làm Thầy ma, có con ma mặt mũi gian manh gọi là ma Liều (冒險鬼), cũng có con ma Nhát gan (膽小鬼) mặt mũi không thấy đâu, chỉ thấy chòm tóc lòa xòa che phủ khuôn mặt.
|
Trái: Mặt nạ Thầy ma, giữa: ma Liều (冒險鬼) và phải: ma Nhát gan (膽小鬼) |
Ma cũng Yêu tiền (理財鬼), cũng Ăn cắp (小偷鬼) và cũng Vô hình (變形鬼), vô ảnh. Có lẽ mặt nạ ma Vô hình là khuôn mặt giống ma nhất trong hình dung của con người.
|
Trái: mặt nạ ma Yêu tiền (理財鬼), giữa: ma Ăn cắp (小偷鬼) và phải ma Vô hình (變形鬼) |
Chuyện của ông Vũ không phải là của ma hay người, chuyện của ông là câu chuyện kể về những thái quá. Con người sẽ trở thành ma do chính sự thái quá của mình. Những tham ái cho dẫu chính đáng nhưng vượt quá mức độ thông thường cũng tạo nên khổ đau, một con ma tham ăn đậu hũ quá cũng tạo nên một nghiệp tướng, một con người tối tăm trong cảnh mù lòa luôn mang hình tướng khổ đau. Kể cả thói quen nghiện hút của xã hội cũng tạo nên con ma Hút thuốc với cái miệng biến tướng thành hình tròn và có vô số cái miệng như thế xuất hiện trên mặt nạ của con ma này.
|
Trái: mặt nạ ma Thích đậu hũ, giữa: người Mù và phải ma Hút thuốc |
Mặt nạ của ông vượt lên khỏi khái niệm "tướng tùy tâm sinh" thông thường. Có những mặt nạ biểu ý nhiều hơn biểu hình. Cái mặt nạ có tên Ông chủ là một ví dụ: Từ cái miệng ông chủ sinh ra một khuôn mặt, rồi từ cái miệng của khuôn mặt này lại sinh ra một khuôn mặt khác. Phải chăng tài sản sinh ra từ miệng? Hay miệng là khẩu nghiệp của những người kinh doanh? Những biểu đạt tạo suy nghĩ đa chiều như vậy có rất nhiều trong sưu tập của ông. Có cái mặt nạ gồm hai mặt người nối lại với nhau. Tương phản với cái mặt nạ trống không, không mắt, không mũi, không miệng, liệu nó gợi cho người xem những suy nghĩ gì?
|
Những tương phản giữa mặt nạ Ông chủ (trái) có ba mặt, giữa có hai và không có mặt nào (phải) |
Tôi thật sự không phân biệt được đâu là người, đâu là ma trong cái thế giới dị hình của ông, để định nghĩa cái gì thuộc về ngưởi, cái gì thuộc về ma là một điều bất khả. Trong cái mặt nạ duy nhất ông để lại cho tôi; vì tấm thịnh tình của một lữ khách không quản đường xa mà tìm tới; là cái mặt nạ có tên người Dũng cảm (
大膽人).
|
Phía trước và sau của mặt nạ người Dũng cảm trong sưu tập của tôi |
Đây là một con người với khuôn mặt được kéo dãn phần giữa do có tới bốn cái mũi chồng lên nhau, mặt mày trông dị dạng như ma và không như mô tả về hình ảnh của một người dũng cảm lý tưởng. Có chút biểu cảm về sự ngạc nhiên trong cái nhướng mày đẩy tròng đen lên phía trên mắt. Phải chăng ông Vũ đã bắt được cái thần của lời khen cho một hành động dũng cảm, người được khen mặc dù rất ngạc nhiên nhưng cũng phổng mũi vì thích. À, ra đây là phần cảm xúc thuộc về người, của người nào phải của ma đâu!
Tôi đứng trong bảo tàng của ông mà cứ ngỡ như đang lạc trong cõi dục giới (World of Sense- Desires, Kama Loka) của thế giới sa bà (Samsara), nơi tham ái cai trị thân tâm chúng sinh, nơi phát sinh phiền não và vật dục (xem thêm:
the gioi ta ba). Ngũ dục (sắc dục, thinh dục, hương dục, vị dục và xúc dục) mà chúng sanh thọ nạn trong đời đang hiện diện nơi đây, rõ ràng, trực quan và không cần bàn cãi. Nếu có ai đó hỏi rằng: Có một nơi nào đó, nơi con người sống với những cực đoan quái đản của con người? Tôi sẽ không do dự mà trả lời rằng: Nơi đây, bảo tàng mặt nạ của ông Vũ.
No comments:
Post a Comment